Những hành tinh ngoại lạ lùng nhất

Hiệp Khách Quậy Kepler-10b là hành tinh ngoại nhỏ nhất được biết cho đến nay, công bố vào tháng 1/2011. Nó lớn gấp 1,4 lần Trái đất. Xin mời đọc tiếp.

Nhỏ nhất

Kepler-10b là hành tinh ngoại nhỏ nhất được biết cho đến nay, công bố vào tháng 1/2011. Nó lớn gấp 1,4 lần Trái đất.

Cựu vô địch

Gliese 581 từng giữ kỉ lục hành tinh ngoại nhỏ nhất. Nó được công bố vào ngày 29/09/2010 và ở cách Trái đất 20,5 năm ánh sáng.

Lớn nhất

Hành tinh ngoại lớn nhất cũng là hành tinh lạ lùng nhất và trên lí thuyết là không thể nào tồn tại được. Được đặt tên là TrES-4, hành tinh này lớn gấp 1,7 lần Mộc tinh và thuộc về họ hàng cái gọi là những hành tinh “phù thủng” với tỉ trọng cực kì thấp. Hành tinh này ở cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng và quay xung quanh ngôi sao bố mẹ của nó mỗi vòng 3,5 ngày.

Gần nhất

Epsilon Eridani b quay xung quanh một ngôi sao màu cam giống-Mặt trời chỉ cách Trái đất 10,5 năm ánh sáng. Nó ở quá gần chúng ta nên các kính thiên văn có thể chụp ảnh được nó. Nó cũng quay trong quỹ đạo quá xa ngôi sao của nó nên nước thể lỏng và sự sống không thể tồn tại, nhưng các nhà khoa học dự đoán có những hành tinh khác trong hệ này có khả năng có sự sống.

Hoạt động núi lửa khủng khiếp nhất

Hành tinh này, CoRoT-7b, là hành tinh đá đầu tiên được xác nhận nằm bên ngoài hệ mặt trời, nhưng nó chẳng có vẻ gì là một nơi dễ chịu để sinh sống. Nó bị tác động thủy triều mạnh bởi ngôi sao của nó, làm nhiệt độ tăng lên đến 2.200oC. Nó còn phun ra đá và là lõi của một hành tinh khí khổng lồ đã bay hơi.

Có nhiều mặt trời

Giống như hành tinh Tatooine trong bộ phim Star Wars có hai mặt trời, hành tinh cỡ Mộc tinh này có đến ba mặt trời với ngôi sao chính tương đương khối lượng với Mặt trời của chúng ta. Hệ ba sao này có tên là HD 188753 và ở cách Trái đất 149 năm ánh sáng. Hành tinh này có khả năng rất nóng, vì nó quay rất gần ngôi sao chính của nó, với chu kì quay là 3,5 ngày.

Lạnh nhất và ở xa chúng ta nhất

Với nhiệt độ bề mặt – 220oC, hành tinh ngoại có tên gọi OGLE-2005-BLG-390L b này có khả năng là hành tinh ngoại lạnh lẽo nhất. Nó có khối lượng gấp 5,5 lần Trái đất và được cho là hành tinh đá. Nó quay xung quanh một sao lùn đỏ ở xa 28.000 năm ánh sáng, khiến nó là hành tinh ngoại xa nhất được biết hiện nay.

Hành tinh nóng nhất

Một hành tinh có tên gọi WASP-12b là hành tinh nóng nhất từng được phát hiện, với nhiệt độ 2.200oC, và có quỹ đạo quay gần ngôi sao của nó hơn bất kì hành tinh nào mà người ta từng biết. Nó quay xung quanh ngôi sao bố mẹ mỗi vòng một ngày Trái đất và có bán kính quỹ đạo là 3,4 triệu km. WASP-12b là một hành tinh khí, gấp khoảng 1,5 lần khối lượng Mộc tinh và kích cỡ gần như gấp đôi. Nó ở cách Trái đất 870 năm ánh sáng.

Siêu Trái đất

Các nhà thiên văn đang tìm kiếm nhiều thế giới thuộc họ hàng gọi là siêu Trái đất, những hành tinh có khối lượng gấp 2 đến 10 lần Trái đất của chúng ta. Một số nhà khoa học cho rằng những thế giới như thế có lẽ thuận lợi hơn cho sự hình thành các điều kiện cho sự sống vì lõi của chúng nóng và có lợi cho sự dịch chuyển địa chất qua hoạt động núi lửa và kiến tạo mảng.

Lớn tuổi nhất

Hành tinh già tuổi nhất là một thế giới thái cổ 12,7 tỉ năm tuổi đã hình thành trước Trái đất 8 tỉ năm. Khám phá này cho thấy các hành tinh rất phong phú trong vũ trụ và làm tăng thêm viễn cảnh rằng sự sống đã ra đời sớm hơn trước đây các nhà khoa học vẫn nghĩ.

Trẻ tuổi nhất

Hành tinh trẻ nhất từng được phát hiện là chưa tới một triệu năm tuổi và quay xung quanh Coku Tau 4, một ngôi sao ở xa 420 năm ánh sáng. Các nhà thiên văn đã suy luận ra sự có mặt của hành tinh này từ một cái lỗ trống khổng lồ trong cái đĩa bụi vây xung quanh ngôi sao trên. Cái lỗ có kích lớn gấp 10 lần quỹ đạo của Trái đất xung quanh Mặt trời và có khả năng là do một hành tinh quét qua vành đai bụi khi nó quay xung quanh ngôi sao.

Phù thủng nhất

Một hành tinh nhẹ hơn cả phao bần là một trong những hành tinh ngoại phù thủng nhất từng được biết cho đến nay. Tên gọi là HAT-P-1, hành tinh này nặng bằng một nửa Mộc tinh nhưng lớn gấp 1,76 lần – hay lớn hơn lí thuyết dự đoán 24%. Nó có thể nổi trên nước, nếu có một cái hồ đủ lớn như thế để chứa nó!

Siêu Hải Vương tinh

Trong khi Hải Vương tinh có đường kính gấp 3,8 lần Trái đất và gấp 17 lần khối lượng Trái đất, thì một thế giới mới có tên gọi là HAT-P-11b gấp 4,7 lần kích cỡ Trái đất và có 25 lần khối lượng Trái đất. Nó quay rất gần ngôi sao của nó, mỗi vòng 4,88 ngày. Nó có nhiệt độ khoảng 600oC. Ngôi sao của nó có kích cỡ bằng ba phần tư Mặt trời của chúng ta và có phần nguội hơn.

Thế giới nghiêng

Đa số các hành tinh quay trong cùng một mặt phẳng tương ứng với xích đạo của ngôi sao bố mẹ của chúng. Nhưng XO-3b quay nghiêng kỉ lục đến 37o so với mặt phẳng xích đạo của ngôi sao của nó. Trường hợp khác duy nhất mà người ta biết là Pluto, cho đến khi nó bị loại vào danh sách hành tinh lùn. Tuy nhiên, người ta còn biết có một hành tinh quay ngược xung quanh ngôi sao của nó.

Hành tinh nhanh nhất

SWEEPS-10 quay xung quanh ngôi sao bố mẹ của nó ở khoảng cách chỉ có 740.000 dặm, quá gần nên một năm trên hành tinh này chỉ kéo dài 10 giờ. Hành tinh này thuộc về họ hàng những hành tinh ngoại lao nhanh gọi là những hành tinh có chu kì cực ngắn, tức những hành tinh có chu kì quay chưa tới 1 ngày.

Thế giới nước

Hành tinh ngoại GJ 1214b là một hành tinh đá chứa nhiều nước ở cách chúng ta 40 năm ánh sáng. Nó quay xung quanh một sao lùn đỏ. Nó là siêu Trái đất duy nhất được biết – khối lượng của nó lưng chừng giữa Trái đất và Hải Vương tinh – được xác nhận có khí quyển. Hành tinh này gấp 3 lần kích cỡ Trái đất và gấp 6,5 lần khối lượng Trái đất. Các nhà khoa học cho rằng có khả năng nó là một thế giới nước với lõi rắn.

Phát hiện có khí quyển

Các nhà thiên văn đã có thể phát hiện ra khí quyển xung quanh một vài hành tinh ngoại, trong đó có HD 189733b – một trong những thế giới ngoại đầu tiên có khí quyển đã được đánh hơi để xác định thành phần của nó. Người ta đã phát hiện có khí methane trên hành tinh này.

Thế giới đang hấp hối

Khi các nhà thiên văn quan sát WASP-18b, có lẽ họ đang chứng kiến nó tại thời khắc vũ trụ trước khi chết. Hành tinh này, có khả năng là một thế giới yểu mệnh, quay xung quanh ngôi sao của nó chưa tới một ngày Trái đất mỗi vòng. Các nhà khoa học nghĩ rằng tốc độ này kết hợp với khối lượng lớn của hành tinh đã mang lại những lực co giật hấp dẫn mạnh có thể làm thay đổi quỹ đạo hành tinh. Nếu hành tinh quay nhanh hơn tốc độ quay của ngôi sao của nó, thì nó sẽ từ từ chuyển động về phía mặt trời của nó, và ngày tận thế của nó sẽ đến.

Dễ sống nhất

Một trong vài hành tinh trong hệ sao Gliese 581, tên gọi là Gliese 581 d, có lẽ là một trong những thế giới ngoại có khả năng thân thiện nhất với sự sống được biết. Nó gấp khoảng 8 lần khối lượng Trái đất, và nằm trong một quỹ đạo vừa vặn cho nước thể lỏng tồn tại trên bề mặt. Nước là một thành phần thiết yếu cho sự sống như chúng ta biết. Gliese 581 là một sao lùn đỏ ở cách Trái đất 20,5 năm ánh sáng.

Hành tinh đậm đặc nhất

Một trong những hành tinh ngoại đặc nhất cho đến nay là một thế giới tên gọi là CoRoT-Exo-3b. Nó chừng bằng kích cỡ Mộc tinh, nhưng có khối lượng gấp hơn 20 lần. Nó đặc gấp đôi chì. Các nhà khoa học đã không bác bỏ được khả năng CoRoT-Exo-3b là một sao lùn nâu, hay một ngôi sao chết.

Hành tinh kim cương

Một hành tinh khối lượng cỡ Mộc tinh đang quay xung quanh pulsar mới phát hiện PSR J1719-1438 có khả năng là một khối kim cương khổng lồ. Áp suất cực cao của hành tinh này làm cho carbon bên trong nó kết tinh thành kim cương. Và sự kì lạ chưa dừng lại ở đó. Có khả năng hành tinh này từng là một ngôi sao, nhưng đa phần khối lượng của nó đã bị nuốt bởi pulsar đồng hành nhỏ xíu của nó, vật thể đang quay tròn ở tốc độ 10.000 vòng mỗi phút. Nó ở cách Trái đất 4.000 năm ánh sáng.

Nơi tăm tối nhất

Hành tinh xa xôi TrES-2b đen hơn cả cục than đá đen nhất. Thế giới cỡ Mộc tinh này phản xạ chưa tới 1% ánh sáng rơi lên nó, biến nó thành kẻ tăm tối nhất trong họ hàng hành tinh hay vệ tinh từng biết. Nó ở cách Trái đất 750 năm ánh sáng.

Theo Space.com

Mời đọc thêm