Hiệp Khách Quậy Bruce Liebeman là một nhà báo khoa học sinh sống ở San Diego, California, Mĩ. Ông thường viết về thiên văn vật lí cho The Kavli Foundation và các tạp chí Air & Space Magazine, Sky & Telescope, Scientific American, và các kênh truyền thông khác. Bài báo dưới đây của ông đăng trên trang Space.com. Xin mời đọc tiếp.
Bruce Liebeman là một nhà báo khoa học sinh sống ở San Diego, California, Mĩ. Ông thường viết về thiên văn vật lí cho The Kavli Foundation và các tạp chí Air & Space Magazine, Sky & Telescope, Scientific American, và các kênh truyền thông khác. Bài báo dưới đây của ông đăng trên trang Space.com.
Hồi cuối tháng 2, với tư cách đại diện của The Kavli Foundation, tôi có tham dự một hội nghị thường niên của các nhà săn tìm vật chất tối – những con người ngày đêm cố gắng nhận dạng loại chất liệu chưa biết chiếm hơn một phần tư dung lượng của vũ trụ.
Tại hội nghị Dark Matter 2014, tổ chức tại UCLA (trường ĐH California ở Los Angeles), hơn 160 nhà vật lí đến từ khắp thế giới đã thảo luận những kết quả tìm kiếm và công nghệ mới nhất của họ, và họ chia sẻ những hi vọng và thất vọng của mình trong việc giải một trong những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ học. Vậy cuộc săn tìm ấy của họ đã diễn biến ra sao rồi?
Bức ảnh chụp này của Kính thiên văn vũ trụ Hubble cho thấy sự phân bố vật chất tối trong tâm của đám thiên hà khổng lồ Abell 1689, bao gồm khoảng 1.000 thiên hà và hàng nghìn tỉ ngôi sao. Vật chất tối là một dạng không nhìn thấy của vật chất chiếm phần lớn khối lượng của vũ trụ. Kính Hubble không thể nhìn thấy vật chất tối trực tiếp. Các nhà thiên văn suy luận ra vị trí của nó bằng cách phân tích tác dụng của sự hội tụ hấp dẫn, trong đó ánh sáng đến từ các thiên hà phía sau Abell 1689 bị bóp méo bởi vật chất ngáng giữa đường truyền bên trong đám thiên hà. Các nhà vật lí đã tụ họp hồi cuối tháng 2 tại UCLA để thảo luận những nỗ lực mới nhất nhằm nhận dạng vật chất tối, một trong những bí ẩn lớn nhất của mọi ngành khoa học. Ảnh: NASA/JPL-Caltech/ESA/Institute of Astrophysics of Andalusia, University of Basque Country/JHU
Phụ trách một mảng thảo luận về vũ trụ do The Kavli Foundation thực hiện, tôi có cơ hội nói chuyện với ba nhà vật lí hàng đầu tại hội nghị về những tin tức nổi bật nhất và các viễn cảnh tiến bộ trong tương lai.
Tham gia buổi trò chuyện là Blas Cabrera, giáo sư vật lí tại trường Đại học Stanford, viện sĩ Viện Kavli Thiên văn Vật lí Hạt và Vũ trụ học (KIPAC) tại Stanford, và là phát ngôn viên cho thí nghiệm vật chất tối SuperCDMS; Dan Hooper, nhà khoa học trong Nhóm Thiên văn Vật lí Lí thuyết tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia Fermi, trợ lí giáo sư Khoa Thiên văn học và Thiên văn Vật lí học tại Đại học Chicago, và là thành viên kì cựu của Viện Kavli Vật lí Vũ trụ học (KICP) ở Đại học Chicago; và Tim Tait, giáo sư vật lí và thiên văn học tại Đại học Californua, Irvine, và là thành viên của Nhóm Vật lí Hạt Lí thuyết tại trường này.
Sau đây là nội dung buổi trò chuyện đã được biên tập lại.
Blas Cabrera, giáo sư vật lí tại Đại học Stanford, viện sĩ Viện Kavli Thiên văn Vật lí Hạt và Vũ trụ học (KIPAC) tại Stanford, và là phát ngôn viên cho thí nghiệm vật chất tối SuperCDMS. Ảnh: The Kavli Foundation
THE KAVLI FOUNDATION (TKF): Hầu như mọi người tại hội nghị đều nghĩ rằng cuối cùng chúng ta đã tiến trên con đường hướng tới chỉ rõ vật chất tối là cái gì. Sau 80 năm ở trong “tối”, chúng ta nghe được những gì tại hội nghị này giải thích cho sự lạc quan đó?
BLAS CABRERA: Hội nghị này biểu dương quá trình triển khai của những thí nghiệm ngày càng lớn với những tiến bộ nổi bật về độ nhạy. Cái chúng tôi đang tìm kiếm là bằng chứng của một hạt vật chất tối, và ý tưởng dẫn đầu cho nó là cái được gọi là hạt nặng tương tác yếu, hay WIMP. Chúng tôi tin rằng WIMP rất hiếm khi tương tác với vật chất bình thường, nhưng chúng tôi có những dấu hiệu từ một vài thí nghiệm có thể là bằng chứng cho các WIMP.
Lần lượt tại hội nghị này, chúng tôi đã nghe báo cáo về những định cỡ mới của những kết quả của mùa thu năm ngoái từ LUX, detector Xenon Lớn Dưới lòng đất hiện đang dẫn đều thế giới về độ nhạy đối với các WIMP trên ngưỡng khối lượng 6 proton – proton là hạt nhân của nguyên tử hydrogen. Theo một cách giải thích số liệu thông thường, đội LUX đã loại trừ ngưỡng khối lượng dưới cho hạt vật chất tối, đây là một tiến bộ đáng kể nữa bởi vì nó thu hẹp thêm khả năng cho ngưỡng khối lượng của hạt WIMP và chưa có thí nghiệm nào khác báo cáo đã tìm thấy.
Cuối cùng, Dan [Hooper] còn có một bài diễn thuyết sáng giá ở đây nói về một nỗ lực khác: phát hiện gián tiếp vật chất tối bằng cách nghiên cứu bức xạ đến từ tâm của Dải Ngân hà. Ông đã báo cáo khả năng của một tín hiệu vật chất tối mạnh, và tôi muốn nói rằng đó cũng là một trong những điểm nhấn của hội nghị bởi vì nó cung cấp cho chúng ta một số bằng chứng có sức mạnh nhất từ trước đến nay của một sự dò tìm vật chất tối trong không gian. Dan có thể lí giải.
Dan Hooper, nhà khoa học thuộc Nhóm Thiên văn Vật lí Lí thuyết tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia Fermi, trợ lí giáo sư Khoa Thiên văn học và Thiên văn Vật lí học tại Đại học Chicago, và là thành viên kì cựu của Viện Kavli Vật lí Vũ trụ học (KICP) tại Đại học Chicago. Ảnh: The Kavli Foundation
DAN HOOPER: Bốn năm rưỡi trước đây, tôi đã viết bài báo đầu tiên của mình về việc tìm kiếm bằng chứng của vật chất tối tại tâm của Dải Ngân hà. Và bây giờ chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có những kết quả thuyết phục nhất cho đến nay. Cái chúng tôi đang nhìn vào thật ra là các tia gamma – dạng ánh sáng giàu năng lượng nhất – phát ra từ tâm của Ngân hà. Theo tôi nghĩ đây rất có khả năng là một dấu hiệu của các hạt vật chất tối đang phân hủy. Như Blas lí giải, chúng tôi tin rằng vật chất tối có cấu tạo hạt, và những hạt này, tự thân chúng, được trông đợi là bền – nghĩa là chúng không đều đặn phân hủy thành những hạt khác hay thành các dạng bức xạ. Nhưng tại vùng lõi dày đặc của Dải Ngân hà, chúng tôi nghĩ chúng va chạm và hủy lẫn nhau, trong quá trình đó giải phóng những lượng lớn năng lượng ở dạng tia gamma.
TIM TAIT: Chúng tôi cho rằng mật độ của các hạt vật chất tối, và do đó cường độ của bức xạ tia gamma được giải phóng khi chúng va chạm, sẽ phải giảm khi anh tiến ra xa tâm thiên hà. Vậy nên, anh cứ việc sắp xếp xem đặc trưng của tín hiệu đó trông như thế nào khi di chuyển từ tâm thiên hà ra bên ngoài.
TKF: Vậy thì thưa ông Dan, trong trường hợp này các tia gamma mà chúng ta quan sát thấy phát ra từ tâm của Dải Ngân hà có khớp với các tiên đoán của chúng ta cho khối lượng của các hạt vật chất tối hay không?
HOOPER: Khớp chứ. Chúng tôi đã dự đoán mức năng lượng của các tia gamma phải bằng bao nhiêu, dựa trên những lí thuyết đã có cho khối lượng hạt WIMP, và cái chúng tôi nhìn thấy khớp với mô hình lí thuyết đơn giản nhất cho hạt WIMP. Bài báo của chúng tôi dựa trên nhiều số liệu hơn, và chúng tôi tìm thấy những cách phức tạp hơn phân tích số liệu đó. Chúng tôi đã thử mỗi khả năng mà chúng tôi có thể nghĩ ra. Chúng tôi tìm thấy đó không những là dấu hiệu và có ý nghĩa thống kê lớn, mà đặc trưng của nó thật sự trông y hệt với cái chúng tôi nghĩ rằng vật chất tối sẽ tạo ra - ở cách bức xạ tia gamm lập bản đồ trên bầu trời, ở độ sáng chung của nó, và những chi tiết khác.
Tim Tait, giáo sư vật lí và thiên văn học tại Đại học California, Irvine, và là thành viên của Nhóm Vật lí Hạt Lí thuyết tại trường này.
TKF: Hãy kể tôi nghe thêm về dự đoán này.
HOOPER: Theo tôi tất cả các hạt cấu tạo nên vật chất tối đều được tạo ra trong Vụ Nổ Lớn hồi gần 14 tỉ năm trước, và cuối cùng khi vũ trụ nguội đi một lượng nhỏ còn sót lại để tạo nên vật chất tối mà chúng ta có ngày nay. Lượng còn sót lại tùy thuộc vào mức độ các hạt vật chất tối tương tác với nhau trên cấp thời gian vũ trụ. Chúng càng va chạm thì phân hủy càng nhiều, và càng ít vật chất tối sót lại ngày nay. Cho nên, tôi có thể tính toán căn bản tốc độ tại đó các hạt vật chất tối va chạm trong tiến trình lịch sử vũ trụ - dựa trên lượng vật chất tối mà chúng ta ước tính tồn tại trong vũ trụ ngày nay. Và một khi tôi đã có tốc độ vật chất tối phân hủy ngày nay, tôi có thể ước tính tín hiệu tia gamma phát ra từ tâm thiên hà phải sáng bao nhiêu – nếu nó được tạo bởi những hạt WIMP có một khối lượng nhất định. Và thật hay làm sao, tín hiệu tia gamma quan sát thấy sáng ngang ngửa như chúng ta dự đoán nó phải như thế.
TKF: Còn có cái gì khác thu hút sự chú ý của mọi người tại hội nghị hay không?
TAIT: Một kết quả thật sự bất ngờ đến từ thí nghiệm Tìm kiếm Vật chất Tối Siêu Lạnh, hay SuperCDMS, thí nghiệm dò tìm trực tiếp mà Blas đang nghiên cứu. Họ không tìm thấy bất kì bằng chứng nào cho vật chất tối, và điều đó mâu thuẫn với một vài thí nghiệm dò tìm trực tiếp khác đã khẳng định một kết quả phát hiện cùng ngưỡng khối lượng.
Hình ảnh tia gamma vượt mức nhìn thấy xung quanh tâm của Dải Ngân hà, do Kính thiên văn vũ trụ tia gamma Fermi phát hiện. Các nhà vật lí tin rằng các tia gamma này được tạo ra khi các hạt vật chất tối va chạm và phân hủy – trong quá trình đó giải phóng những lượng lớn năng lượng ở dạng tia gamma, dạng ánh sáng giàu năng lượng nhất. Do đó, theo các nhà nghiên cứu, việc phát hiện trực tiếp các tia gamma này có thể là một phát hiện gián tiếp của vật chất tối. Màu sắc trong ảnh mô tả cường độ tia gamma mà các nhà nghiên cứu gán cho một tín hiệu vật chất tối. Các vùng màu cam và màu vàng xung quanh Tâm thiên hà là sáng nhất. Ảnh: Daylan et al., arXiv:1402.6703v1 [astro-ph.HE] 26 Feb 2014.
CABRERA: Cái chúng tôi đang tìm kiếm là một va chạm hết sức hiếm giữa một hạt WIMP tới và hạt nhân của một nguyên tử độc thân trong máy dò của chúng tôi, trong SuperCDMS thì đó là từ tinh thể germanium. Va chạm đó làm cho hạt nhân của nguyên tử germanium giật lùi, và sự giật lùi đó tạo ra một lượng nhỏ năng lượng mà chúng tôi có thể đo được.
Các thí nghiệm dò tìm trực tiếp được bố trí dưới lòng đất để giảm thiểu nhiễu nền từ các nguồn bức xạ đa dạng, từ không gian và trên Trái đất. Các detector mới mà chúng tôi xây dựng trong SuperCDMS đã cho phép chúng tôi loại bỏ phông nền nhiễu át trội trước đây từng làm phủ mây khả năng của chúng tôi dò tìm một tín hiệu vật chất tối. Sự nhiễu này là từ các electron va chạm với bề mặt tinh thể germanium trong detector. Thiết kế mới cho phép chúng tôi nhận dạng rõ và loại bỏ những sự kiện bề mặt này.
Cho nên, thay vì nói, “OK, có lẽ phông nền này có thể là phần nào tín hiệu,” bây giờ chúng tôi có thể nói chắc chắn, “Không có phông nền” và anh có một kết quả rất rõ ràng. Ý nghĩa của chuyện này là chúng tôi có thêm chắc chắn về dữ liệu của mình nếu chúng tôi thật sự tạo ra một phát hiện dò tìm tiềm năng. Và nếu chúng tôi không làm được thì chúng tôi chắc chắn rằng chúng tôi không đi tới chỗ trắng tay. Loại bỏ phông nền nhiễu làm giảm rất nhiều các bất định trong phân tích của chúng tôi – cho dù chúng tôi có tìm thấy cái gì hay không.
TKF: Cái gì thu hút sự chú ý của mọi người trên phương diện lí thuyết?
CABRERA: Cái thu hút tôi ở hội nghị này là các nhà vật lí hạt nhân mới đây đã viết các bài báo mô tả một khuôn khổ khái quát cho mọi tương tác khả dĩ giữa một hạt vật chất tối và hạt nhân của một nguyên tử độc thân của chất liệu mà các nhà nghiên cứu sử dụng trong máy dò hạt của họ; trong trường hợp SuperCDMS, như tôi đã giải thích, đó là tinh thể germanium và silicon. Các nhà vật lí hạt nhân này trình bày rằng chừng một nửa trong số tương tác khả dĩ đó thậm chí chưa được xét tới hiện nay. Chúng tôi đang cố gắng tiêu hóa xem điều đó có ý nghĩa gì, nhưng nó cho thấy có nhiều khả năng hơn nữa và rất nhiều thứ chúng ta vẫn chưa biết.
TKF: Tim, với các máy gia tốc như Máy Va chạm Hadron Lớn ở châu Âu, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm bằng chứng của siêu đối xứng, cái có thể làm sáng tỏ bản chất của vật chất tối. Hãy nói về ý tưởng này. Đồng thời, có cái gì khác mới được nói tới tại hội nghị hay không?
TIM TAIT: Siêu đối xứng đề xuất có các hạt là ảnh qua gương của tất cả các hạt sơ cấp đã biết, và trong thế giới qua gương này có thể ẩn náu hạt vật chất tối. Cho nên, bằng cách cho bắn các hạt proton vào nhau trong LHC, chúng ta đã cố vén màn những hạt siêu đối xứng trên lí thuyết này. Tuy nhiên, cho đến nay, LHC chưa tìm thấy bất kì bằng chứng nào cho siêu đối xứng. Có lẽ tầm nhìn siêu đối xứng của chúng ta không không phải là tầm nhìn duy nhất cho nền vật lí vượt ngoài Mô hình Chuẩn. Hoặc có lẽ tầm nhìn siêu đối xứng của chúng tôi là chưa đầy đủ.
TKF: LHC đang sắp cho các proton va chạm ở những mức năng lượng cao hơn nhiều trong năm tới, như vậy nó có thể làm sáng tỏ cái gì đó chúng ta chưa thể nhìn thấy ngay lúc này hay không?
TAIT: Chúng tôi hi vọng thế. Chúng ta có lí do rất hay ho để nghĩ rằng hạt nhẹ nhất trong các hạt gương trong họ hàng siêu đối xứng này có khả năng bền, nên các va chạm năng lượng cao thể vén màn bí ẩn của chúng. Nếu vật chất tối được hình thành sớm trong vũ trụ dưới dạng một hạt siêu đối xứng và nó vẫn còn sót lại – cái chúng tôi nghĩ thế - thì nó có thể trình hiện trong vòng chạy sắp tới của các thí nghiệm LHC.
TKF: Khi các ông nghĩ về những cách tiếp cận khác nhau để nhận dạng vật chất tối, có cái gì được thảo luận tại hội nghị này có sức thuyết phục các ông rằng một trong số chúng sẽ là cách tốt nhất hay không?
TAIT: Khi anh nhìn vào mọi phương pháp khác nhau để tìm kiếm vật chất tối, cái anh tìm thấy là chúng đều hết sức có sức thuyết phục và chúng đều có những điểm mù riêng. Và vì thế anh không thể nói cách nào hoạt động tốt hơn cách nào. Tuy nhiên, anh có thể nói chúng đang trả lời những câu hỏi khác nhau và làm những thứ rất quan trọng. Bởi vì cho dù anh có đi tới khám phá ra vật chất tối theo một cách nào đó – nói ví dụ như trong cách tìm kiếm trực tiếp – thì thực tế anh không nhìn thấy nó tại LHC, chẳng hạn, lại đang mách bảo anh rằng anh có phần hào hứng trước lí thuyết đó. Một kết quả âm tính thật sự quan trọng y hệt như một kết quả dương tính.
HOOPER: Điều tương tự xảy ra với các thí nghiệm dò tìm trực tiếp. Tôi hết sức bất ngờ rằng chúng không nhìn thấy cái gì cả. Chúng tôi có ý tưởng về nơi những hạt siêu đối xứng này và các hạt WIMP phải trình hiện trong những thí nghiệm này – tại LHC và trong các thí nghiệm dò tìm trực tiếp – và lạ thay khi chúng ta đi tới nơi thì chúng chẳng có mặt ở đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không có mặt ở góc khuất nào đó, hoặc có lẽ ở một vài góc khuất khác ở ngoài xa.
CABRERA: Biết rằng có sự tiến bộ đáng kể trong vài năm trở lại đây với nhiều thí nghiệm dò tìm trực tiếp, nhưng chúng tôi sẽ chẳng bất ngờ khi có trong tay cái gì đó trước sau trông na ná như một WIMP đích thực.
HOOPER: Tương tự, tôi nghĩ nếu anh làm một khảo sát trong các nhà vật lí hạt hồi 5 năm trước đây, tôi không nghĩ nhiều người trong số họ sẽ nói rằng vào năm 2014 chúng ta chỉ khám phá ra hạt Higgs – hạt sơ cấp truyền khối lượng cho các hạt sơ cấp – và chẳng khám phá ra hạt mới nào khác.
CABRERA: Bây giờ thì hạt Higgs đã được nhìn nhận hết sức thuyết phục, những câu hỏi lớn tiếp theo cho cộng đồng máy gia tốc là: “Vật chất tối là gì? Việc chúng ta không nhìn thấy vật chất tối tại LHC cho chúng ta biết điều gì? Điều đó để lại những vấn đề mở nào khác?” Những câu hỏi này đã từng được nêu ra rộng rãi, chứ không riêng gì trong những năm gần đây.
TKF: Hiểu theo một nghĩa nào đó, phải chăng tìm thấy boson Higgs thì có phần dễ hơn nhận dạng vật chất tối?
HOOPER: Chúng ta đã biết hạt Higgs trông như thế nào, và chúng ta biết chúng ta phải làm gì để quan sát nó. Mặc dù chúng ta không biết chính xác nó nặng bao nhiêu.
CABRERA: Chúng ta đã biết nó phải có mặt ở đó.
HOOPER: Nếu nó không có ở đó thì mới là lạ. Hiện nay, với vật chất tối, có hàng trăm và hàng trăm ứng cử viên WIMP khác nhau mà người ta từng viết ra, và tất thảy chúng đều hành xử khác nhau. Vì thế, hạt Higgs là một ý tưởng đơn nhất, dù ít dù nhiều, còn WIMP là cả một họ ý tưởng.
TKF: Một phát hiện được xác nhận của vật chất tối thật sự có ý nghĩa gì cho cái chúng ta biết về vũ trụ? Và từ đó chúng ta sẽ tiến về đâu?
CABRERA: Một khám phá của vật chất tối với các thí nghiệm dò tìm trực tiếp sẽ không phải là điểm kết của chặng hành trình, mà thay vậy đó là điểm bắt đầu của một tập hợp rất hào hứng những thí nghiệm sau đó. Chúng ta sẽ muốn xác định khối lượng và những tính chất khác của hạt vật chất tối với độ chính xác cao hơn, và chúng ta cũng muốn hiểu rõ hơn vật chất tối được phân bố như thế nào trong và xung quanh thiên hà của chúng ta. Các thí nghiệm sau đó với các detector sẽ sử dụng những chất liệu khác nhau, và chúng ta còn cố gắng lập đổ hướng các hạt WIMP đi tới qua các detector của chúng ta, cái sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của vật chất tối xung quanh Trái đất.
Nói chung, một khám phá như thế sẽ là to tát đối với thiên văn vật lí học và vũ trụ học, và đối với ngành vật lí hạt sơ cấp. Đối với thiên văn vật lí học, chúng ta sẽ nhận ra dạng vật chất át trội trong vũ trụ gieo mầm cấu trúc và dẫn tới các thiên hà, các hệ mặt trời và các hành tinh, và cuối cùng là Trái đất của chúng ta cùng với sự sống thông minh. Trên phương diện vật lí hạt, hạt mới này sẽ đòi hỏi nền vật lí vượt ngoài Mô hình Chuẩn ví dụ như siêu đối xứng, và sẽ cho phép chúng ta khảo sát vùng đất mới này với các máy gia tốc hạt như LHC.
TAIT: Tôi nghĩ có rất nhiều cách khác nhau anh có thể nhìn vào nó. Từ quan điểm của một nhà vật lí hạt, chúng ta lúc này sẽ có một hạt mới mà chúng ta phải đặt vào bảng hạt sơ cấp của chúng ta. Chúng ta biết rằng chúng ta đã thấy rất nhiều trong cấu trúc trong bảng này, nhưng chúng ta không thật sự hiểu rõ cấu trúc đó từ đâu mà có.
Từ quan điểm thực hành, và đây là cái rất mang tính suy đoán, vật chất tối là một dạng đóng băng của năng lượng, phải không? Khối lượng của nó là năng lượng, và nó hiện hữu xung quanh chúng ta. Về mặt cá nhân, nếu tôi hiểu vật chất tối tương tác như thế nào với vật chất bình thường, tôi sẽ cố gắng tìm cách chế tạo một lò phản ứng. Và tôi đảm bảo rằng một cái như vậy chẳng có tính thực tiễn hiện nay, nhưng một ngày nào đó chúng ta có thể làm được. Ngay lúc này, vật chất tối đang đi qua chúng ta, và chúng ta không biết làm sao chặn nó lại và giao tiếp với nó.
HOOPER: Nghe tuyệt đấy, Tim. Anh làm tôi mở mang đầu óc. Tôi đang hình dung một nền văn hóa thế kỉ 25 trong đó chúng ta khai thác vật chất tối để sản xuất một dạng năng lượng hoàn toàn mới.
TAIT: Nhân tiện nói luôn, Dan, tôi đang chơi với ý tưởng viết một bài báo như thế cho nên chúng ta nên tiếp tục trao đổi thêm.
HOOPER: Tôi muốn nghe thêm về nó. Nghe hay đấy. Vậy nên, tiếp theo một phần câu chuyện Tim vừa nói, hạt vật chất tối, một khi chúng ta nhận ra nó, phải lắp vừa vào một lí thuyết lớn hơn kết nối nó với Mô hình Chuẩn. Chúng ta thật ra chẳng có chút ý tưởng nào rằng nó trông ra sao. Chúng ta có rất nhiều phỏng đoán, nhưng chúng ta thật chẳng biết gì nên có rất nhiều cái phải làm. Có lẽ hướng này sẽ giúp chúng ta xây dựng một lí thuyết thống nhất lớn – một lí giải toán học đơn nhất cho vũ trụ - và giúp chúng ta, chẳng hạn, tìm hiểu những thứ như lực hấp dẫn, cái xét cho cùng chúng ta vẫn chưa hiểu hết trong khuôn khổ vật lí hạt. Có lẽ nó sẽ làm mở mắt chúng ta trước những khả năng hoàn toàn mới mà chúng ta chưa từng xét đến cho đến nay. Lịch sử khoa học có đầy những khám phá mở đường cho những lộ trình thám hiểm hoàn toàn mới mà chúng ta chưa lường trước được. Và tôi có mọi lí do để nghĩ rằng trường hợp này không hẳn không phải là như thế.
Theo Space.com