Hiệp Khách Quậy Trước tình hình khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, nước Đức đã tạm thời cho ngừng hoạt động 7 trong số các lò phản ứng của nước này và Trung Quốc, nước đang xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại Xin mời đọc tiếp.
Trước tình hình khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, nước Đức đã tạm thời cho ngừng hoạt động 7 trong số các lò phản ứng của nước này và Trung Quốc, nước đang xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại, đã dừng phê chuẩn mọi cơ sở hạt nhân mới. Nhưng phản ứng này có lẽ mang động cơ chính trị nhiều hơn là nỗi e ngại thiệt hại chết chóc ghê gớm. Nó ít nhiều an ủi cho những người đang sinh sống quanh vùng Fukushima, nhưng công bằng mà nói, điện hạt nhân giết hại ít người hơn nhiều so với các nguồn năng lượng khác – theo nhận xét của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE).
Joseph Romm, một chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Phát triển Hoa Kì ở thủ đô Washington, phát biểu, “Không nghi ngờ gì cả. Không gì giết người tồi tệ hơn là nhiên liệu hóa thạch”.
Nhà máy điện hạt nhân không nguy hiểm bằng nhà máy điện đốt than
Một bản đánh giá hồi năm 2002 của IAE đã kết hợp những nghiên cứu hiện có để so sánh các rủi ro trên đơn vị năng lượng sản sinh ra đối với vài nguồn năng lượng hàng đầu. Cơ quan trên đã tính chu kì sống của mỗi loại nhiên liệu từ dạng mới trích xuất cho đến dạng sử dụng lại và tính luôn số thương vong do tai nạn cũng như do sự nhiễm xạ lâu ngày. Năng lượng hạt nhân được xếp hạng nhất, và than đá là nguồn năng lượng chết chóc nhất.
Lời giải thích nằm ở số lượng lớn những cái chết do sự ô nhiễm gây ra. “Đó là toàn bộ chu trình sống dẫn tới con đường tổn thương, bệnh tật và chết chóc”, phát biểu của Paul Epstein, phó giám đốc Trung tâm Y tế và Môi trường Toàn cầu tại Khoa Y Harvard. Những hạt bụi mịn thoát ra từ những nhà máy điện đốt than giết chết ước tính chừng 13.200 người mỗi năm chỉ tính riêng nước Mĩ – theo báo cáo của Đội đặc nhiệm Làm sạch Không khí có trụ sở ở Boston. Những rủi ro khác phát sinh từ sự khai thác và vận chuyển than đá, và những dạng ô nhiễm khác đi cùng với than đá. Trái lại, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Liên hiệp quốc ước tính rằng sự thiệt hại chết chóc do ung thư sau thảm họa 1986 tại Chernobyl nằm ở con số khoảng 9000.
Thật vậy, những con số trên cho thấy rằng điện hạt nhân không phải là nguyên nhân gây chết chóc hàng đầu. Hơn phân nửa số tử vong là do khai thác uranium, theo IEA. Nhưng ngay cả khi tính gộp cả con số này, thì số tử vong tổng cộng vẫn thấp hơn đáng kể so với những nguồn nhiên liệu khác.
Vậy tại sao người ta lại dè chừng với điện hạt nhân? “Từ than đá, chúng ta có cái chết phát triển dần dần theo năm tháng một cách vô hình, thí dụ như bệnh tim, trong khi một sự cố điện hạt nhân quy mô lớn là một sự kiện tàn khốc tức thì nên chúng ta lo ngại là hợp lí”, phát biểu của James Hammitt ở Trung tâm Phân tích Rủi ro Harvard ở Boston.
Nhưng một lần nữa, sự nhận thức của công chúng là sai lầm, Hồi năm 1975, khi 30 cái đập ở miền trung Trung Quốc liên tiếp bị vỡ, gây ngập lụt nghiêm trọng, ước tính 230.000 người đã thiệt mạng. Chỉ tính riêng số thiệt hại từ sự kiện này, thì con số tử vong do thủy điện gây ra đã vượt xa số cái chết do mọi nguồn năng lượng khác.
Nguồn: New Scientist