Hiệp Khách Quậy Vào đêm 8 tháng Mười Hai năm 1990, một phi thuyền vũ trụ đã bay vèo qua cách Trái Đất 960 km. Khi nó lướt sớt qua, nó quét qua mặt đất tìm ánh sáng, nhiệt và sóng vô tuyến, tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống. Xin mời đọc tiếp.
9. Trái Đất
Nó là gì?
Một thế giới chủ yếu gồm silicate quay xung quanh một sao loại G
Nó ở đâu?
Ngay dưới chân bạn
BÍ ẨN: CÓ SỰ SỐNG NGOÀI TRÁI ĐẤT KHÔNG?
Vào đêm 8 tháng Mười Hai năm 1990, một phi thuyền vũ trụ đã bay vèo qua cách Trái Đất 960 km. Khi nó lướt sớt qua, nó quét qua mặt đất tìm ánh sáng, nhiệt và sóng vô tuyến, tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống.
Đây chẳng phải một đợt viếng thăm gần của người ngoài hành tinh. Phi thuyền ấy, tên gọi Galileo, là một trong các phi thuyền của loài người chúng ta, trên hành trình đến Mộc tinh. Nhưng một trong các nhà khoa học NASA điều hành sứ mệnh ấy, Carl Sagan, có ý tưởng sử dụng cú lướt sát Trái Đất để chạy thử công nghệ dò tìm sự sống. Chắc chắn Galileo đã dò thấy dồi dào nước, oxygen, methane và một sắc tố hấp thụ ánh sáng đỏ. Những quan sát này kết hợp lại “đề xuất mạnh mẽ” rằng Trái Đất đang nhung nhúc sự sống.
NƯỚC, NƯỚC!
Trái Đất là nơi duy nhất có sự sống mà chúng ta biết. Nhưng với số lượng hành tinh trong thiên hà của chúng ta nhiều như thế, chứ chưa nói đến toàn vũ trụ, thì rất có khả năng Trái Đất không phải nơi duy nhất có sự sống. Để gãi chỗ ngứa này, chúng ta phải đi tìm sự sống ở nơi nào đó khác. Giả thuyết mặc định sẽ là nó giống với sự sống trên Trái Đất. Điều đó có nghĩa là nó sẽ cần nước ở thể lỏng.
Trong hệ Mặt Trời của chúng ta, ứng cử viên hàng đầu là Hỏa tinh, gần như chắc chắn nó từng có một đại dương trên bề mặt và có thể vẫn còn giữ được chút tàn dư dưới lòng đất, và một số vệ tinh băng giá của Thổ tinh và Mộc tinh, đặc biệt là Enceladus và Europa. “Dù rằng chúng có một bề mặt băng giá, nhưng chúng có một đại dương nước lỏng dưới lòng đất,” theo lời Zita Martins, một nhà sinh vật học vũ trụ tại Đại học Lisbon ở Bồ Đào Nha. “Chúng cũng có các khoáng chất có thể dùng để tạo ra các phân tử hữu cơ và một nguồn năng lượng, vì thế chúng là một mục tiêu hoàn hảo.” Bên ngoài hệ Mặt Trời, mục tiêu hàng đầu là các hành tinh đất đá cỡ trung bình đang quay xung quanh các sao giống Mặt Trời, hoặc có khả năng ở trong “vùng ở được” thân thiện với nước lỏng quanh các sao lùn đỏ vốn mờ nhạt hơn.
Nhưng liệu quan điểm lấy Trái Đất làm trung tâm này có làm che mắt chúng ta trước những khả năng khác hay không? “Chúng ta vẫn chưa chưa biết gì nhiều về cái thích hợp cho sự sống xuất hiện và tồn tại lâu dài,” phát biểu của nhà thiên văn Amaury Triaud tại Đại học Birmingham, Anh. “Chúng ta chỉ mới biết rằng các điều kiện của chúng ta là thuận lợi, nó cho chúng ta biết cái gì là đủ chứ không cho biết cái gì là cần cho sự sống khởi sinh và thịnh vượng.”
Triaud cho biết việc tìm kiếm sẽ được mở rộng sang các loại ngoại hành tinh khác: các ngoại hành tinh quay xung quanh các sao lùn nâu, sao lùn trắng, và sao kềnh đỏ; các ngoại hành tinh làm xiếc quay xung quanh hai sao cùng một lúc; các hành tinh không có khí quyển; thậm chí cả các ngoại vệ tinh quay xung quanh các hành tinh khí khổng lồ. Những nơi này trông không có vẻ gì thích hợp cho sự sống, nhưng vấn đề là ở đó. “Đa số mọi người nghĩ rằng chỉ cần có được câu trả lời có/không cho câu hỏi có sự sống ngoài kia hay không, thế là đủ rồi,” Triaud nói. “Tôi muốn làm rõ xem sự sống ra đời và tồn tại lâu dài dưới những điều kiện nào và với tần suất ra sao.”
Hệ Mặt Trời của chúng ta đem lại những mục tiêu cánh tả tương tự vậy. Titan, một vệ tinh khác của Thổ tinh, hình thành trong điều kiện thiếu nước lỏng, với các hồ chứa hydrocarbon có khả năng là quê hương của sự sống dựa trên một kiểu hóa học khác hẳn. Ứa gan hơn nữa là các đám mây của Kim tinh và cả Pluto. “Các vệ tinh băng giá là món cược tốt nhất của chúng ta, nhưng tôi sẽ không khép cửa trước bất kì khả năng nào khác,” Martins nói. Với các sứ mệnh thám hiểm Enceladus, Titan, và có khả năng cả Europa, đang được phác thảo và các kĩ thuật mới dò tìm sự sống trên các ngoại hành tinh đang hoạt động, có lẽ cái chấm xanh nhợt nhạt đơn độc của chúng ta sẽ sớm có một số bạn đồng hành.
Nguồn: New Scientist