Hiệp Khách Quậy Sao chổi Halley là một trong những sao chổi nổi tiếng nhất. Nó là một sao chổi “tuần hoàn” và trở lại vùng phụ cận của Trái đất khoảng 75 năm một lần, cho nên người may mắn sẽ có cơ hội quan sát nó hai lần trong quãng đời mình. Lần gần đây nhất nó xuất hiện là vào năm 1986 và dự đoán nó sẽ trở lại vào... Xin mời đọc tiếp.
Sao chổi Halley là một trong những sao chổi nổi tiếng nhất. Nó là một sao chổi “tuần hoàn” và trở lại vùng phụ cận của Trái đất khoảng 75 năm một lần, cho nên người may mắn sẽ có cơ hội quan sát nó hai lần trong quãng đời mình. Lần gần đây nhất nó xuất hiện là vào năm 1986 và dự đoán nó sẽ trở lại vào năm 2061.
Ngôi sao chổi mang tên nhà thiên văn học người Anh Edmond Halley, người đã nghiên cứu số liệu ghi ghép của một sao chổi tiến đến Trái đất vào năm 1531, 1607 và 1682. Ông kết luận rằng ba sao chổi này thật ra là cùng một sao chổi xuất hiện nhiều lần, và dự báo nó sẽ xuất hiện trở lại vào năm 1758.
Halley không sống đến chứng kiến sự trở lại của sao chổi ấy, nhưng khám phá của ông đưa đến ngôi sao chổi được mang tên ông. Những tính toán của Halley cho thấy ít nhất có một số sao chổi quay xung quanh mặt trời.
Sao chổi Halley, ảnh chụp năm 1986 của NASA
Ngoài ra, lần xuất hiện đầu tiên của sao chổi Halley trong kỉ nguyên vũ trụ - năm 1986 – còn chứng kiến một vài phi thuyền tiếp cận vùng lân cận của nó để thu gom mẫu thành phần cấu tạo của nó. Các kính thiên văn năng suất cao cũng đã tập trung vào quan sát nó từ trên mặt đất.
Lịch sử
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, quan sát đầu tiên được biết của sao chổi Halley diễn ra vào năm 239 trước Công nguyên (tCN). Các nhà thiên văn người Trung Hoa đã ghi lại sự đi qua của nó trong các tác phẩm Shih Chi và Wen Hsien Thung Khao.
Khi sao chổi Halley trở lại vào năm 164 tCN và 87 tCN, có lẽ nó được lưu ý trong các ghi ghép của người Babylon nay được lưu trữ tại Bảo tàng Anh quốc ở London. “Những văn tự này có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển động quỹ đạo của sao chổi ấy trong thời cổ đại,” một bài báo trên tạp chí Nature từng nhận xét như thế.
Lần xuất hiện nổi tiếng nhất của Halley xảy ra không bao lâu trước cuộc xâm chiếm nước Anh năm 1066 của đội quân William. Người ta nói rằng Wiliam đã cảm thấy ngôi sao chổi báo trước sự thành công của ông. Dù sao thì sao chổi ấy đã được đưa vào Thảm thêu Bayeux để tôn vinh William.
Một đoạn của Thảm thêu Bayeux thể hiện sao chổi Halley xuất hiện vào năm 1066
Một lần xuất hiện khác của sao chổi Halley vào năm 1301 có lẽ đã truyền cảm hứng cho họa sĩ người Italy Giotto vẽ bức tranh ngôi sao Bethlehem trong “Tôn kính các vị đạo sĩ”, theo từ điển bách khoa Britannica.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn trong những thời đại này mỗi người xem sao chổi Halley là một sự kiện riêng. Các sao chổi thường được xem là điềm báo thảm họa hoặc biến cố.
Ngay cả khi Shakespeare viết vở kịch "Julius Caesar" vào khoảng năm 1600, chỉ 105 trước khi Edmond Halley tính được rằng ngôi sao chổi sẽ xuất hiện tuần hoàn, một cụm từ nổi tiếng đã nói các sao chổi là điềm báo: “Khi những kẻ ăn mày chết gục, không có sao chổi nào xuất hiện cả; Chính bầu trời báo hiệu sự ra đi của hoàng tử.”
Sự trở lại của Halley
Tuy nhiên, nền thiên văn học đã bắt đầu chuyển biến ngay vào thời Shakespeare. Nhiều nhà thiên văn thuộc thời đại của ông cho rằng Trái đất là trung tâm của hệ mặt trời, nhưng Nicolaus Copernicus – người đã mất khoảng 20 năm trước khi Shakespeare ra đời – đã công bố những kết quả chứng minh rằng trung tâm đó thật ra là mặt trời.
Mất vài thế hệ nữa thì những tính toán của Copernicus mới khẳng định vị thế trong cộng đồng thiên văn học, nhưng rồi khi đó chúng đã cung cấp một mô hình có sức mạnh lí giải các vật chuyển động trong hệ mặt trời và trong vũ trụ như thế nào.
Edmond Halley xuất bản cuốn “Toát yếu Thiên văn học Sao chổi” vào năm 1705, lập danh mục những cái ông tìm thấy từ việc nghiên cứu số liệu lịch sử 24 sao chổi xuất hiện gần Trái đất từ năm 1337 đến 1698. Ba trong số những quan sát này dường như rất giống nhau về quỹ đạo và những thông số khác, khiến Halley đề xuất rằng đó chính là một sao chổi đến viếng Trái đất nhiều lần.
Sao chổi đó xuất hiện vào năm 1531, 1607 và 1682. Halley đề xuất rằng chính sao chổi đó có thể trở lại Trái đất vào năm 1758. Ông đã không sống đủ lâu để chứng kiến sự trở lại của nó – ông qua đời vào năm 1742 – nhưng khám phá của ông đã truyền cảm hứng cho những người khác lấy tên của ông đặt cho sao chổi đó.
Vào mỗi hành trình tiến vào hệ mặt trời phía trong sau đó, các nhà thiên văn trên Trái đất lại hướng kính thiên văn của họ lên trời quan sát sao chổi Halley.
Lần đi qua vào năm 1910 đặc biệt ngoạn mục, khi Halley bay cách Trái đất khoảng 22,4 triệu km, bằng khoảng 1/15 khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời. Vào dịp đó, sao chổi Halley đã được chụp ảnh trên camera lần đầu tiên.
Theo tác giả Albert Bigelow Paine, nhà văn Mark Twain từng nói vào năm 1909 rằng “Tôi xuất hiện cùng với sao chổi Halley vào năm 1835. Nó sắp trở lại vào năm tới, và tôi đã sẵn sàng ra đi cùng với nó.” Twain qua đời vào ngày 21 tháng 4 năm 1910, một ngày sau điểm cận nhật, khi Halley ló ra từ phía bên kia của mặt trời.
Edmond Halley
Halley trong kỉ nguyên vũ trụ
Khi sao chổi Halley đi qua Trái đất vào năm 1986, lần đầu tiên chúng ta đã đưa phi thuyền vũ trụ lên tận nơi để nghiên cứu nó.
Đó là một dịp hiếm có, vì Halley không còn quan sát tốt từ trên Trái đất nữa. Khi sao chổi tiến đến gần Mặt trời nhất, nó ở phía bên kia mặt trời so với chúng ta – nên nó là một vật thể mờ nhạt và xa xôi, ở cách Trái đất chừng 39 triệu dặm.
Một vài phi thuyền vũ trụ đã bay thành công đến với Halley. Đội tàu này thỉnh thoảng được gọi là “Hạm đội Halley”. Hai tàu khảo sát hợp tác Liên Xô/Pháp (Vega 1 và 2) đã bay qua ở cự li gần, với một trong hai phi thuyền lần đầu tiên đã chụp được ảnh của vùng lõi hay nhân của Halley.
Phi thuyền Giotto của Cơ quan Vũ trụ châu Âu còn tiến gần nhân hơn nữa, truyền về Trái đất những hình ảnh ngoạn mục. Nhật Bản đã đưa hai phi thuyền của riêng họ (Sakigake và Suisei) cũng thu được thông tin về Halley.
Ngoài ra, Tàu khảo sát Sao chổi Quốc tế của NASA (phi thuyền đã ở trên quỹ đạo kể từ năm 1978) đã chụp được ảnh của Halley từ cự li 28 triệu km.
“Ngôi sao chổi nổi tiếng nhất trong mọi sao chổi này nhận được sự chú ý chưa có tiền lệ là chuyện lẽ thường, nhưng quy mô thật sự của sự quan tâm ấy khiến đa số những người có liên quan đều thấy bất ngờ,” NASA phát biểu trong một thông báo hồi năm 1986.
Thật đáng tiếc, các nhà du hành trên sứ mẹnh STS-51L của tàu con thoi Challenger cũng đã được lên lịch nhìn ngắm qua kính thiên văn khi họ ở trên quỹ đạo, nhưng họ không bao giờ có cơ hội nữa. Tàu con thoi đã nổ khoảng 2 phút sau khi phóng lên vào ngày 28 tháng 1 năm 1986, do trục trặc tên lửa.
Còn nhiều thập niên nữa Halley mới trở lại gần Trái đất, nhưng trong thời gian chờ đợi bạn có thể nhìn ngắm những mảnh vụn của nó hàng năm. Mưa sao băng Orionid, do những mảnh vụn của Halley gây ra, xảy ra vào tháng 10 hàng năm. Halley còn gây ra một cơn mưa sao băng vào tháng 5, gọi là mưa sao băng Eta Aquarids.
Khi Halley quét qua Trái đất vào năm 2061, ngôi sao chổi sẽ ở cùng một phía với Trái đất bên mặt trời và sẽ sáng hơn nhiều so với hồi năm 1986.
Một nhà thiên văn đã dự đoán nó có thể có độ sáng biểu kiến – 0,3. Như vậy là tương đối sáng. Biết rằng ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Trái đất là Sirius với độ sáng – 1,4 khi nhìn từ Trái đất (con số càng nhỏ thì sao càng sáng).
— Elizabeth Howell, Space.com
Trần Nghiêm dịch