Hiệp Khách Quậy Xin mời đọc tiếp.
Mảnh lớn nhất của thiên thạch NWA 7325. Ảnh: Stefan Ralew
Những mảnh đá Mặt trăng và sao Hỏa đã được tìm thấy trên Trái đất trước đây, ngoài ra còn có những miếng nhỏ của Vesta và những tiểu hành tinh khác, nhưng còn hành tinh trong cùng nhất, Thủy tinh, thì sao? Một số nhà nghiên cứu cho rằng miếng thiên thạch xanh xanh này có lẽ có nguồn gốc từ Thủy tinh, dựa trên thành phần gây hiếu kì của nó và dữ liệu mới nhất thu từ phi thuyền vũ trụ Messenger của NASA.
NWA 7325 là tên của một vụ thiên thạch rơi được tìm thấy ở miền nam Morocco vào năm 2012, gồm 35 mảnh vỡ cân nặng tổng cộng khoảng 345 gram. Những viên đá màu lục đậm được nhà buôn thiên thạch Stefan Ralew mua lại, vì thoạt nhìn ông đã chú ý ngay đến màu sắc đậm và vẻ ngoài lóng lánh như thủy tinh của chúng.
Ralew đã gửi các mẫu NWA 7325 đến cho nhà nghiên cứu Anthony Irving tại trường Đại học Washington, một chuyên gia về thiên thạch học. Irving tìm thấy các mảnh vỡ đó có chứa ít sắt đến bất ngờ nhưng lại chứa những lượng đáng kể magnesium, nhôm, và calcium silicate – khớp với cái được phi thuyền Messenger quan sát thấy trên lớp vỏ mặt của Thủy tinh.
Và mặc dù tỉ lệ calcium silicate có cao hơn cái được tìm thấy trên Thủy tinh ngày nay, nhưng Irving cho rằng NWA 7325 có lẽ có xuất xứ từ một bộ phận ở sâu trong lớp vỏ của Thủy tinh, bị đánh bật ra bởi một sự kiện va chạm mạnh và thoát vào vũ trụ, cuối cùng thì rơi xuống Trái đất.
Ngoài ra, sự phơi xạ mặt trời trong một khoảng thời gian chưa biết và sự chấn động từ sự hình thành của nó có thể đã làm thay đổi thành phần của thiên thạch chút ít, nên nó không khớp chính xác với những phép đo của Messenger. Nếu đây thật sự là một mảnh đá của hành tinh trong cùng nhất của hệ mặt trời, thì nó sẽ là thiên thạch gốc Thủy tinh đầu tiên từng được xác nhận.
Theo bài báo của đội khoa học của Irving, cách duy nhất để biết chắc chắn là nghiên cứu thêm về các mảnh vỡ và, cuối cùng, lấy mẫu từ Thủy tinh về.
Nguồn: EarthSky.org