Những điều cần biết về nguyên tố hydrogen

Hiệp Khách Quậy Hydrogen là nguyên tố dồi dào nhất trong vũ trụ. Những nguyên tố nặng hơn ban đầu được tạo ra từ các nguyên tử hydrogen và hoặc từ những nguyên tố khác ban đầu được tạo ra từ các nguyên tử hydrogen. Xin mời đọc tiếp.

Số nguyên tử: 1

Trọng lượng nguyên tử: 1,00794

Kí hiệu nguyên tử: H

Điểm nóng chảy: - 259,34 oC

Điểm sôi: - 252,87 oC

Nguồn gốc tên gọi: Từ hydrogen có xuất xứ từ tiếng Hi Lạp hydro (nước) và genes (tạo ra).

Khám phá: Hydrogen được ghi nhận là một chất riêng vào năm 1776 bởi Henry Cavendish.

Nguyên tử hydrogen

Nguyên tử hydrogen có một proton và một electron

Tính chất của hydrogen

Hydrogen là nguyên tố dồi dào nhất trong vũ trụ. Những nguyên tố nặng hơn ban đầu được tạo ra từ các nguyên tử hydrogen và hoặc từ những nguyên tố khác ban đầu được tạo ra từ các nguyên tử hydrogen.

Ước tính hydrogen chiếm hơn 90% tổng số nguyên tử - tương đương ba phần tư khối lượng của vũ trụ. Nguyên tố này giữ một phần vai trò quan trọng trong việc cấp nguồn cho vũ trụ qua phản ứng proton-proton và chu trình carbon-nitrogen. Quá trình nhiệt hạch hydrogen trong các sao làm giải phóng những lượng năng lượng khổng lồ bằng cách kết hợp hydrogen thành helium.

Hydrogen là thành phần cấu tạo chủ yếu của Mộc tinh và những hành tinh khí khổng lồ khác trong hệ mặt trời. Ở một độ sâu nhất định bên trong lõi của hành tinh khí, áp suất lớn đến mức hydrogen phân tử rắn bị biến đổi thành hydrogen kim loại rắn.

Mặc dù hydrogen tinh khiết là một chất khí, nhưng có rất ít hydrogen trong khí quyển Trái đất. Chất khí hydrogen quá nhẹ nên chưa kịp kết hợp đã thu đủ vận tốc từ sự va chạm với những chất khí khác và chúng sẽ nhanh chóng bị phóng thích ra khỏi khí quyển.

Trên Trái đất, hydrogen xuất hiện chủ yếu ở dạng hợp chất với oxygen trong nước, nhưng nó còn có mặt trong vật chất hữu cơ ví dụ như thực vật sống, dầu mỏ và than đá. Nó có mặt dưới dạng nguyên tố tự do trong khí quyển, nhưng chiếm chưa tới một phần triệu tính theo thể tích. Nhẹ nhất trong các chất khí, hydrogen kết hợp với những nguyên tố khác – thỉnh thoảng gây nổ - để tạo ra các hợp chất.

Công dụng của hydrogen

Khoảng 85 triệu mét khối hydrogen được sản xuất mỗi năm ở nước Mĩ. Hydrogen được sản xuất bằng cách:

  • Bay hơi trên carbon nóng
  • Dùng nhiệt phân li những hydrocarbon nhất định
  • Phản ứng của sodium hoặc potassium hydroxide trên nhôm
  • Điện phân nước
  • Cho những kim loại nhất định phản ứng với acid

Thị trường thương mại cần những lượng lớn hydrogen để sản xuất phân bón và hydro hóa các chất béo và dầu. Những lượng lớn hydrogen được sử dụng trong sản xuất methanol và trong lọc dầu. Những công dụng khác bao gồm nhiên liệu tên lửa, hàn, sản xuất acid hydrochloric, tuyển quặng kim loại và bơm khinh khí cầu.

Hydrogen lỏng có tầm quan trọng trong ngành nhiệt lạnh và nghiên cứu sự siêu dẫn, vì điểm nóng chảy của nó chỉ là 20 độ trên không độ tuyệt đối.

Pin nhiên liệu hydrogen là một công nghệ đang được phát triển sẽ cho phép thu được những lượng lớn điện năng, sử dụng một nguồn khí hydrogen.

Chevy Equinox

Sơ đồ pin nhiên liệu và các bình hydrogen trong xe Chevy Equinox. Ảnh: General Motors.

Các đồng vị của hydrogen

Đồng vị bình thường của hydrogen được gọi là protium. Hydrogen có hai đồng vị khác nữa: deuterium và tritium. Hydrogen là nguyên tố duy nhất có các đồng vị có tên gọi khác nhau. Deuterium và tritium được dùng làm nhiên liệu trong các lò phản ứng nhiệt hạt nhân. Có một nguyên tử deuterium trong khoảng 6.000 nguyên tử hydrogen bình thường.

Deuterium được dùng làm chất điều tiết để làm chậm neutron. Các nguyên tử tritium cũng có mặt nhưng với tỉ lệ nhỏ hơn nhiều. Tritium được tạo ra đều đặn trong các lò phản ứng hạt nhân và được sử dụng trong sản xuất bom khinh khí (bom nhiệt hạch). Nó còn được dùng làm tác nhân phóng xạ trong nước sơn phát quang, và làm chất đánh dấu nguyên tử.

Nguồn: Los Alamos National Laboratory

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm