Lỗ đen, lỗ sâu đục và cỗ máy thời gian (Phần 76)

Hiệp Khách Quậy Cách thức mà nhiều nhà vật lí và triết học ngày nay phân chia phe phái vì ý nghĩa của cơ học lượng tử có phần giống như những đức tin tôn giáo khác nhau. Một số người bảo vệ quan điểm của họ một cách nồng nhiệt và cho rằng bất... Xin mời đọc tiếp.

Thiên văn học và chiêm tinh học

Cách thức mà nhiều nhà vật lí và triết học ngày nay phân chia phe phái vì ý nghĩa của cơ học lượng tử có phần giống như những đức tin tôn giáo khác nhau. Một số người bảo vệ quan điểm của họ một cách nồng nhiệt và cho rằng bất cứ ai có quan điểm khác với quan điểm của họ là sai lầm một cách ngu ngốc. Một số người khác thì bất khả tri ở chỗ họ không thể quyết định nên “tin vào” phiên bản nào của cơ học lượng tử. Vì cách hiểu ưa thích của một người nào đó là cái không thể được chứng minh, quan điểm đối lập lại cũng không thể bị bác bỏ, nên nó trở thành vấn đề đức tin. Đây không phải là con đường khoa học nên đi, hay nói chung khoa học không là như thế. Trích dẫn sau đây là từ nhà vật lí Michio Kaku trong quyển Siêu không gian của ông:

“Một số người kết tội các nhà khoa học đang sáng tạo ra một lí thuyết thần học mới dựa trên toán học; nghĩa là chúng ta đã bác bỏ tính thần thoại của tôn giáo, chỉ đi theo một thứ tôn giáo còn lạ lùng hơn nữa xây dựng trên không thời gian cong, các đối xứng hạt và sự giãn nở vũ trụ. Trong khi các vị linh mục có thể cầu kinh bằng tiếng Latin mà những người khác khó hiểu, thì các nhà vật lí cầu kinh bằng những phương trình bí ẩn thậm chí còn có ít người hiểu hơn. “Niềm tin” vào một Đức Chúa toàn năng giờ bị thay thế bởi “niềm tin” vào cơ học lượng tử và thuyết tương đối tổng quát.”

Vậy thì làm thế nào những người không làm khoa học có thể dám chắc chắn vào những cái mà các nhà khoa học cho họ biết?

Trước tiên, không nên nghĩ rằng vật lí học đang mở ra một cánh cửa hoài nghi và bất định, hay sự mô tả của chúng ta về thực tại chỉ là vấn đề khẩu vị của từng người. Hôm nay là Thứ năm vì thế tôi tin vào những vũ trụ song song, ngày mai tôi sẽ mang vớ xanh may mắn nên tôi sẽ dũng cảm theo đuổi quan điểm tồn tại các dây vũ trụ, và vân vân. Khoa học là đi tìm những quy luật mà tự nhiên tuân theo, khám phá một lí thuyết rồi sau đó kiểm tra nó nhiều lần xem nó có là một mô tả đúng của thực tại hay không. Nếu nó thất bại thì nó bị bác bỏ. Nhiều người không làm khoa học thường nghĩ chúng ta có tư duy quá hẹp hòi và tin tưởng mù quáng vào những quan điểm mới và những khả năng mới, nhất là khi nó đến cùng với những thứ như những hiện tượng huyền bí. Tuy nhiên, khi nói rằng một tinh thể nhất định có sức mạnh chữa bệnh thần kì hay nó có khả năng phản ứng với một loại năng lượng siêu linh nào đó, một nhà khoa học sẽ muốn biết dạng năng lượng này là cái gì, và sức mạnh tiềm ẩn của nó có thể giải thích được theo định luật đã biết của tự nhiên hay không? Có thể nhân bản nó hay không? Có thể đo nó hay không? Nếu nó là một năng lượng mới hay một lực mới thì những tính chất của nó có thể hiểu được hay không? Sự thật đơn giản và dễ hiểu là, cho đến nay, và hãy tin tôi nhiều người đã tìm kiếm trong hơn một trăm năm qua rồi, không có bằng chứng khoa học nào cho bất kì một hiện tượng siêu linh nào hết. Đây không phải là không cố gắng tìm hiểu hay do thiếu trí tưởng tượng, hay tư duy chưa đủ độ mở ở phần việc của các nhà khoa học, mà vì tất cả những khẳng định như thế nhanh chóng tan vỡ khi đối mặt trước nhu cầu khắt khe của sự thẩm tra khoa học.

Hãy nhớ rằng các nhà khoa học phải có tư duy mở hoặc là họ sẽ chẳng bao giờ phát hiện ra cái gì mới mẻ, tuy thế họ bị thuyết phục rất nhiều khi đối mặt trước bất kì hiện tượng mới hoặc chưa được giải thích nào đó. Một nhà vật lí bạn bè của tôi, James Christley, thường trích dẫn tặng tôi câu châm ngôn:

“Hãy tư duy mở nhưng đừng mở đến mức não tràn ra ngoài”

Câu này nghe như một lời khuyên. Chúng ta đã tiến một chặng đường dài kể từ kỉ nguyên mê tín và ma thuật. Hàng trăm năm trước, chiêm tinh học có sự tác động mạnh đối với mọi người. Ngày nay, đa số mọi người biết rằng thật phi lí nếu tin rằng một ngôi sao xa xôi nào đó, ánh sáng từ nó phát ra có lẽ đã truyền đi hàng nghìn năm trước khi đi tới chúng ta, lại bằng cách nào đó có sự tác động thật sự lên cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng vào thế kỉ thứ mười sáu, ngay cả các nhà thiên văn học cũng tin vào chiêm tinh học. Một ví dụ khác là nguồn gốc của từ ‘flu’ là viết tắt cho từ Italy ‘influenza’ nghĩa là “ảnh hưởng” của các hành tinh, vì người ta tin rằng chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Bạn có tin như thế không hay bạn có chấp nhận rằng có một cái gì đó như virus flu không?

Khoa học mang lại sự tiến bộ cho mọi thời đại, và những tiến bộ đó hướng đến sự thật và sự khai sáng. Con đường khoa học không phải lúc nào cũng thẳng, và thỉnh thoảng chúng ta lại đi vào ngõ cụt, nhưng nói chung chúng ta đã tạo nên sự tiến bộ hết sức ấn tượng. Vì tôi còn có kế hoạch sống và làm việc trong nửa đầu thế kỉ hai mươi mốt, nên tôi hi vọng trong thời gian đó chúng ta sẽ tìm thấy Vũ trụ vẫn chứa trong nó nhiều bất ngờ đối với chúng ta.

Lỗ đen, lỗ sâu đục và cỗ máy thời gian

Lỗ đen, lỗ sâu đục và cỗ máy thời gian

Jim Al-Khalili
Bản dịch của Thuvienvatly.com
Phần cuối >>

Mời đọc thêm