Boson Higgs – đứa con có nhiều cha

Hiệp Khách Quậy Mặc dù Peter Higgs, người có tên tuổi gắn liền với ‘hạt thần thánh’, đã đề xuất hạt Higgs vào năm 1964 lúc ở trường Đại học Edinburgh, Anh quốc, nhưng một số nhà nghiên cứu khác đã độc lập công bố những lí thuyết tương tự đồng... Xin mời đọc tiếp.

Mặc dù Peter Higgs, người có tên tuổi gắn liền với ‘hạt thần thánh’, đã đề xuất hạt Higgs vào năm 1964 lúc ở trường Đại học Edinburgh, Anh quốc, nhưng một số nhà nghiên cứu khác đã độc lập công bố những lí thuyết tương tự đồng thời với ông. Trước khi khám phá boson Higgs được công bố, tạp chí New Scientist đã có cuộc trao đổi với hai trong số các cha đẻ của hạt Higgs: François Englert, giáo sư tại trường Đại học Mở Brussels (ULB), Bỉ, và Tom Kibble, giáo sư tại trường Imperial College London.

Cùng với Peter Higgs, ông cũng được mời đến CERN hôm Thứ tư. Điều đó giống như là một manh mối quan trọng rằng có tin vui gì đó sắp diễn ra. Ông có mong chờ họ công bố không?

Tom Kibble: Tôi không biết, họ rất kín tiếng về nó. Đó phải là một công bố quan trọng, có lẽ liên quan đến sự tồn tại của hạt Higgs. Nhưng họ có thật sự tìm thấy nó hay không thì tôi không biết.

Ông cảm thấy thế nào?

François Englert: Tôi thấy mình bị vắt như trái chanh vậy – phóng viên và mọi người liên tục kéo đến bất ngờ tại nơi làm việc của tôi!

Tại sao việc tìm kiếm hạt Higgs lại quan trọng thế?

TK: Nó sẽ xác nhận rằng Mô hình Chuẩn là một mô tả tốt của ngành vật lí hạt cơ bản. Có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Nói gì đi nữa thì Mô hình Chuẩn chưa phải là kết thúc của câu chuyện.

FE: Nghiên cứu cơ bản là cần thiết để có sự tiến bộ, đó là cái bạn không thể làm chỉ bằng cách sao chép những người khác. Nếu bạn chỉ làm nghiên cứu ứng dụng, bạn sẽ nhanh chóng mất đi tính sáng tạo. Sự hiếu kì của trí tuệ con người là cái cơ bản nếu bạn muốn mọi người suy nghĩ chứ không chấp nhận mà không cân nhắc gì trước những kết quả mới.

 Tom Kibble (Ảnh: Mike Finn-Kelcey)

Tom Kibble (Ảnh: Mike Finn-Kelcey)

Nếu rốt cuộc chẳng tìm thấy gì thì sao?

FE: Không có boson hả? Ồ, tôi nghi ngờ điều đó. Đó sẽ là tin buồn. Hồi tháng 12 đã có những gợi ý, mặc dù có những sai số thống kê khác nhau. Tuy nhiên, khi bạn có những sai số khác ở đúng chỗ của nó… tôi sẵn sàng cược rằng nay thì họ đã có nó, nhưng tôi không nhất thiết đảm bảo nó là loại boson gì.

Có những đề xuất rằng nên đổi tên của hạt Higgs để phản ánh nhiều cha đẻ của nó. Các ông nghĩ sao?

TK: Tôi không tán thành bất kì sự đổi tên nào của hạt Higgs. Đã quá trễ rồi và những lựa chọn khác là quá phức tạp. Chính bài báo của Peter Higgs là bài báo đầu tiên nhắc tới boson này một cách đường đường chính chính nên tôi không nghĩ như thế có gì không hợp lí. Tôi thấy oải người khi nó được gọi là hạt thần thánh.

FE: Tôi thật sự không thích thêm tên tuổi cho các lí thuyết. Tôi thích gọi nó là boson vô hướng vì như vậy phản ánh một thành phần thiết yếu của lí thuyết trên – nó có nghĩa là trường mà boson này truyền qua không có hướng ưu tiên, không giống như với từ trường chẳng hạn.

Các ông có quan hệ gì với nhân vật kia [Peter Higgs] của lí thuyết trên?

TK: Thân thiết. Các cộng sự của tôi, tất nhiên, là những người bạn rất tốt. Tôi biết Peter Higgs lâu rồi, trước tất cả những điều này. Chúng tôi chưa từng cộng tác, nhưng chúng tôi luôn nói chuyện thân mật khi chúng tôi gặp nhau. Bạn thường biết có những người khác nhau về cơ bản làm công việc giống nhau. Tất nhiên, có xu hướng để mỗi người tin rằng cách họ làm là tốt nhất bởi vì đó là cái bạn biết, nhưng tất cả những nhóm này đều có công đóng góp.

FE: Tôi đang mong ngóng gặp Higgs [tại CERN]. Chúng tôi chưa từng gặp nhau. Lẽ ra chúng tôi có gặp tại một hội nghị hồi mấy năm trước nhưng có số trục trặc đã xảy ra. Núi lửa Iceland phun khiến hội nghị đó bị hủy – núi lửa không muốn chúng tôi gặp mặt nhau mà!

Theo điều kiện của giải Nobel, chỉ có ba người giành được giải thôi: vậy sẽ là những ai nhỉ?

TK: Ai biết được! Tôi mừng là mình không phải đưa ra quyết định đó.

Trần Nghiêm – Thuvienvatly.com
Nguồn: New Scientist

Mời đọc thêm