Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 49)

Hiệp Khách Quậy Thế bí ấy là vấn đề nghiêm trọng với cả hai phe; mỗi bên đều muốn tấn công nhưng đều biết rằng làm như thế là tự sát, trừ khi phát triển được một loại vũ khí mới nào đó. Trong sự thất vọng của họ, bộ chỉ huy cao cấp Đức quay sang nhà hóa lí Fritz Haber. Trước đó ông đã hỗ trợ họ giải quyết một trục trặc... Xin mời đọc tiếp.

NỖI KINH HOÀNG TỘT CÙNG: KHÍ ĐỘC

Thế bí ấy là vấn đề nghiêm trọng với cả hai phe; mỗi bên đều muốn tấn công nhưng đều biết rằng làm như thế là tự sát, trừ khi phát triển được một loại vũ khí mới nào đó. Trong sự thất vọng của họ, bộ chỉ huy cao cấp Đức quay sang nhà hóa lí Fritz Haber. Trước đó ông đã hỗ trợ họ giải quyết một trục trặc liên quan đến đạn dược, và các tướng lĩnh Đức hi vọng ông có thể giúp họ lần nữa. Có thứ gì đó bắn vào các chiến hào Đồng Minh buộc binh lính ẩn náu trong đó phải tháo chạy hay không? Haber lập tức nghĩ tới khí độc. Một vài tướng Đức vẫn dè dặt, bảo rằng phe Đồng Minh chắc chắn sẽ phản đòn y như vậy, nhưng Haber cam đoan rằng ngành công nghiệp của hóa chất của phe bên kia sẽ chật vật mới sản xuất được một chất khí như vậy. Bất chấp những dè dặt của họ, Haber vẫn được lệnh sản xuất khí độc. Haber quyết định chọn chlorine, và quân Đức cho triển khai nó vào tháng Tư 1915, ở gần Ypres. Vùng tiền tuyến này được cố thủ bởi một lực lượng chung gồm quân Anh, Canada, Pháp, và Algeria.

Vào đêm 22 tháng Tư 1915, quân Pháp và Algeria để ý thấy một đám mây lớn màu vàng lục từ từ trôi giạt về phía họ. Cảm thấy lúng túng, họ nghi ngờ nó được sử dụng để che đậy việc di chuyển quân tấn công, và họ đứng sẵn trên phần đất mình chờ tấn công. Trong vòng vài phút, đám mây ấy bao kín lấy họ, và họ thấy ngạt và thở hổn hển. Chất khí hít vào đang phá hủy các cơ quan hô hấp của họ. Khi họ nhận ra điều gì đang xảy ra thì họ bắt đầu đau đớn, và nhiều người trong số họ bỏ chạy tán loạn. Trong vòng một thời gian ngắn, một khoảng trống rộng bốn dặm được mở ra dọc theo trận tuyến. Tuy nhiên, lạ thay, quân Đức cũng thấy bất ngờ trước hiệu quả chất khí y như quân Pháp vậy. Và mặc dù quân Đức chiếm thế thượng phong, song họ cũng thấy căng thẳng và lưỡng lự. Họ chiếm được một phần đất, nhưng quân Anh và Canada bên mạn phải chiến đấu thật quả càm, và cuối cùng họ chiếm không được bao nhiêu đất. Thế nhưng một giai đoạn mới trong cuộc chiến đã mở màn.11

Báo chí Anh lập tức lên án vụ tấn công và làm quá lên, và các nước khác, trong đó có Hoa Kì, cũng sớm lên tiếng. Mặc dù lên án nhưng nước Anh lập tức triển khai nghiên cứu về khí độc để họ có thể trả đũa. Tuy nhiên, có một trở ngại với việc rắc khí. Nếu gió đổi hướng trong khi đang rắc khí, thì nó có thể thổi ngược lại đám binh lính đang rắc khí. Và quả vậy, điều này từng xảy ra với quân Anh lẫn quân Đức. Cần có một hệ thống rắc khí tốt hơn. Một lần nữa, bộ chỉ huy Đức quay lại với Haber. Có chất khí độc nào có thể dễ dàng đóng gói vào đạn pháo và phát nổ trên chiến hào hay không? Haber và đội của ông lập tức bắt tay vào nghiên cứu và sớm đi tới phosgene. Nó tương tự như khí chlorine, nhưng không giống chlorine nó không gây ho sặc sụa hay thở hổn hển trong lúc nó phá hủy phổi. Bởi thế, binh lính thường hít phải nó nhiều hơn trước khi họ nhận biết chuyện gì đang xảy ra. Vì thế, nó hiệu nghiệm hơn nhiều khi được dùng làm vũ khí.

Sau đó Haber đi tới chất khí gây khiếp đảm nhất cuộc chiến – khí mù tạt. Người Đức dùng nó lần đầu tiên để chống lại người Nga vào tháng Chín 1917. Khí mù tạt gần như không mùi, và nó gây rộp da nghiêm trọng cả bên trong lẫn bên ngoài da.

Tuy nhiên, mỗi lần người Đức phát triển một chất khí độc mới, lập tức quân Đồng Minh phát triển chất khí giống vậy và dùng nó chống lại quân Đức, vì thế đến cuối cuộc chiến chẳng phe bên nào chiếm được lợi thế. Người Đức gieo rắc vài trăm nghìn thương vong, nhưng họ cũng hứng lại khoảng hai trăm nghìn với khoảng chín nghìn quân chết.12 Tuy nhiên, về cuối cuộc chiến số thương vong chẳng còn nhiều vì mặt nạ chống khí đã được phát triển.

Mặc dù Haber chẳng hề cảm thấy chút tội lỗi vào với vai trò của ông trong việc phát triển khí độc, song vợ của ông thì quá kinh hoàng trước những gì ông làm nên bà đã tự vẫn. Ông bạn thân của ông, Albert Einstein cũng quở trách ông kịch liệt vì vai trò của ông trong việc gieo rắc cái chết cho nhiều đồng loại. Nhưng cuối cùng ông bị quả báo. Ông là người gốc Do Thái, và vào năm 1933 ông phải trốn khỏi nước Đức khi Đảng Quốc xã bắt đầu bắt giam người Do Thái.

NHỮNG XE TĂNG ĐẦU TIÊN

Một nỗ lực khác nhằm phá thế bí xảy ra cùng với sự xuất hiện của những xe tăng đầu tiên trên chiến trường vào cuối năm 1916. Ý tưởng rằng một cỗ xe thiết giáp, chống đạn có thể hữu ích trên chiến trường đã được ấp ủ trong nhiều năm. Thậm chí Leonardo da Vinci từng thiết kế một chiếc. Nhưng mãi sau khi Thế chiến Thứ nhất nổ ra thì ý tưởng ấy mới được xem xét nghiêm túc. Động lực xuất phát từ một viên sĩ quan người Anh, đại tá Ernest Swinton. Trong lúc lái xe băng qua miền bắc nước Pháp vào tháng Mười 1914, chứng kiến số lượng lớn thương vong do trúng phải vũ khí hiện đại, ông bắt đầu nghĩ tới việc làm thế nào bảo vệ quân lính tốt hơn. Một người bạn của ông từng đề cập tới một cỗ xe mà ông ta từng thấy với những bánh xích lớn, và ông lập tức nhận ra rằng sẽ là cực kì hữu ích nếu chế tạo một xe quân sự chống đạn với các bánh xích.13

Vào tháng Mười Một ông bàn với trung tá Maurice Hanley về ý trưởng trên; đến lượt Hanley gửi một nghị thư đến Ủy ban Quốc phòng Hoàng gia. Tuy nhiên, quân đội ít hứng thú với thiết bị mới này. Vì thế Swinton tổ chức một buổi trình diễn về dụng cụ bánh xích cho một vài chức sắc cao cấp vào tháng Sáu 1915. Trong hàng ngũ tham dự có Lloyd George (bộ trưởng quốc phòng, sau này trở thành thủ tướng) và Winston Churchill, bộ trưởng Bộ Hải quân. Cả hai đều thấy ấn tượng, và Churchill lập tức cho thành lập cái ông gọi là ủy ban Landships đánh giá việc chế tạo một thiết bị như vậy. Chẳng mấy chốc ủy ban đã kết luận thiết bị có thể hữu ích trong chiến tranh, và họ thống nhất cho triển khai thiết kế và chế tạo một mô hình nguyên mẫu. Điều quan trọng là giữ nó bí mật, vì thế họ đặt mật danh cho nó là “tank” để người Đức không biết nó là thứ gì. Và tất nhiên, tên gọi ấy được giữ cho tới nay.14

Swinton thuê một cố vấn, và ông ta đề ra một vài điều kiện cho thiết bị mới. Nó phải có tốc độ tối thiểu bốn dặm trên giờ; nó phải có thể đi xuyên qua một đường hào bốn foot và dễ dàng chọc thủng hàng rào dây thép gai; và nó phải có thể trèo lên các vật cao năm foot. Ngoài ra, nó phải chống đạn, và nó phải có hai khẩu súng máy. Khi cuối cùng được chế xong, nó mang tên lóng là “Tiểu Willy”. Nó chưa đáp ứng hết các điều kiện của Swinton, nhưng đã gần như vậy. Nó có thể di chuyển ở tốc độ khoảng ba dặm mỗi giờ trên đất bằng; nó cân nặng mười bốn tấn và có một khung xích dài mười hai foot; và được chế dạng hình thoi và có thể chở ba người. Tuy nhiên, trong những thử nghiệm lúc đầu, nó gặp trục trặc khi băng qua hào, nhưng vấn đề này sớm được khắc phục trong một mẫu hơi lớn hơn gọi là “Đại Willie”. Điều đặc biệt thú vị là những cỗ xe tăng này được chê tạo bởi hải quân chứ không phải bộ binh.

Mọi thứ giờ đã sẵn sàng để sản xuất các mô hình đánh trận, và mô hình đánh trận đầu tiên, gọi là Mark I, được trình diễn vào tháng Sáu 1916. Lloyd George thấy ấn tượng nên hạ lệnh lập tức sản xuất xe tăng đúng cỡ. Trong khi đó, người Pháp đã nghe nói tới kế hoạch của người Anh và bắt đầu nghiên cứu xe tăng riêng của họ.

Mark I sẵn sàng ra chiến trường vào tháng Chín 1916, với ba mươi sáu chiếc xuất xưởng. Một số lãnh đạo quân đội, bao gồm Churchill, thúc giục hoàn thiện và thử nghiệm trước khi sử dụng, còn những người khác thì muốn dùng nó càng sớm càng tốt. Lúc ấy trận chiến Somme đang diễn ra ở Pháp, và nó không kết thúc như người Anh mong đợi. Thế là có áp lực để triển khai xe tăng. Vì thế, ba mươi sáu xe tăng đã dàn hàng trên trận tuyến tại Flers ở Pháp vào tháng Chín, và rõ ràng sự xuất hiện của nó khiến quân Đức choáng váng. Nhưng Churchill đã đúng: chúng vẫn chưa sẵn sàng. Nhiều chiếc bị vỡ trong lần công kích đầu tiên, và một số chiếc bị mắc kẹt trong bùn, vì thế ngoài giá trị gây sốc, chúng chẳng hiệu quả gì mấy.

Trong khi đó người Pháp đã sản xuất 128 xe tăng vào tháng Tư 1917 và đưa chúng ra chiến trường, nhưng giống như trường hợp xe tăng Anh, chúng cũng chưa sẵn sàng và phát sinh một số vấn đề. Xe tăng được sử dụng thật sự thành công đầu tiên là vào ngày 20 tháng Mười Một 1917, tại Trận Cambria. Với lực lượng gồm 474 xe tăng, quân Anh tấn công hàng tiền tuyến Đức và chọc thủng một quãng mười hai dặm. Trong quá trình ấy họ bắt giữ được mười nghìn lính Đức và số lượng lớn súng máy. Tuy nhiên, thật bất ngờ, người Đức đã không cố chạy đua xe tăng; họ từ từ đi tới những kế hoạch riêng cho xe tăng. Một trong các lí do, chẳng nghi ngờ gì nữa, đó là do sự thiếu hụt tài nguyên ở giai đoạn này của cuộc chiến.

Mặt khác, người Anh và người Pháp rót toàn bộ nguồn lực của họ vào sản xuất xe tăng. Vào cuối cuộc chiến, người Anh đã chế được 2.636 chiếc và Pháp chế được 3.870 chiếc. Ngoài ra, nước Mĩ đã chế được tám mươi bốn xe tăng. Người Đức, mặt khác, chỉ chế được hai mươi chiếc, nhưng họ đã phát triển các vũ khí khá hiệu quả để chống lại nó.

Tóm lại, xe tăng Mark I của Anh đã đáp ứng khá tốt các điều kiện. Đa số chiến trường đều loang lỗ những hang hố to bự và chằng chịt hàng rào dây thép gai. Mark I có thể di chuyển khá hiệu quả trên địa hình rất gồ ghề, và nó có thể dễ dàng băng qua các đường hào và miệng hố cao chín foot, và nó chẳng gặp trở ngại gì với dây thép gai. Quả vậy, nó còn có thể hạ những cây cối nhỏ.

NƯỚC MĨ THAM CHIẾN

Kết thúc cuộc chiến bắt đầu tại mặt trận phía Đông, nơi quân Nga đã đấu với quân Đức trong hai năm rưỡi. Họ đã chịu một số tổn thất và nhuệ khí đang ở mức thấp. Quân Nga đang hỗn loạn và chính phủ nước họ đang tan rã. Vì vậy, vào tháng Ba 1917, Nga hoàng Nicholas từ bỏ quyền lực và một chính phủ lâm thời được thành lập. Tuy nhiên, thật bất ngờ, bất chấp các trở ngại và sự trì trệ do cuộc chiến gây ra, chính phủ mới lại bỏ phiếu đánh tiếp. Nhưng lúc này quân Nga đang bắt đầu tan rã; tình trạng đào ngũ ngày càng phổ biến, cuối cùng các tướng lĩnh quyết định không đánh nữa. Nhằm tìm kiếm hòa bình, người Nga kí Hiệp ước Brest-Litovsk.15

Nước Đức lúc này đã có thể gửi số lượng lớn binh lính đến mặt trận phía Tây. Họ bắt đầu đến với tốc độ mười sư đoàn một tháng, và với thế lực mới, giới chóp bu Đức xác định đã đến lúc đánh một đòn quyết định lấn át đến mức phe kia sẽ nhanh chóng đồng ý kết thúc cuộc chiến. Và vào ngày 21 tháng Ba 1918, họ tấn công. Trong vòng vài ngày, một khoảng trống lớn được mở ra giữa hàng phòng ngự Anh và Pháp. Quân Đức đánh thúc về trước, cố chiếm lợi thế, nhưng họ bị bất ngờ trước sự quyết tâm và ngoan cường của quân lính Anh. Họ giữ được phòng tuyến của mình. Trong khi đó, nước Mĩ tuyên chiến với Đức, và lính Mĩ lúc này đang băng qua Đại Tây Dương với số lượng lớn.

Trong mấy năm, tổng thống Woodrow Wilson cho rằng nước Mĩ nên đứng ngoài cuộc chiến, và phần lớn người Mĩ tán thành với ông. Thế nhưng sau vụ chìm tàu Lusitania (với 120 người Mĩ trên tàu), nhiều người Mĩ nổi đóa, nhưng rồi phía Đức nhanh chóng cho dừng các vụ tấn công tàu U, thành ra sự giận dữ lắng xuống. Tuy nhiên, vào ngày 31 tháng Giêng 1917, nước Đức tuyên bố khởi động lại cuộc chiến không hạn định trên mọi tàu hàng trong vùng chiến, dù có trung lập hay không. Tổng thống Wilson choáng váng trước tin ấy, song nước Mĩ cố nhịn không tuyên chiến. Thế rồi vào tháng Hai và tháng Ba, tàu ngầm Đức đánh chìm một vài con tàu Mĩ. Ngoài ra, tình báo Anh đã chặn và giải mã được một thông điệp do Đức gửi cho chính phủ Mexico. Người Đức hứa hẹn với Mexico rằng để đáp lại sự ủng hộ, toàn bộ lãnh thổ mà Mexico đã mất do Mĩ xâm chiếm sẽ được trả lại. Các lãnh thổ này bao gồm Texas, New Mexico, và Arizona.

Vào ngày 2 tháng Tư 1917, Wilson hỏi ý kiến Thượng viện về việc tuyên chiến, và ý kiến nhanh chóng được thông qua. Những người lính Mĩ đầu tiên bắt đầu băng Đại Tây Dương vài tháng sau đó. Một đạo quân, dưới sự chỉ huy của tướng Pershing, đổ bộ ở Pháp vào tháng Sáu. Người Đức vẫn đang tấn công hàng phòng ngự Đồng Minh, song lúc này ít thành công hơn nhiều. Và chẳng mấy chốc họ đối mặt với những người lính Mĩ đầu tiên.

Một bộ chỉ huy phía Tây được hình thành vào tháng Tư 1918 bao gồm quân Anh, Mĩ, và quân Bỉ dưới sự chỉ huy của tướng Foch. Trong khi đó số lượng lính Mĩ ở Pháp đã tăng lên gấp đôi vào tháng Ba, và sau đó nó lại tăng gấp đôi vào tháng năm và tháng Tám. Quân Đức tấn công trở lại vào tháng Bảy song nhanh chóng bị đẩy lùi bởi một đợt phản công. Sau đó quân Anh tiến lên phía bắc, còn người Mĩ tiếp tục phản công trên toàn vùng Argonne của Pháp. Vào ngày 18 tháng Bảy, lực lượng của Foch cùng với lính Pháp triển khai phản công, cùng với chín sư đoàn Mĩ sức mạnh gấp đôi. Quân Đức bắt đầu suy yếu, và vào ngày 8 tháng Tám, hơn bốn trăm xe tăng Anh tiến về phía họ. Chẳng mấy chốc họ bị bao vây bởi hàng nghìn xe tăng. Và các đồng minh của Đức bắt đầu đầu hàng: trước tiên là Bỉ vào tháng Chín, rồi đến Thổ Nhĩ Kì vào ngày 30 tháng Mười, và cuối cùng là Áo-Hung vào ngày 4 tháng Mười Một. Nhuệ khí của quân Đức chùng xuống khi mà các nguồn lực cũng bắt đầu suy tàn, và cuối cùng, vào ngày 11 tháng Mười Một 1918, Hiệp ước Versailles được kí kết, kết thúc cuộc chiến.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm