Hiệp Khách Quậy Bộ sưu tập của Viện Smithsonian về các di vật thu gom được tại tàn tích của tòa tháp đôi vào ngày định mệnh 11-9-2001 bao gồm nhiều thiết bị cầm tay, một chiếc Blackberry, một máy tính xách tay và trên hết là các câu chuyện đi kèm theo chúng. Xin mời đọc tiếp.
TTO - Bộ sưu tập của Viện Smithsonian về các di vật thu gom được tại tàn tích của tòa tháp đôi vào ngày định mệnh 11-9-2001 bao gồm nhiều thiết bị cầm tay, một chiếc Blackberry, một máy tính xách tay và trên hết là các câu chuyện đi kèm theo chúng.
Một vào trong số nhiều di vật công nghệ của ngày định mệnh 11-9-2001 - Ảnh minh họa: MSN |
Thật không dễ dàng gì để nhìn vào bộ sưu tập ngày 11-9 của Bảo tàng quốc gia lịch sử Hoa Kỳ. Dù quan sát một cách trực tiếp hay thông qua mạng Internet, chúng luôn gợi nên những ký ức đầy đau đớn và không thể nào quên.
Người ta nhìn thấy trong bộ sưu tập là một chiếc laptop bị hư hại từ đống đổ nát của Lầu năm góc, một chiếc smartphone Blackberry, một máy tính bỏ túi bị hỏng cũng như một chiếc điện thoại di động kiểu nắp gập thuộc về thị trưởng New York, Rudy Giuliani.
Triển lãm mang tên “Rememberance and Reflection” (tạm dịch: Sự tưởng nhớ và tương phản) sẽ kết thúc vào hôm nay (11-9-2011), tuy nhiên vẫn tiếp tục trên mạng.
Nhịp Sống Số gửi đến bạn đọc vài câu chuyện sơ lược đi kèm theo những món đồ công nghệ được tìm thấy trong bộ sưu tập:
Trước tiên là một máy nhắn tin từng thuộc về Goumatie Thackurdeen, nhân viên tập đoàn Fiduciary Trust Corp, có trụ sở đóng tại tầng 97 của tháp Nam (South tower). Goumatie là một trong số 87 nhân viên của Fiduciary Trust bị thiệt mạng bởi vụ khủng bố hôm đó.
Bảo tàng lịch sử Hoa Kỳ không giống với bất cứ bảo tàng nghệ thuật thường thấy nào khác. Theo Melinda Machado, giám đốc đối ngoại của bảo tàng, nơi đây thường hấp dẫn các gia đình và luôn tràn ngập tiếng cười đùa của trẻ con, nhưng mọi thứ lại khác hẳn ở phần trưng bày các di vật của ngày 11-9, nơi có bầu không khí luôn trang trọng và tĩnh lặng.
“Trải nghiệm tại đây hoàn toàn khác xa với mọi khu vực khác của bảo tàng. Chúng tôi thường xuyên đón tiếp nhiều bậc cha mẹ đi cùng con cái, và việc của nhân viên là giải thích – một cách trang trọng – cho họ biết điều gì đã xảy ra, và ý nghĩa của những đồ vật họ đang quan sát”, bà nói thêm.
Khung cảnh hoang tàn như một bộ phim viễn tưởng về ngày tận thế - Ảnh: Time |
Sức mạnh của buổi triển lãm được giúp sức nhờ những câu chuyện đi kèm mà Viện Smithsonian đã kèm theo một vài trong số những đồ vật có mặt.
Ví dụ điển hình là câu chuyện đi kèm chiếc điện thoại di động nắp gập của Ericsson của anh Bob Boyle. Nếu không vì sự khó khăn trong việc bắt sóng của chiếc điện thoại, Bob Boyle đã không thể sống sót khỏi những gì xảy ra ngày hôm đó.
“Lúc đó là khoảng 9:30 AM, mà điện thoại của tôi vẫn không nhận được một miếng sóng nào, thế là tôi bắt đầu đi khỏi khu vực Trung tâm thương mại… Và chính sự bất tiện của thiết bị đã cứu mạng của tôi”, Boyle chia sẻ.
Một câu chuyện khác thuộc về chiếc điện thoại của Bộ tư pháp Hoa Kỳ, trong phòng làm việc của Ted Olson, cố vấn tư pháp của chính phủ Mỹ vào thời điểm đó. Trên chiếc điện thoại này, ông đã nhận được hai cuộc gọi từ vợ mình, Barbara Olson, một hành khác có mặt trên chuyến bay bị không tặc của hãng American Airlines, số hiệu 77.
Ngoài ra buổi trưng bày còn mang đến cho người xem một chiếc Blackberry được sử dụng bởi một luật sư tên Matthew Farley, đi kèm là nội dung các cuộc đàm thoại vào ngày định mệnh 11-9-2001. Cụ thể, theo Viện Smithsonians, văn phòng của Farley nằm ở tầng 89 của tháp Bắc. Vị luật sư đã dùng chiếc Blackberry để “liên lạc với toàn bộ mười sáu nhân viên của mình để kiểm tra xem họ có an toàn hay không. Tất cả đều còn sống”.
Tổng cộng có 50 trong tổng số 350 hiện vật về ngày 11-9 đã được trưng bày tại buổi triển lãm.
Tuổi Trẻ online