Những tín hiệu lạ đến từ 234 ngôi sao

Hiệp Khách Quậy “Chúng ta phải làm theo phương pháp khoa học, nhưng tôi hết sức nghi ngờ đó là một tín hiệu ET.” Xin mời đọc tiếp.

“Chúng ta phải làm theo phương pháp khoa học, nhưng tôi hết sức nghi ngờ đó là một tín hiệu ET.”

Một khẳng định chắc nịch. Hai nhà thiên văn học nghĩ rằng họ đã phát hiện các thông điệp được gửi đến không phải từ một nền văn minh ngoài địa cầu (ET), mà đến từ 234 ET.

Vào năm 2012, Ermanno Borra tại trường Đại học Laval ở Quebec, Canada, đề xuất rằng một nền văn minh ngoài địa cầu có thể sử dụng laser để truyền thông tin giữa các sao.  Nếu các sinh vật màu xanh bé nhỏ hướng một laser về phía Trái đất kiểu như một đèn chớp, thì chúng ta sẽ thấy các xung tuần hoàn trong quang phổ của ngôi sao chủ của họ. Các xung đó sẽ mờ nhạt và nhanh, nhưng phân tích toán học sẽ làm sáng tỏ chúng.

“Loại năng lượng cần thiết để phát ra tín hiệu này chẳng phải là điên rồ,” Borra nói. Công nghệ laser mà chúng ta có trên Trái đất ngày nay có thể phát ra loại tín hiệu đó.

Để kiểm tra một tín hiệu ET như vậy, Eric Trottier, sinh viên của Borra, đã săm soi dữ liệu từ 2,5 triệu ngôi sao ghi bởi Chương trình Khảo sát Bầu trời Số Sloan. Anh tìm thấy nó, với hình dạng y như trông đợi, ở 234 ngôi sao.

Đa số ngôi sao đó thuộc họ quang phổ giống mặt trời, theo Borra đây là cái ủng hộ cho quan điểm rằng dấu hiệu này là của sự sống ngoài hành tinh. Theo ông, 234 nền văn minh khác nhau đang hướng các xung laser có tính tuần hoàn giống nhau về phía Trái đất (arXiv.org/abs/1610.03031v1).

Borra và Trottier đã bác bỏ những lí giải khả dĩ khác cho hình ảnh thu được, kiểu như sự tạo xung nhanh trong khí quyển của chính các sao và ánh sáng phát ra từ các phân tử trong khí quyển của sao. “Chúng ta phải làm theo phương pháp khoa học, chứ không phải theo cảm xúc,” Borra nói. “Nhưng theo trực giác – theo cảm xúc của tôi lên tiếng – tôi hết sức nghi ngờ đây là một tín hiệu ET.”

Những người khác thì cho rằng trực giác của Borra đã đi quá xa.

“Họ chưa xét hết mỗi khả năng tự nhiên mà đã hấp tấp chuyển sang kết luận siêu nhiên – nếu có thể nói vậy,” phát biểu của Peter Plavchan tại Đại học Missouri ở Springfield.

“Trong lĩnh vực thiên văn vật lí quan trắc, có lẽ không có khẳng định nào táo bạo hơn việc khám phá sự sống thông minh ngoài Trái đất,” phát biểu của Andrew Siemion, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu SETI tại Đại học California, Berkeley. “Anh không thể đưa ra những phát biểu dứt khoát như vậy, trừ khi anh đã loại trừ mọi ý nghĩa khả dĩ khác.”

Đây chính là cái mà sáng kiến Breakthrough Listen (Lắng nghe Đột phá) – một dự án do Siemion chỉ đạo nhằm tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống thông minh ngoài Trái đất – sẽ làm. Đội đã lên kế hoạch quan sát một số ngôi sao từ mẫu của Borra với kính thiên văn 2,4 m Máy tìm kiếm Hành tinh Tự động tại Đài thiên văn Lick ở California.

Borra cảm thấy hào hứng khi thấy những người khác cũng tham gia cuộc chơi. Trong một thông cáo, họ xếp phát hiện trên ở mức 0 đến 1, hay là vô nghĩa, trên Thang Rio 10 điểm cho tầm quan trọng của các quan trắc SETI.

Siemion cho rằng các hình ảnh quang phổ thu được có khả năng nhất là do sai số trong chế tạo hoặc phân tích dữ liệu. Và Plavchan tán thành ý kiến này. Ông chỉ ra một vài bước trong phép phân tích dữ liệu của đội Borra ‘khiến ông thấy sợ’ vì họ chẳng xét xem những bước đó có thể ảnh hưởng đến kết quả như thế nào – một thẻ đỏ dành cho bất kì khẳng định nào. Theo ông, tín hiệu đó có khả năng là do sai số chủ quan.

“Tìm kiếm một tín hiệu chẳng phải là ý tưởng tồi, chỉ có điều là họ đã chẳng làm tốt công việc của mình,” Plavchan nói.

Tuy nhiên, có một tia hi vọng. Lịch sử thiên văn học có đầy các thí dụ của một tín hiệu không tưởng đưa đến việc khám phá những vật thể mới, như trường hợp các pulsar chẳng hạn, Siemion nói. Nếu không phải do sai số chủ quan, thì tín hiệu đó có thể hướng đến một khám phá trong thiên văn vật lí học.

Nguồn: Shannon Hall – New Scientist, số ngày 22/10/2016

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm