Hiệp Khách Quậy Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ là vị trí của các tinh vân. Đã có một nỗ lực nghiêm túc nhằm giải quyết vấn đề đó vào năm 1920 khi mà trong một cuộc tranh luận kinh điển tại cuộc họp của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia, Shapley đã cự cãi với nhà thiên văn Heber Curtis về quy mô của vũ trụ Xin mời đọc tiếp.
Vương quốc tinh vân
Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ là vị trí của các tinh vân. Đã có một nỗ lực nghiêm túc nhằm giải quyết vấn đề đó vào năm 1920 khi mà trong một cuộc tranh luận kinh điển tại cuộc họp của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia, Shapley đã cự cãi với nhà thiên văn Heber Curtis về quy mô của vũ trụ. Hai người tranh cãi không những chống đối nhau, mà phong cách cũng trái ngược, Shapley thì thẳng thắn, vụng về, còn Curtis thì lịch thiệp theo kiểu quý tộc. Shapley giữ quan điểm cho rằng Dải Ngân hà cấu tạo nên toàn bộ vũ trụ, còn Curtis giữ quan điểm cho rằng một số tinh vân nằm bên ngoài Dải Ngân hà. Tôi ước gì cuộc tranh cãi này diễn ra trong thời đại của mình để có thể ghi video lại, vì chắc chắn là rất hào hứng. Nhưng trận cãi vã thê thảm đó khiến Albert Einstein chán ngấy. Quá nản nên ông quay sang nhận xét với một thính giả khác, “Tôi vừa có một lí thuyết mới của sự bất diệt.” Cuộc tranh cãi Lớn, như sau này nó được gọi, đã kết thúc hòa nhau, và cả Shapley lẫn Curtis không ai chứng minh được quan điểm của mình. Shapley phải đương đầu với nhiệm vụ khó khăn là chứng minh phản chứng, rằng không có tinh vân nào nằm ngoài Dải Ngân hà, còn Curtis, người có quan điểm dễ chứng minh hơn, thì lại thiếu số liệu.
Lời kết luận cho vấn đề trên sẽ thuộc về người anh hùng của chương này, Edwin Hubble, một nhân vật bất diệt và là một trong những nhà thiên văn học lớn của thế kỉ hai mươi. Cao ráo, điển trai, một vận động viên có thành tích, một học giả Rhodes, một người lính trong quân đội Mĩ hồi Thế chiến thứ nhất, Hubble vào làm ở Đài thiên văn Núi Wilson ở California vào năm 1919. Sau đó, Hubble cưới cô Grace Burke, một phụ nữ xinh đẹp là con gái của một ông chủ nhà băng giàu có. Nhân loại đã có vài tỉ người và xác suất phải có một vài người may mắn như thế. Và Edwin Hubble chắc chắn là một nhân vật may mắn trong số đó.
Hubble nổi tiếng với hai thành tựu chính, thứ nhất là dàn xếp được Cuộc tranh cãi Lớn. Trong năm 1922 và 1923, Hubble đã phát hiện ra vài sao biến quang Cepheid trong cái khi ấy gọi là tinh vân Andromeda. Sử dụng phương pháp của Hertzsprung và định luật chu kì-độ trưng, rõ ràng khoảng cách đến những ngôi sao này lớn hơn rất nhiều kích cỡ của Dải Ngân hà, và vì thế Andromeda phải là một tập hợp sao nằm bên ngoài Dải Ngân hà. Như vậy, tinh vân Andromeda bây giờ được gọi là thiên hà Andromeda, và nghiên cứu của Hubble và những người sau đó cho thấy rằng vũ trụ bao gồm hàng tỉ thiên hà giống như vậy. Hubble còn thực hiện khám phá với lòng khoan dung hơn Shapley nữa; Hubble có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mối liên hệ chu kì-độ trưng và vai trò của Leavitt trong việc khám phá ra nó, và cảm thấy rằng Leavitt đáng ra nên được trao giải Nobel vì khám phá ấy.
Tuy nhiên, chuẩn đo sao biến quang Cepheid, giống như chuẩn đo thị sai, có những hạn chế, và Hubble và các đồng sự của ông sẽ phải chờ một khám phá quan trọng khác nữa của thế kỉ hai mươi mới chỉ ra được vũ trụ thật ra to lớn như thế nào.
Những con số làm nên vũ trụ
James D. Stein
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>