Hiệp Khách Quậy NASA vừa công bố hôm 18/4 rằng phi thuyền vũ trụ Kepler của họ đã khám phá ra hai hệ hành tinh có chứa những hành tinh nhỏ nhất từ trước đến nay được tìm thấy trong “vùng ở được”. Hai hệ đó có ba hành tinh cỡ siêu-Trái đất, với một trong số chúng là một hành tinh ngoại nằm trong vùng ở được có kích cỡ... Xin mời đọc tiếp.
NASA vừa công bố hôm 18/4 rằng phi thuyền vũ trụ Kepler của họ đã khám phá ra hai hệ hành tinh có chứa những hành tinh nhỏ nhất từ trước đến nay được tìm thấy trong “vùng ở được”. Hai hệ đó có ba hành tinh cỡ siêu-Trái đất, với một trong số chúng là một hành tinh ngoại nằm trong vùng ở được có kích cỡ gần với Trái đất nhất được biết từ trước đến nay.
Ảnh minh họa hành tinh Kepler-62f. Ảnh: NASA
Được phóng lên quỹ đạo hồi năm 2009, phi thuyền vũ trụ Kepler có nhiệm vụ tìm kiếm những hành tinh ngoại đang quay xung quanh những ngôi sao khác (ngoài mặt trời của chúng ta). Cho đến nay, nó đã phát hiện ra 2.740 ứng cử viên hành tinh và 122 hành tinh đã được xác nhận. Các hành tinh mới công bố hôm 18/4 tại một hội nghị báo chí bàn về những khám phá mới nhất của sứ mệnh Kepler đang triển khai của NASA, chúng quay xung quanh các ngôi sao Kepler-62, ở cách Trái đất 1.200 năm ánh sáng, và Kepler-69, ở cách Trái đất 2.700 năm ánh sáng. Cả hai hệ đều nằm trong chòm sao Lyra.
Kepler-62
Kepler-62 là một sao lùn K2 có kích cỡ bằng hai phần ba Mặt trời và độ sáng bằng một phần năm Mặt trời. Nó đã 7 tỉ năm tuổi, so với 5 tỉ năm tương đối trẻ của Mặt trời. Năm hành tinh đã được tìm thấy quay xung quanh nó và hai hành tinh, Kepler-62e và 62f, nằm trong vùng ở được của ngôi sao này, nơi nhiệt độ bề mặt có thể thích hợp cho nước tồn tại ở thể lỏng. Ba hành tinh kia ở quá gần ngôi sao nên chúng có chu kì quỹ đạo tương ứng là 5, 12 và 18 ngày, vì thế chúng quá nóng để dung dưỡng sự sống.
Các hành tinh nằm trong vùng ở được của Kepler-62 là Kepler-62e, lớn hơn Trái đất 60%, và Kepler-62f, quay xung quanh Kepler-62 với chu kfi 267 ngày và lớn hơn Trái đất chỉ 40%, khiến nó là hành tinh nhỏ nhất nằm trong vùng ở được mà người ta tìm thấy từ trước đến nay. Phi thuyền vũ trụ Kepler không được trang bị thiết bị thu phổ và chỉ có thể xác định kích cỡ và quỹ đạo của một hành tinh, nhưng NASA tin rằng, dựa trên những nghiên cứu trước đây, Kepler-62f có khả năng có thành phần cấu tạo là đá chứ không phải khí.
Kepler-69
Kepler-69 là hệ nhỏ hơn với chỉ hai hành tinh, 69b và 69c, được tìm thấy cho đến nay. Thoạt nhìn, nó có vẻ là ứng cử viên cho sự sống sáng giá hơn Kepler-62 bởi vì Kepler-69 là một ngôi sao loại G giống như Mặt trời, mặc dù nó chỉ bằng 90% kích cỡ và 80% độ sáng so với Mặt trời. Hành tinh ở gần hơn, Kepler-69b, gấp đôi kích cỡ Trái đất, nhưng nó ở quá gần nên một năm của nó chỉ có 13 ngày và nó quá nóng. Tuy nhiên, Kepler-69c thì chỉ lớn hơn Trái đất 70% và quay với chu kì 242 ngày. Tiếc thay, trong khi ngôi sao của nó tương tự như mặt trời của chúng ta và hành tinh nằm trong vùng ở được, nhưng NASA nghi ngờ rằng 69c thật ra là một siêu-Kim tinh và có lẽ không thể ở được.
“Chúng ta chỉ mới biết một ngôi sao có chứa một hành tinh có sự sống, đó là Mặt trời. Việc tìm thấy một hành tinh nằm trong vùng ở được xung quanh một ngôi sao giống như mặt trời của chúng ta là một cột mốc quan trọng hướng đến tìm thấy những hành tinh thật sự giống Trái đất,” phát biểu của nhà khoa học Thomas Barclay tại Viện Nghiên cứu Môi trường Vùng Vịnh.
Phi thuyền vũ trụ Kepler đồng thời và liên tục đo độ sáng của hơn 150.000 ngôi sao trong mỗi 30 phút, quan sát xem có bất kì hành tinh nào đi qua phía trước chúng hay không. Nếu có hành tinh đi qua, nó làm cho ánh sáng của ngôi sao mờ đi ngay. Bằng cách nghiên cứu sự mờ đi đó diễn ra bao lâu và bao lớn, các nhà khoa học có thể xác định hành tinh to bao nhiêu và nó quay cách ngôi sao của nó bao xa. Kĩ thuật này ban đầu phát hiện ra những hành tinh lớn hơn Mộc tinh, nhưng khi công nghệ phát triển những hành tinh nhỏ hơn cũng đã được tìm thấy.
NASA cho biết việc tìm kiếm những hành tinh giống Trái đất sẽ mất thời gian. Để cho Kepler phát hiện ra Trái đất từ một hệ hành tinh khác sẽ cần ba lần Trái đất đi qua Mặt trời, tức là mất ba năm.
“Phi thuyền Kepler chắc chắn đã biến thành một ngôi sao rock của khoa học,” phát biểu của John Grunsfeld, phó giám đốc quản trị tại Ban giám đốc Sứ mệnh Khoa học tại tổng hành dinh NASA ở Washington. “Khám phá ra những hành tinh đá này nằm trong vùng ở được đưa chúng ta tiến gần hơn chút nữa đến chỗ tìm thấy một nơi giống như quê nhà. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta biết thiên hà của chúng ta có là quê hương của đông đảo hành tinh giống như Trái đất hay không, hay chúng ta là một của hiếm trong vũ trụ.”
Các kết quả Kepler được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal.
Nguồn: NASA