Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 37)

Hiệp Khách Quậy Như đã nói ở phần trước, súng trường nòng nhẵn không hiệu nghiệm ở những tầm bắn trên một trăm yard, và ngay cả ở một trăm yard nó cũng không chuẩn xác lắm. Các tuyến lính bộ với súng nòng nhẵn có thể sáp tới nhau trong cự li khoảng một trăm yard và chẳng lo ngại chuyện bị bắn trúng. Và ngay cả sau khi... Xin mời đọc tiếp.

MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VỀ SÚNG TRƯỜNG VÀ ĐẠI BÁC

Như đã nói ở phần trước, súng trường nòng nhẵn không hiệu nghiệm ở những tầm bắn trên một trăm yard, và ngay cả ở một trăm yard nó cũng không chuẩn xác lắm. Các tuyến lính bộ với súng nòng nhẵn có thể sáp tới nhau trong cự li khoảng một trăm yard và chẳng lo ngại chuyện bị bắn trúng. Và ngay cả sau khi việc xẻ rãnh lần đầu tiên được áp dụng, thì vẫn có ít súng xẻ rãnh dùng trong chiến tranh. Chúng nạp đạn quá chậm, và nòng của chúng bị bịt kín khá dễ dàng bởi thuốc súng còn dư. Súng trường xẻ rãnh thật ra đã có mặt trước thời Nội Chiến, song chúng chủ yếu được sử dụng bởi những người lính biên cương như Daniel Boone, trong đó tốc độ nạp đạn không quan trọng lắm. Tuy nhiên, vào năm 1750, súng xẻ rãnh Kentucky nổi tiếng được sản xuất, và nó được sử dụng bởi nhiều người lính biên phòng có tiếng. Nó khá chuẩn xác; lính biên phòng có thể dễ dàng bắn trúng con gà tây ở cự li hai trăm yard. Hơn nữa, súng xẻ rãnh Kentucky đã được người Mĩ sử dụng trong Chiến tranh Cách mạng; thật vậy, nó đã gây kinh hoàng cho kị binh Anh vì các tay thiện xạ Mĩ với khẩu Kentucky trong tay có thể bắn hạ ngựa dưới chân lính kị từ xa bốn trăm yard. Thật vậy, người Anh đã phải nhanh chóng chế tạo một khẩu súng để đối đầu; và họ đã làm được – nó được gọi là súng trường Ferguson.

Cùng với những phát triển mới trên – đặc biệt, đạn cầu Minié – đã xuất hiện một vài khẩu súng trường mới và sát thương hơn nhiều. Thoạt đầu súng xẻ rãnh vẫn được nạp đạn bịt miệng; tuy nhiên, chúng gây sát thương hơn nhiều so với súng trường nòng nhẵn. Các khẩu súng xẻ rãnh chính của phe Liên Minh là súng trường Springfield khẩu độ .58 và một kiểu súng xẻ rãnh khẩu độ .69 tại Harpers Ferry gọi là xúng xẻ rãnh Harpers Ferry (khẩu độ ám chỉ kích cỡ bên trong của nòng súng). Cả hai đều nạp đạn bịt miệng. Quân liên minh sử dụng súng xẻ rãnh nhập khẩu từ Anh – chủ yếu là British Enfield khẩu độ .557. Một tay thiện xạ có thể bắn trúng mục tiêu từ xa một dặm với những khẩu súng này, và dù là một người lính bình thường cũng có thể bắn trúng mục tiêu ở cự li 250 yard.5

Mặc dù Springfield và British Enfield là súng xẻ rãnh chính trong Nội Chiến, song nhiều kiểu súng khác cũng xuất hiện vào cuối cuộc chiến. Christopher Spencer ở Connecticut phát minh ra một kiểu súng xẻ rãnh vào năm 1860 có thể nạp đạn với bảy hộp đạn trong một phần rỗng trong báng súng và có một cái cò để mở khóa nòng. Nó là một trong những khẩu liên thanh đầu tiên. Nó được gọi là súng trường Spencer. Mặc dù nhiều người biết đến nó, song nó ít được dùng trong cuộc chiến.

Một khẩu liên thanh khác là súng trường Henry khẩu độ .44, nó mang mười lăm hộp đạn. Cả khẩu Henry lẫn Spencer đều là súng carbine, nghĩa là chúng có nòng ngắn hơn súng trường bình thường. Súng carbine nhẹ hơn do nòng của nó ngắn hơn; bởi lẽ đó, nó được kị binh ưu ái vì người lính ngồi trên lưng ngựa khó xoay sở với súng trường nòng dài. Hạn chế của nòng ngắn là súng carbine thường kém chuẩn xác hơn và kém công lực hơn so với các súng xẻ rãnh to hơn. Tuy nhiên, nhiều người ưa thích chúng bởi trọng lượng nhẹ và khả năng cơ động của chúng. Chúng đặc biệt hoạt động tốt ở những khu vực có nhiều cây cối, nơi tầm xa là chẳng quan trọng.

Một trong những khẩu súng xẻ rãnh thú vị nhất của thời kì này là Sharps, được phát minh bởi Christian Sharps vào năm 1848. Thế nhưng một lần nữa, nó chỉ được sử dụng hạn chế trong cuộc chiến, bởi các tay thiện xạ hay lính bắn tỉa. Một trong những trở ngại chính là nó khá đắt tiền – gấp ba lần chi phí của khẩu Springfield. Súng Sharps thu hút rất nhiều sự chú ý sau bộ phim Quigley Down Under vào năm 1990, trong đó Matt Quigley (nhân vật do Tom Selleck thủ vai) có một khẩu Sharps với nòng cực dài (dài hơn bốn inch so với nòng chuẩn ba mươi inch) bắn cực kì chuẩn xác ở cự li xa. Trong bộ phim, Quigley đã khiến mọi người bất ngờ với khả năng bắn trúng mục tiêu ở những khoảng cách cực kì lớn.

Cũng nên lưu ý rằng phần lớn súng xẻ rãnh độ dài chuẩn đều có các carbine ngắn hơn sử dụng đạn dược giống như vậy, song chúng có tầm bắn ngắn hơn và không chuẩn xác bằng. Ngay cả khẩu Sharps rất chuẩn xác cũng có một mô hình carbine.

Tất nhiên, súng lục ổ quay cũng được sử dụng rộng khắp trong cuộc chiến, với colt .44 và .36 là thịnh hành nhất. Súng lục ổ quay LeMat của Pháp được sử dụng bởi các viên chức Liên Minh. Ngoài ra, lưỡi lê, giáo mác, kiếm lưỡi cong, và các loại kiếm đa dạng cũng được sử dụng, song trên thực tế chúng gây ít thương vong.

Món vũ khí khác được sử dụng rộng khắp là đại bác. Cả đại bác nòng nhẵn và nòng xẻ rãnh đều tham chiến. Và một lần nữa, chính đại bác nòng xẻ rãnh mới chuẩn xác nhất. Đạn pháo được chọn bởi trọng lượng của chúng, từ mười hai pound cho đến chín mươi pound và nặng hơn. Như trong trường hợp súng xẻ rãnh, đại bác có thể được nạp đạn khóa nòng hoặc nạp đạn bịt miệng. Ba loại pháo binh chủ yếu là đại bác, nó bắn ra đạn pháo đi theo một quỹ đạo tương đối phẳng; súng cối, bắn đạn pháo vào một quỹ đạo cao, uốn vòng cung; và súng bắn đạn trái phá, đạn bắn ra của nó lưng chừng giữa hai quỹ đạo trên. Một trong những khẩu đại bác nổi tiếng nhất là một khẩu nòng nhẵn tên gọi là “Napoleon”. Nó được sử dụng bởi quân Liên Minh lẫn quân Liên Bang. Nó tương đối nhẹ và linh động, và nó có tầm bắn chừng một trăm bảy mươi yard. Chúng thường được dùng để bắn ra đạn hộp và đạn chùm, cả hai đều gây thương vong cao cho quân tấn công. Đạn hộp chứa khoảng tám mươi lăm quả cầu sắt, và chúng nhanh chóng rã ngay sau khi bắn, vương vãi các quả cầu trên trận mạc, gây số lượng lớn thương vong. Nói chung, chúng giống như một khẩu súng săn khổng lồ bị cưa ngắn.

CUỘC NỘI CHIẾN

Không phe bên nào muốn cuộc chiến kéo dài hơn sáu tháng, và chẳng ai trông đợi sự tàn bạo và số lượng cao thương vong mà nó gây ra. Vào cuối cuộc chiến, trên bảy trăm nghìn binh lính thiệt mạng, cùng với số lượng lớn thường dân.

Nội Chiến Hoa Kì nổ ra không bao lâu sau khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống vào năm 1860. Lincoln phản đối chế độ nô lệ, và một số bang miền Nam e ngại rằng ông sẽ cấm chế độ nô lệ. Vì thế, vào năm 1861, một vài bang có sử dụng nô lệ đã rút khỏi liên bang và thành lập chính phủ riêng của họ: Liên minh Các bang Hoa Kì. Washington không công nhận sự li khai đó, và Lincoln quyết tâm các bang lại.6

Chiến sự nổ ra khi phe Liên Minh bắt đầu nã pháo vào Pháo đài Sumter, một đơn vị đồn trị ở giữa hải cảng Charleston, South Carolina. Sau thiệt hại nặng nề, cuối cùng pháo đài cũng đầu hàng vào ngày 13 tháng tư 1861. Lincoln bị mất mặt; ông lập tức kêu gọi người tình nguyện nhập ngũ Quân đội Liên Bang. Chẳng mấy chốc thêm bốn bang nữa gia nhập phe Liên Minh. Trong một khoảng thời gian ngắn, quân đội của cả hai phía có khoảng một trăm nghìn người, song phần lớn họ chưa qua huấn luyện.

Trong bốn năm tiếp theo đã diễn ra 237 trận đánh cùng với nhiều cuộc giao tranh nhỏ. Và cuộc chiến ngày càng khốc liệt khi số người chết tăng chất chồng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra số thương vong khổng lồ là những chiến thuật được sử dụng bởi các vị tướng của cả hai phe. Các chiến thuật Napoleon đã ăn sâu vào các viên chức tại West Point, và chúng vẫn được sử dụng rộng rãi trong phần lớn cuộc chiến. Như chúng ta đã thấy ở phần trước, trong các cuộc chiến tranh thời Napoleon, binh lính xếp hàng dàn trận tiến về phía nhau với súng hỏa mai của họ. Họ thường bắn đạn khi ở cự li khoảng một trăm yard; ở khoảng cách này đạn của họ vừa vặn bay tới quân địch, mỗi viên đạn bắn trúng bất kì ai. Mệnh lệnh thông thường là, “Sẵn sàng… Bắn!” thay vì “Sẵn sàng… Nhắm… Bắn!” Mục tiêu của họ là tạo ra một cơn mưa đạn về phía quân địch, hi vọng một số viên đạn sẽ gây ra tổn thất cho phe bên kia. Một khi các khẩu hỏa mai nạp đạn chậm, một lần bắn của họ hết đạn, những người lính sẽ chạy về phía nhau cùng với lưỡi lê để đánh giáp lá cà. Vấn đề với chiến thuật này là kể từ thời Napelon, súng xẻ rãnh và đại bác đã trở nên sát thương hơn nhiều và có tầm bắn xa hơn nhiều. Binh lính bây giờ có thể chọn muc tiêu và nả vào họ từ cự li hai trăm yard. Vì thế, những cuộc tấn công trực diện theo kiểu vừa mô tả trở nên gần như là tự sát. Tuy nhiên, một người lính sẽ nhanh chóng bị xem là nhát gan nếu anh ta cố né tránh thay vì chĩa thẳng về hướng các khẩu súng của quân địch. Bởi lẽ đó, binh lính cứ “đổ xuống” khi họ tiến về phía quân địch. Mãi cho đến gần cuối cuộc chiến, các vị tướng mới chịu từ bỏ chiến thuật này.

Lúc đầu cuộc chiến, Tổng thống Lincoln hạ lệnh phong tỏa hải quân miền Nam nhằm ngăn chặn mọi cuộc mậu dịch, đặc biệt là việc nhập khẩu vũ khí từ Anh và Pháp. Và lệnh phong tỏa ấy, thật sự, khá hiệu quả, chủ yếu bởi vì Liên Bang có hải quân tốt hơn nhiều so với miền Nam. Một trong những thứ quan trọng mà nó chặn được là việc xuất khẩu cotton, nguồn xuất khẩu chính của miền Nam, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế miền Nam. Lúc đầu cuộc chiến, phe Liên Minh, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Robert E. Lee, thắng được một vài trận quan trọng. Nhưng vào mùa hè năm 1862 phe Liên Bang đã diệt nhiều đội quân Liên Minh ở phía Tây, và làm tan rã nghiêm trọng các lực lượng hải quân Liên Minh trên Sông Mississippi. Rồi đến Trận Gettysburg vào năm 1863. Lee thúc quân của ông lên phía bắc với hi vọng về một chiến thắng có tính quyết định sẽ hạ gục phe Liên Bang. Ông có xấp xỉ bảy mươi hai nghìn quân; đương đầu với ông là lực lượng Liên Bang gồm chín mươi tư nghìn quân dưới quyền chỉ huy của Đại tướng George Maede.

Chiến sự nổ ra vào hôm 1 tháng Bảy ở vùng ngoại ô thị trấn nhỏ Gettysburg. Quân Liên Bang bị quân Lee tập kích, buộc họ lui về Cemetery Ridge ở phía nam thị trấn. Vào ngày thứ hai, hai quân lực lại sẵn sàng chinh phạt, với quân Liên Bang nằm ở thế phòng ngự. Vào cuối buổi chiều, quân Lee đánh vào một vài điểm trên tuyến phòng thủ kéo dài và gần như thành công trong việc chọc thủng. Lee bấy giờ thật cam chắc; quân của ông đã gây thiệt hại đáng kể cho tuyến phòng thủ Liên Bang, và ông chắc mẩm đã chiến thắng trong tầm tay. Vào ngày 3 tháng Bảy, ông bắt đầu cho pháo binh tấn công với 135 khẩu đại bác, nhiều đạn pháo mười hai pound được bắn ra, và nhiều khẩu nhả đạn hộp gieo rắc lên quân địch những quả cầu chì. Ngoài ra, ông có các quả đạn pháo mười hai pound được ém đầy thuốc súng sẽ phát nổ trên đầu quân địch, ném vào họ những mảnh vỡ sắt từ vỏ đạn. Kế hoạch của Lee là vô hiệu hóa càng nhiều khẩu súng Liên Bang càng tốt, cùng với binh lính nữa. Ông biết rằng cần phải tàn phá và làm mất tinh thần quân Liên Bang trước khi ông có thể tấn công.7

Chẳng mấy chốc, hàng trăm quả đạn pháo được bắn ra từ 135 khẩu đại bác Liên Minh, và trong một thời gian ngắn một lượng đại bác Liên Bang bằng như thế cũng nhập cuộc. Tiếng ầm đinh tai nhức óc, song còn tệ hơn nữa là khói từ hai hàng đại bác phả ra. Toàn bộ khu vực nhanh chóng bị bao phủ trong một màn khói xám xịt, hăng hắc, làm cay sè đôi mắt của binh lính. Việc bắn phá tiếp trục trong hàng giờ, và trước sự thất vọng của Lee, việc bắn trả của Liên Bang không hề dừng lại hoặc giảm sút. Tuy nhiên, vào lúc giữa trưa Lee quyết định tiếp tục cho tấn công. Chuẩn tướng Pickett phụ trách vụ tấn công; 12.500 quân Liên Minh xếp thành hàng cho sau này gọi là cái giá phải trả của Pickett. Binh lính Liên Minh được trang bị súng Enfield, còn lính Liên Bang mang súng Springfield. Một số lính còn có những khẩu Sharps cực kì chuẩn xác. Súng xẻ rãnh của cả hai phe đều dùng đạn cầu Minié có tầm xa ít nhất một phần tư dặm. Khi quân Liên Minh tiến lên trên một vùng đồng trống, lính Liên Bang đang chờ sẵn họ từ phía sau một bức tường đá thấp. Họ để quân Liên Minh di chuyển càng lúc càng gần. Cuối cùng, quân Liên Bang ùa ra, đồng thời các khẩu đại bác Liên Bang bắt đầu nhả đạn hộp và đạn pháo nổ phía trên đầu họ. Một số đạn pháo này tiêu diệt hai lính cùng một lúc, và các khẩu Springfield cũng sát thương không kém.

Lạ thay, quân Liên Minh không tan rã, mà cứ tiến tới. Cuộc tàn sát tiếp diễn khi họ tiến tới, và lúc họ đi tới hàng ngũ quân Liên Bang, gần một nửa trong số họ – gần sáu nghìn – đã bị tiêu diệt. Một trận chiến xáp lá cà diễn ra, nhưng chẳng kéo dài bao lâu. Trong vòng hai mươi phút, quân Liên Minh rút lui, để lại chiến trường ngổn ngang xác chết.

Đêm hôm đó trời đổ mưa, và chiến trường trở thành một bãi lầy lội. Chẳng ai còn tinh thần để chiến đấu tiếp. Chứng kiến sự thiệt hại của quân mình, cuối cùng Lee quyết định lui binh. Tính chung, mỗi bên chịu con số thương vong rất lớn – lớn nhất thời Nội Chiến: hai mươi ba nghìn ở phe Liên Bang, và khoảng con số như vậy ở phe Liên Minh.

Chiến tranh tiếp diễn trong hai năm nữa sau trận đánh tại Gettysburg, nhưng thế chủ động bây giờ nằm ở phe Liên Bang. Vào năm 1864, Tổng thống Lincoln phê chuẩn Đại tướng Ulysses Grant làm thống soái của toàn quân Liên Bang, và cuộc chiến “hạn chế” là hồi sinh Liên Bang đã trở thành “chiến tranh tổng lực” là triệt hạ miền Nam và chế độ nô lệ, và hồi phục Liên Bang. Miền Nam đã chiến đấu dũng cảm, song chịu hết thất bại này đến thất bại và cuối cùng bị dồn vào chân tường vào tháng Tư 1865.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm