Hiệp Khách Quậy Các nhà vật lí sẽ cảm thấy sốc, nhưng có rất nhiều người trên khắp thế giới vẫn đinh ninh rằng Trái đất là phẳng. Bài của Rachel Brazil trên Physics World số tháng 7/2020 giải thích vì sao những quan điểm như thế ngày càng được nhiều người tin và cộng đồng vật lí nên phản ứng như thế nào cho tốt. Xin mời đọc tiếp.
Các nhà vật lí sẽ cảm thấy sốc, nhưng có rất nhiều người trên khắp thế giới vẫn đinh ninh rằng Trái đất là phẳng. Bài của Rachel Brazil trên Physics World số tháng 7/2020 giải thích vì sao những quan điểm như thế ngày càng được nhiều người tin và cộng đồng vật lí nên phản ứng như thế nào cho tốt.
Trái đất phẳng. Ảnh: Claus Lunau
Vào năm 2017, rapper người Mĩ B.o.B (tên thật là Bobby Ray Simmons Jr) đã khởi xướng một chiến dịch xin tài trợ của công chúng để phóng một vệ tinh. Chàng rapper này, một người luôn chủ trương “thuyết Trái đất phẳng”, muốn tìm bằng chứng rằng hành tinh chúng ta là một cái đĩa, chứ không phải quả cầu. Mục tiêu của anh ta là kiếm 200.000 đô (sau đó nâng lên 1 triệu đô) trên website GoFundMe, với mục tiêu gửi một hoặc nhiều phi thuyền lên không gian để giúp anh “tìm thấy đường biên” – thuật ngữ được “các tín đồ Trái đất phẳng” dùng để mô tả đường rìa của hành tinh hình đĩa giả định của chúng ta.
Yêu cầu của chàng rapper có lẽ trông như một trò hề hoặc phô diễn lấy tiếng. Thật ra, hiện nay chẳng có bằng chứng nào cho thấy B.o.B kiếm được nhiều tiền hay tiến gần thêm chút nào đến mục tiêu của anh ta. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, có một gia tăng đáng báo động về số lượng người, giống như B.o.B, tin vào các thuyết Trái đất phẳng. Hiện nay, có một hội nghị Trái đất phẳng thường niên ở Mĩ – hội nghị mới đây nhất có hơn 600 người tham dự – còn trên YouTube thì có đầy những video có nội dung cung cấp bằng chứng rằng Trái đất phẳng.
Các nhà vật lí có thể cười nhạo trước quan điểm về Trái đất phẳng, nhưng ý tưởng ấy đang thu hút sự ủng hộ, đặc biệt trong số những người nhạy cảm với các thuyết âm mưu khác. “Họ thật sự tin vào nó,” theo lời Lee McIntyre, một nhà triết học ở Đại học Boston và là một chuyên gia về hiện tượng khước từ khoa học, tác giả quyển sách Tôn trọng Sự thật: Sự thờ ơ Cố ý trong Thời đại Internet (Routledge, 2015). McIntyre biết tường tận các tín đồ Trái đất phẳng chân thành giữ quan điểm của họ như thế nào: ông từng tham dự Hội nghị Quốc tế Trái đất Phẳng 2018 ở Denver, Colorado.
Asheley Landrum, một nhà tâm lí học tại Đại học Công nghệ Texas, cũng từng tham dự hội nghị Denver, tán thành rằng các tín đồ Trái đất phẳng là chính hãng, chứ không phải giả mạo. “Nếu họ mà [giả mạo], hẳn họ là những diễn viên rất xuất sắc,” bà nói. “Chúng tôi đã nói chuyện với hơn 90 thành viên của cộng đồng Trái đất phẳng và họ đều rất chân thành với niềm tin của mình.” Các bài giảng tại sự kiện Denver bao gồm “Nói chuyện với gia đình và bạn bè của bạn về Trái đất phẳng”, “NASA và các cơ quan không gian khác lừa dối” và “14+ cách Kinh Thánh nói Trái đất phẳng”.
Các ý tưởng Trái đất phẳng dựa trên những hiểu lầm khoa học căn bản có thể dễ dàng bị bác bỏ. Đối với đa số mọi người, kể cả những người không có nền tảng vật lí, bằng chứng cho Trái đất hình cầu là hiển nhiên. Vì thế chúng ta cần phải tự hỏi tại sao những ý tưởng như vậy vẫn tồn tại dai dẳng trong thế kỉ 21 và, có lẽ quan trọng hơn đối với cộng đồng vật lí học: chúng ta nên ứng phó như thế nào đây?
Một lịch sử xoay vòng
Quan niệm rằng Trái đất là một quả cầu đã được nêu ra bởi các triết gia Hi Lạp cổ đại như Aristotle (384-322 tCN), họ đã thu được bằng chứng kinh nghiệm sau khi đi đến Ai Cập và nhìn thấy những chòm sao mới. Eratosthenes, vào thế kỉ thứ ba tCN, trở thành người đầu tiên tính được chu vi của Trái đất. Các học giả Hồi giáo còn thực hiện những phép đo tiến bộ hơn từ khoảng thế kỉ thứ 9 về sau, trong khi các nhà hàng hải châu Âu đi vòng quanh Trái đất trong thế kỉ 16. Những ảnh chụp từ không gian là bằng chứng cuối cùng, nếu cần.
Tuy nhiên, các tín đồ Trái đất phẳng ngày nay không phải là những người đầu tiên ngờ vực những điều trông như không thể nghi ngờ. Quan niệm về một Trái đất phẳng vốn xuất hiện trở lại vào thế kỉ 19 như là một phản xung trước sự tiến bộ khoa học, đặc biệt trong số những người muốn trở lại với nghĩa đen của Kinh Thánh. Có lẽ người chủ trương nổi tiếng nhất là nhà văn Anh Samuel Rowbotham (1816-1884). Ông đề xuất rằng Trái đất là một cái đĩa phẳng bất động, có tâm tại Bắc Cực, với Nam Cực được thay thế bằng một bức tường băng tại ranh giới bên ngoài của đĩa.
Hội Nghiên cứu Trái đất Phẳng Quốc tế, được thành lập vào năm 1956 bởi Samuel Shenton, một thợ vẽ quảng cáo sống ở Dover, Anh, được nhiều người xem đơn thuần là một biểu tượng của sự lập dị kiểu Anh – vui vẻ và chẳng gây hại đến ai. Thế nhưng vào đầu những năm 2000, cùng với Internet làm phương tiện lan tỏa, ý tưởng bắt đầu bùng lên trở lại, chủ yếu là ở Mĩ. Các thảo luận nhen nhóm lên các diễn đàn trên mạng, Hội Trái đất Phẳng được thành lập lại vào tháng Mười 2009 và hội nghị Trái đất phẳng thường niên ra đời một cách nghiêm túc.
Một biểu hiện của Trái đất hình cầu là các hệ thời tiết áp thấp quay ngược chiều kim đồng hồ ở bán cầu bắc do hiệu ứng Coriolis. (Ảnh: Jacques Descloitres, Đội Phản ứng Nhanh MODIS, NASA/GSFC)
Như với mọi phong trào bên lề, có những bất đồng và tồn tại một vài mô hình Trái đất phẳng khác nhau để lựa chọn. Một số mô hình đề xuất rằng rìa của Trái đất được bao quanh bởi một bức tường băng giữ lấy các đại dương. Những mô hình khác đề xuất hành tinh phẳng của chúng ta và khí quyển của nó được bao bọc trong một bán cầu băng tuyết từ đó không thứ gì có thể rơi khỏi biên giới. Để giải thích ngày và đêm, đa số tín đồ Trái đất phẳng nghĩ rằng Mặt trời chuyển động tròn xung quanh Bắc Cực, với ánh sáng của nó tác dụng như đèn rọi trên sân khấu. Chẳng hạn, “mô hình Mĩ” mới nhất đề xuất rằng Mặt trời và Mặt trăng có đường kính 50 km và quay tròn xung quanh Trái đất hình đĩa ở độ cao 5500 km, với các sao nằm phía trên, trên một mái vòm đang quay tròn. Nhiều tín đồ Trái đất phẳng cũng bác bỏ trọng lực, với “mô hình Anh” đề xuất rằng chính cái đĩa đang gia tốc lên 9,8 m/s2 nên gây ra ảo giác về trọng lực.
Các nhà vật lí sẽ giễu cợt những ý tưởng này, nhưng điều đáng lo là chúng đang lan tỏa nhanh chóng và thu hút người ủng hộ cả ở bên ngoài nước Mĩ. “Mặc dù họ có thể không nhiều [ở châu Âu], nhưng họ cũng ồn ào như các đồng nghiệp của họ ở Mĩ,” phát biểu của Jan Slegr, một nhà vật lí thuộc Đại học Hradec Králové ở Cộng hòa Czech. Hồi năm 2018, Jan là đồng tác giả của một bài báo phác họa những cách giúp giáo viên và những người khác dùng vật lí học đương đầu với những ý tưởng Trái đất phẳng quái dị (Phys. Educ. 53 045014).
Những nỗ lực như thế thật quan trọng. Số liệu trưng cầu đáng báo động bởi công ty Datafolha, chẳng hạn, cho biết 7% dân số Brazil – chừng 11 triệu người – tin rằng Trái đất là phẳng. Con số gây sốc này được quy cho một phe Thiên Chúa truyền đạo hồi sinh, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa căn bản tôn giáo cũng đang truyền bá những ý tưởng này ở các nước Hồi giáo. Vào năm 2017, trang web Jeune-Afrique tường thuật rằng một sinh viên địa lí ở Tunisia dự tính đệ trình một luận án tiến sĩ bảo vệ công trình của cô về một mô hình Trái đất phẳng.
Tinh thần âm mưu
Người ta dễ dàng quy kết những người tin vào Trái đất phẳng là sai lạc do thiếu giáo dục. Mặc dù có những chỉ dấu cho thấy những người nhạy cảm với những quan điểm như vậy có trình độ hiểu biết khoa học thấp, song Landrum tại Texas cho biết không nhất thiết các tín đồ Trái đất phẳng là người không tin vào khoa học. “Đó không hẳn là chuyện giáo dục,” bà nói. “Thật ra đó là chuyện không tin vào cơ quan quyền lực và thể chế. Hình như nó dựa trên cả tinh thần âm mưu lẫn một niềm tin sâu sắc trông hệt như lòng mộ đạo nhưng không nhất thiết bó buộc với một tôn giáo nào.”
Landrum nghĩ tinh thần âm mưu này có liên hệ với sự phủ nhận khoa học và tính dễ tin vào những tuyên bố bịp bợm trên các phương tiện truyền thông xã hội (Politics and the Life Sciences 38 193). Không còn là lĩnh vực “chầu rìa” nữa, bà tin những người có tinh thần âm mưu đã đánh mất khả năng phán xét khi nào nên tin tưởng và khi nào nên hoài nghi. Sự thiếu tin tưởng của họ vào thể chế không phải chỉ bao gồm các nhà khoa học và mà cả các tổ chức khoa học như NASA, toàn bộ bọn nó (họ nghĩ) thuộc về một âm mưu to lớn muốn ngăn cản sự thật Trái đất phẳng bị phơi bày. “[Họ] nhìn nhận thế giới qua bộ lọc thật sự tối tăm này, theo đó [họ] giả sử mọi chính quyền và tổ chức và tập đoàn đều chỉ đang cố rút rỉa bạn mà thôi.”
McIntyre cho biết thêm rằng các tín đồ Trái đất phẳng mà ông từng tiếp xúc đều tin vào một lựa chọn trong các thuyết âm mưu, bao gồm cả việc chính quyền kiểm soát thời tiết và các vệt hóa chất sau đuôi máy bay là gồm các tác nhân hóa học hoặc sinh học. “Thứ duy nhất tôi thấy toàn bộ họ thảy đều tin,” ông nói, “đó là chúng ta chưa từng đi lên Mặt trăng. Nếu bạn cung cấp cho họ bằng chứng, ví dụ như ảnh chụp Trái đất từ Mặt trăng, thì họ nói đó là ảnh giả.” Thật vậy, nhiều tín đồ Trái đất phẳng còn đầu tư nhiều vào thuyết âm mưu hơn là cung cấp một mô hình vận hành được của Trái đất phẳng.
Nikk Effingham, một nhà triết học tại Đại học Birmingham ở Anh, người từng tiếp xúc với các tín đồ Trái đất phẳng tại một cuộc họp mặt ở London, cho biết chúng ta thường không nhận ra mức độ mà sự tin cậy vào thể chế định hình niềm tin của chúng ta. “Khi chúng ta cố gắng và chứng minh thứ gì đó như là Trái đất tròn, bởi đó là một niềm tin mà chúng ta chắc chắn, chúng ta đã đóng vai trò chính đáng của thể chế trong đó,” ông nói. Do đó, đa số mọi người hài lòng chấp nhận thế giới là một quả cầu, dù rằng họ không thể nêu ngay được bằng chứng khoa học.
Thế nhưng điều đó không ứng với những người sa lầy trong tinh thần âm mưu. Điều cũng rò ràng là sự gia tăng số tín đồ Trái đất phẳng đã được tiếp sức bởi Internet, đặc biệt là các video YouTube. “Hầu như mỗi người mà chúng tôi từng nói chuyện đều cho biết hoặc là họ trực tiếp được chỉ điểm Trái đất phẳng trên YouTube, hoặc là họ được chỉ điểm thông qua một thành viên gia đình từng được chỉ điểm trên YouTube,” Landrum nói. Các video Trái đất phẳng thường đưa ra vô số luận cứ theo trình tự nhanh theo kiểu mà Landrum gọi là “ảo giác về sự lưu loát”.
Chìa khóa cho sự thành công của những video như thế còn nằm ở các thuật toán đưa họ đến với người xem của những nội dung có liên quan thuyết âm mưu khác. “Các thuật toán ấy giúp dễ dàng chuẩn hóa các thuyết âm mưu và gây cảm giác nhất trí trong cộng đồng của bạn,” Landrum giải thích. “Trái đất phẳng chỉ là một ví dụ nữa mà thôi.” Vào năm 2019, YouTube đã phát hiện vấn đề và cho biếthọ sẽ chỉnh sửa thuật toán của hãng để giảm các đề xuất xem các video thuyết âm mưu. Nhưng thực tế thì các video ấy vẫn ngự trị trên nền tảng của hãng.
Chứng minh Trái đất không phẳng
Chính nghiên cứu của McIntyre về sự phủ nhận khoa học đã đưa ông đến với hội nghị Trái đất phẳng 2018 ở Denver, nơi các đại biểu dành thời gian thảo luận “bằng chứng” và các chi tiết tường tận khác trong lí thuyết của họ cũng như âm mưu giả định mà các tín đồ Trái đất phẳng tin là đang ngáng trở quan niệm của họ trước công chúng đông đảo hơn. “Tôi nghĩ giá như tôi có thể hiểu được cách đẩy lùi phe Trái đất phẳng, thì tôi có thể sử dụng chính các kĩ thuật ấy để đẩy lùi những người phủ nhận sự biến đổi khí hậu và những kẻ không chịu nộp thuế,” ông nói. “Một số tín đồ Trái đất phẳng biết đủ vật lí để tung ném từ vựng, nhưng họ không thật sự hiểu đủ vật lí để thấy được sự thật.”
Mặt phẳng dao động tự do của con lắc Foucault xê dịch theo thời gian, chứng tỏ rằng Trái đất tròn. Ảnh: iStock/Meinzahn
Thế nhưng cho dù không có sự xác nhận thị giác bằng ảnh chụp từ không gian, nhiều luận cứ mà các tín đồ Trái đất phẳng nêu ra có thể dễ dàng bị bác bỏ bằng lượng giác hoặc các định luật vật lí cơ bản. Một nơi tốt để bắt đầu là với con lắc Foucault, dụng cụ mang tên nhà vật lí Pháp Léon Foucault, người hồi năm 1851 nổi tiếng đã treo một quả chùy đồng nặng 28 kg dưới một sợi dây xích dài 67 mét trong đền Panthéon ở Paris. Một con lắc như thế, có thể đong đưa trong bất kì mặt phẳng nào, đổi phương hướng dao động theo tiến trình trong ngày, mang lại bằng chứng trực tiếp cho chuyển động quay tròn của Trái đất. (Tuy vậy, như Slegr cho biết, điều đó không ngăn một số tín đồ Trái đất phẳng tuyên bố rằng mọi con lắc Foucault là trò bịp và rằng các bảo tàng sử dụng các lá từ tính để làm quay mặt phẳng dao động của con lắc khiến cho Trái đất trông như có vẻ quay tròn.)
Một hiện tượng nữa chứng tỏ Trái đất là một quả cầu đang quay tròn là lực Coriolis, lực tác dụng vuông góc với hướng chuyển động của một vật đang quay tròn. Lực này khiến lốc xoáy xoáy theo chiều kim đồng hồ ở bán cầu nam và ngược chiều kim đồng hồ ở bán cầu bắc; thông qua hướng gió, nó còn tác động đến các dòng hải lưu. Lính bắn tỉa tầm xa thậm chí phải trừ hao các sai lệch do hiệu ứng Coriolis gây ra. Thật vậy, như Slegr trình bày, việc yêu cầu sinh viên vật lí giải thích bằng chứng cho một Trái đất hình cầu đang quay tròn là một bài tập tư duy phản biện tốt.
Thế nhưng tư duy phản biện sâu sắc như thế thường là cái thiếu sót ở các tín đồ Trái đất phẳng. Xét ảnh chụp của những đường chân trời ở xa, chúng thường được rêu rao là “bằng chứng” cho thấy Trái đất phẳng. Trong những tương tác của ông với các nhà lí thuyết Trái đất phẳng, McIntyre thường được chỉ ra một ảnh chụp của Chicago, chụp từ Hồ Michigan, trong đó những tòa nhà chọc trời của thành phố được nhìn thấy rõ ràng bất chấp được nhìn từ khoảng cách xa tận 100 km. “Cho biết độ cong của Trái đất, [trên nguyên tắc] bạn không thể nào nhìn thấy đường chân trời của thành phố từ khoảng cách xa như thế,” ông nói.
Lí do các nhà tòa nhà nhìn thấy được, như McIntyre biết, nằm ở thực tế là không khí ngay phía trên mặt nước là lạnh hơn không khí ở cao hơn phía trên. Gradient nhiệt độ nghịch như vậy khiến các tia sáng khúc xạ về phía không khí lạnh hơn, đặc hơn, cho phép ảnh của đường chân trời bị phản xạ, hình thành trên nước bên dưới đường chân trời, xuất hiện gần như lơ lửng phía trên đường chân trời (hình 1). Quan điểm này có thể dễ dàng được chứng thực bằng cách chụp một bức ảnh từ khoảng cách xa hơn nữa, trong đó “ảo tượng bên trên” sẽ biến mất.
Vì sao những tòa nhà chọc trời ở xa vẫn nhìn thấy được bất chấp độ cong của Trái đất?
Ảnh: Sam Cornwell, 2008
Bức ảnh này chụp từ Đỉnh Baldy trong Vườn quốc gia Indiana Dunes trên bờ đông nam của Hồ Michigan, cách thành phố Chicago nằm ở bờ hồ bên kia chừng 60 km. Ở khoảng cách như thế, các tòa nhà của Chicago sẽ không nhìn thấy được do độ cong của Trái đất khiến nó nằm dưới đường chân trời. Thực tế các tòa nhà nhìn thấy được chỉ là một ảo tượng. Ảo tượng thường được tạo ra khi một lớp không khí lạnh, đặc nằm phía trên một lớp không khí ấm hơn, kém đặc hơn, chẳng hạn khi Mặt trời thiêu đốt một con đường nhựa đen vào một ngày hè bỏng rát. Mặt đất ấm áp làm nóng vài centi mét không khí dưới cùng, làm khúc xạ ánh sáng mặt trời trở lên mắt bạn, tạo ra “ảo tượng bên dưới”. Còn nếu một lớp không khí ấm nằm phía trên đường nhìn của bạn, với một lớp nguội bên dưới, thì bạn có được “ảo tượng bên trên”. Ánh sáng bẻ cong xuống về phía không khí đặc hơn, nhưng do mắt chúng ta giả định ánh sáng đi theo đường thẳng, nên vật xuất hiện ở nơi cao hơn vị trí thật của nó. Hiệu ứng cũng giải thích vì sao một con tàu ngoài khơi xa có thể được nhìn thấy mặc dù nó khuất dưới đường chân trời. Hiệu ứng còn có thể làm cho những con tàu ngoài khơi xa trông như trôi nổi trong không khí.
Ảnh: Ludovica Lorenzelli, DensityDesign Research Lab
Thế nhưng, như McIntyre nhận thấy, kiểu lập luận này không có khả năng thuyết phục các tín đồ Trái đất phẳng. “Hình như họ có một tiêu chuẩn bằng chứng rất thấp cho cái họ muốn tin nhưng lại có một tiêu chuẩn bằng chứng cao không tưởng cho cái họ không muốn tin.” Một trong những dụng cụ thực nghiệm then chốt của họ là một là camera Nikon P900 với độ phóng đại quang học x83, trong đó các tín đồ Trái đất phẳng đặt một niềm tin gần như thần thánh. Có khả năng chụp những chi tiết mắt trần không nhìn thấy, họ hi vọng sử dụng nó để chứng minh rằng các vật không biến mất sau đường chân trời mà xuất hiện trở lại tầm nhìn khi được ngắm ở độ phân giải đủ cao.
McIntyre mô tả những thất bại của ông với các tín đồ Trái đất phẳng trong một bài báo hồi năm ngoái trên tờ American Journal of Physics (87 694), trong đó ông thách các nhà vật lí đi tới những câu trả lời đơn giản, rành mạch để bác bỏ “bằng chứng” cho Trái đất phẳng mà một người dân thường nói chung có thể hiểu được. Người cắn câu là nhà vật lí về hưu Bruce Sherwood, ông nhận ra rằng “cứ trích dẫn các thực tế khoa học thì chẳng thuyết phục được ai cả.” Thay vào đó, biết rằng các tín đồ Trái đất phẳng quá chú trọng vào các quan sát bằng mắt, nên ông và người đồng nghiệp Derek Roff quyết định tạo một mô phỏng 3D định vị được trên máy tính của một Trái đất phẳng để xem nó có thể tái hiện những gì chúng ta thấy tốt đến mức nào.
Dựa trên phiên bản Mĩ của mô hình Trái đất phẳng, nó cho phép bất kì ai lang thang ảo trong một thế giới phẳng. “Đi lòng vòng trong đó, có nhiều thứ cho thấy có những khác biệt hết sức lớn,” Sherwood nói. Một trong những trở ngại chính là kích cỡ và độ sáng của Mặt trời. Trong mô hình Trái đất phẳng kích cỡ và độ sáng của Mặt trời biến thiên hơn hai lần từ lúc bình minh đến giữa ngọ, đây là điều rõ ràng chúng ta không thấy. Bầu trời đêm cũng khác. Ở bán cầu bắc, chúng ta thấy các chòm sao mọc lên ở phương đông và băng qua nền trời còn trong mô hình Trái đất phẳng chúng chỉ quay tròn ở một độ cao không đổi. “Cái [Sherwood] tạo ra là thứ khó hơn nhiều cho [các tín đồ Trái đất phẳng] cười nhạo, vì nó xét các quan điểm của họ một cách nghiêm túc, [và] truy ra các hệ quả,” McIntyre nói. “Tôi nghĩ trên cơ sở này, các nhà vật lí khác có thể bước ra và giúp chống trả tiếp.”
Những liên lạc nguy hiểm
Từ góc nhìn của McIntyre, các âm mưu Trái đất phẳng là một mối họa và cần đối mặt. “Có lẽ 10 hoặc 20 năm trước, tôi sẽ nói, và cười vào mặt họ, liệu rằng họ sẽ lôi kéo được bao nhiêu người chứ? [Bây giờ] Tôi không còn cảm thấy như thế nữa.” Nếu những ý tưởng này không bị thách thức, thì ông e rằng như với những người ủng hộ “thiết kế thông minh”, các tín đồ Trái đất phẳng sẽ bắt đầu chạy đua vào các hội đồng trường học Mĩ, tìm cách thúc đẩy các ý tưởng của họ vào hệ thống giáo dục Mĩ. “Kiểu lập luận mà họ sử dụng có tính lây nhiễm và nếu bạn không đánh trả họ, tình trạng sẽ thêm tồi tệ và họ sẽ có thể tuyển mộ những thành viên mới,” ông cảnh báo.
Còn Effingham, người cũng từng tiếp xúc với các tín đồ Trái đất phẳng trên Facebook, thắc mắc không biết vật lí học có đúng là chỗ xuất phát để đấu tranh chống lại những ý tưởng có nguồn gốc âm mưu này không. “Tôi không nói công thức hoàn chỉnh không có một kiểu luận cứ vật lí nào trong đó, nhưng việc chỉ bật một video YouTube về các bài giảng vật lí thì không làm được gì.” Thay vậy, Effingham cố làm cho các tín đồ Trái đất phẳng hiểu rằng, bằng cách xem các video YouTube, họ cũng mù quáng theo dõi một thể chế – không phải một thể chế khoa học, mà là thể chế của người đang đề xướng các thuyết âm mưu mà họ đăng kí theo dõi.
Effingham cũng cố gắng chỉ ra những mâu thuẫn của họ. “Mỗi kênh mà họ xem đều đòi hỏi một quan điểm âm mưu khác nhau, và đòi hỏi âm mưu đó lớn hơn hoặc nhỏ hơn, và không thể nào có được một âm mưu nhất quán hòng giải thích hết mọi thứ.” McIntyre, chẳng hạn, nhớ lại có lần ông hỏi một tín đồ Trái đất phẳng vì sao máy bay bay trên Nam Cực, nói ví dụ, từ Chile đến New Zealand, không phải nạp thêm nhiên liệu mà lẽ ra nó phải nạp nếu lục địa Nam Cực (như họ tin tưởng) là một bức tường băng dài hàng chục nghìn kilo mét. Anh ta chỉ đáp đơn giản rằng máy bay có thể bay với một bồn nhiên liệu và máy bay tiếp nhiên liệu có thể chỉ là một trò đại bịp hòng cản trở chúng ta nhận ra rằng Trái đất là phẳng.
Sự gia tăng số tín đồ Trái đất phẳng một phần là do sự xói mòn niềm tin vào khoa học, điều đó sẽ đòi hỏi hành động của các nhà khoa học nhằm xây dựng lại. Ảnh: iStock/prawny
Landrum tán thành rằng vấn đề căn bản là một kiểu niềm tin chứ không phải vật lí học. “Chúng ta thật sự nên tìm cách với tư cách một cộng đồng khoa học, và với tư cách một xã hội nói chung, làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu xây dựng niềm tin trở lại với các tổ chức và thể chế của chúng ta.” Và bà cảm thấy chúng ta phải mặt-đối-mặt làm việc này. “Tôi không có ý nói quát tháo họ trên Twitter – điều đó không hay chút nào.” Điều cũng thiết yếu, theo bà, đối với các nhà khoa học không phải là chiếu cố các tín đồ Trái đất phẳng mà là xem xét các câu hỏi một cách nghiêm túc. Điều đó nghe như một quá trình hết sức đau đớn, nhưng là một quá trình cần thiết, để mọi người có lại niềm tin vào khoa học với tư cách một thể chế.
Một mức độ gắn kết cá nhân bền vững có thể làm thay đổi tâm trí. “Nó làm công việc đẩy lùi những kẻ phủ nhận khoa học,” biện hộ của McIntyre, ám chỉ ông chủ NASA hiện nay, Jim Bridenstine. Ông được Donald Trump bổ nhiệm vào năm 2018 và nổi tiếng là bác bỏ sự biến đổi khí hậu. “[Thế nhưng] một khi [ông] trở thành nhà lãnh đạo NASA, trong vòng chừng hai tháng thôi, ông đã thay đổi suy nghĩ của mình về biến đổi khí hậu, và công khai nói rằng, ‘Tôi đã sai’,” McIntyre cho biết. Bằng chứng do các nhà khoa học trình bày trước ông đã khiến ông tăng thêm tin tưởng.
Lạ thay, Landrum cho biết nhiều tín đồ Trái đất phẳng có thể không tin các nhà khoa học, nhưng họ không chống lại phương pháp khoa học. “Phần lớn họ đặt rất nhiều đức tin, vì thiếu một từ tốt hơn, vào khoa học. Có rất nhiều sự hiếu kì và rất nhiều sự hoài nghi và rất nhiều phẩm chất thật sự tốt đẹp để làm nên nhà khoa học.” Song, mặc dù tinh thần thực nghiệm có lẽ luôn ngự trị, nhưng không phải lúc nào các tín đồ Trái đất phẳng cũng sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của họ khi các thí nghiệm thất bại. Và đó là lí do vì sao McIntyre hi vọng một số nhà vật lí có thể cùng ông đến sự các hội nghị Trái đất phẳng trong tương lai.
“Tôi nghĩ các nhà vật lí nên tham gia nhiều hơn” ông nói. “Thật sự chẳng có lời bào chữa nào cho chúng ta nếu cứ ngồi yên và cười nhạo họ. Bởi lẽ trong khi chúng ta cười nhạo, thì họ đang tuyển mộ thêm người tin vào những thứ điên khùng này.”
Bài của Rachel Brazil trên Physics World, tháng 7/2020.
Bản dịch của Thư Viện Vật Lý.