Hiệp Khách Quậy Camera phân giải cao trên Tàu Quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA (LRO) vừa chụp được những hình ảnh đầu tiên thể hiện rõ những chiếc cầu tự nhiên trên mặt trăng. Xin mời đọc tiếp.
Camera phân giải cao trên Tàu Quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA (LRO) vừa chụp được những hình ảnh đầu tiên thể hiện rõ những chiếc cầu tự nhiên trên mặt trăng.
Các sinh viên xem xét kĩ lưỡng ảnh chụp của camera trên đã tìm thấy hai chiếc cầu tự nhiên ở phía bên kia của mặt trăng. Chiếc cầu lớn dài 20 mét và rộng 7 mét, còn chiếc cầu nhỏ hơn gần đó thì có kích thước chừng một nửa chiếc cầu lớn.
Một chiếc cầu tự nhiên trên mặt trăng. (Ảnh: NASA/GSFC/Đại học Bang Arizona)
Không giống như những chiếc cầu tự nhiên trên Trái đất, chúng hình thành chủ yếu bởi sự phong hóa từ gió và nước, những chiếc cầu mặt trăng này có lẽ hình thành từ kết quả của một vụ va chạm trong những tỉ năm qua, theo lời Mark Robinson, một nhà địa chất học hành tinh tại trường Đại học Bang Arizona ở Tempe và là nghiên cứu chính cho camera LRO.
Vụ va chạm đã làm tan chảy bề mặt tại nơi nó rơi trúng và khoét thành một lòng chão rộng 77 km gọi là miệng hố King. Một phần đá tan chảy bắn tóe lên trên vành miệng hố, tạo ra một hồ chất lỏng bốc lửa rộng 17 km ngay phía ngoài vành phía tây bắc của miệng hố.
Giống như lớp da hình thành trên lớp bánh nướng pudding, bề mặt của “hồ chất lỏng tan chảy” này tạo ra một lớp vỏ khi nó nguội đi, còn phần lõi bên trong vẫn ở trạng thái nóng chảy trong thời gian dài hơn. Khi mặt đất dịch chuyển sau cú va chạm, phần lõi tan chảy có khả năng chảy xuống triền dốc, để lại phía sau lớp vỏ không được chống đỡ co lại ở hai nơi, tạo thành một chiếc cầu tự nhiên.
Vòm cung đá có lẽ đủ mạnh để chịu được sức nặng của một nhà du hành, Robinson cho biết, nhưng vì nước Mĩ không còn có mục tiêu đưa người trở lại mặt trăng, nên có lẽ phải chờ đợi lâu nữa chúng ta mới biết có chắc như vậy hay không. “Nếu bạn có thể sắp xếp một chuyến đi như thế cho tôi, tôi sẽ liều lĩnh thử kiểm tra sức chống đỡ của nó ngay”, Robinson nói. “Tôi muốn đi lại và chạy nhảy trên đó”.
Nguồn: New Scientist