Friedrich Johann Karl Becke (1855-1931) và Viền Becke

Hiệp Khách Quậy Friedrich Johann Karl Becke là nhà địa chất, nhà khoáng vật học và nhà thạch học người Áo, công tác tại trường Đại học Prague, người đã phát triển một phương pháp xác định mối liên hệ giữa sự khúc xạ ánh sáng và sự chênh lệch chiết suất quan sát thấy ở những mẫu vật hiển vi. Hiện tượng trên ngày nay... Xin mời đọc tiếp.

 Becke

Friedrich Johann Karl Becke là nhà địa chất, nhà khoáng vật học và nhà thạch học người Áo, công tác tại trường Đại học Prague, người đã phát triển một phương pháp xác định mối liên hệ giữa sự khúc xạ ánh sáng và sự chênh lệch chiết suất quan sát thấy ở những mẫu vật hiển vi. Hiện tượng trên ngày nay được gọi là sự tạo viền Becke. Becke còn tiến hành nghiên cứu quan trọng về sự kết tinh lại đá biến chất, và sau này còn góp phần cho sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ miêu tả và phân loại các tập hợp chất khoáng trong đá biến chất.

Trong kính hiển vi ánh sáng truyền qua, thử nghiệm viền Becke là một phép thử so sánh dùng để xác định chiết suất gần đúng của một khoáng chất. Sử dụng ánh sáng phân cực phẳng, màn chắn lỗ ngắm bệ dưới bọc kín một phần để làm nổi bật những ranh giới hạt, mang lại diện mạo một đường sáng mỏng, tức viền Becke, hoặc bao quanh mẫu vật hoặc có thể nhìn thấy bên trong các ranh giới mẫu. Nếu vật kính hiển vi sau đó di chuyển lên hoặc xuống, ra xa vị trí tiêu điểm, thì viền Becke sẽ di chuyển vào môi trường có chiết suất cao hơn. Nói chung, một môi trường thích hợp cho sự xác định chiết suất (và quan sát các viền Becke) hoặc là một khoáng chất liền kề có chiết suất đã biết, một loại dầu ngâm, hoặc là một môi trường lắp vào như nhựa Canada.

Ra đời trong đêm giao thừa năm 1855 ở Prague (khi ấy là một bộ phận thuộc Đế quốc Áo-Hung), Becke đến Vienna học hành dưới sự hướng dẫn của Gustav Tschermak và được bổ nhiệm làm trưởng bộ môn khoáng vật học tại trường Đại học Vienna (1898). Nhiều năm sau này, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng (1921), và qua đời mười năm sau đó, vào hè năm 1931. Becke đã trình bày một bài báo nổi tiếng (1903) về thành phần và cấu trúc của đá phiến diệp thạch kết tinh trước Hội nghị Địa chất Quốc tế, đó là lí thuyết toàn diện đầu tiên về đá biến chất. Nghiên cứu sau đó của ông về sự biến chất nghịch đã dẫn tới một sự hiểu biết thấu đáo hơn về nhiều vành đao núi cổ, và ông còn là biên tập viên của tạp chí Thông tin Khoáng vật học và Thạch học từ năm 1899.

Hội Khoáng vật học Áo (thành lập năm 1901) tặng thưởng Huy chương Becke, một sự tôn kính đối với nhà khoáng vật học nổi tiếng và là chủ tịch thứ hai của họ, cho những nhà khoa học xuất sắc có những đóng góp đáng kể cho nghiên cứu khoáng vật học, tinh thể học, thạch học, và những lĩnh vực khác thuộc địa vật lí và địa hóa học. Becke còn là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân học Berlin-Brandenburg (khi đó là Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân học Phổ) và là thành viên danh dự của Hội Địa chất học Thụy Điển (1916).

Viền Becke – Được định nghĩa là những đường rộng, tối hoặc sáng (do khúc xạ và/hoặc nhiễu xạ) tạo ra trong ảnh tại ranh giới giữa những môi trường có độ dài quang trình khác nhau. Chúng di chuyển theo hướng của quang trình dài hơn khi khoảng cách giữa vật kính và vật mẫu tăng lên. Viền Becke biến mất trong vùng thuộc vật mẫu nằm tại đúng tiêu điểm.

Viền Becke 

Sự hình thành viền Becke được minh họa trong hình trên. Trong (a) mẫu vật trong suốt có chiết suất cao hơn môi trường xung quanh. Khi vật kính đưa lên phía trên tiêu điểm thì một đường viền Becke sáng xuất hiện bên trong mẫu vật, nhưng viền Becke dường như lớn dần và bao xung quanh mẫu khi vật kính di chuyển xuống dưới tiêu điểm. Nếu mẫu vật có chiết suất thấp hơn chiết suất của môi trường (b), thì tình huống diễn ra ngược lại và việc nâng vật kính trên tiêu điểm tạo ra một viền Becke sáng bao xung quanh mẫu.

Các hạt và sợi thường có hình dạng lồi và hoặc làm phân kì, hoặc làm hội tụ ánh sáng, phụ thuộc vào chiết suất của chúng thấp hơn hay cao hơn chiết suất của môi trường xung quanh (thường là dầu). Trong mỗi trường hợp, ánh sáng hội tụ vào môi trường có chiết suất cao hơn. Một mẫu vật có những mặt song song sẽ tạo những viền Becke tại những ranh giới có chiết suất cao do sự phản xạ nội toàn phần.

Lưu ý: Hiện tượng này dùng để nhận ra sự chênh lệch chiết suất của hai môi trường liền hề, thí dụ một hạt và môi trường lắp xung quanh. Khi các chiết suất khớp với nhau thì viền Becke biến mất.

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm