Hiệp Khách Quậy Nếu Iran thật sự đã đưa một con khỉ lên vũ trụ, thì quốc gia này đang đi theo một lộ trình giống như nước Mĩ hồi buổi đầu của chương trình vũ trụ Mĩ. Xin mời đọc tiếp.
Nếu Iran thật sự đã đưa một con khỉ lên vũ trụ, thì quốc gia này đang đi theo một lộ trình giống như nước Mĩ hồi buổi đầu của chương trình vũ trụ Mĩ.
Hôm 28 tháng 1, Iran công bố đã phóng thành công một con khỉ sống trên một chuyến bay vũ trụ và thu lại con khỉ đó vẫn còn sống sau khi tiếp đất. Động thái trên là một khúc dạo đầu để đưa con người vào vũ trụ, cái phía Iran hi vọng sẽ làm được vào năm 2020.
Iran và Mĩ bất đồng với nhau về nhiều vấn đề, nhưng cả hai nước đều xem khỉ là đối tượng du hành vũ trụ đáng thử nghiệm. Mĩ là nước đầu tiên từng phóng một con linh trưởng, đưa một con khỉ rhesus tên là Albert lên độ cao 63 km trên tên lửa V2 vào tháng 6 năm 1948.
Iran tuyên bố đã đưa thành công con khỉ này lên vũ trụ. Ảnh: Iran State TV
Vào thời ấy, người ta biết rất ít về những tác động sinh lí của sự du hành vũ trụ. Một số nhà khoa học cho rằng hệ tuần hoàn của nhà du hành sẽ ngừng hoạt động trong môi trường không trọng lượng, gây ra cái chết gần như tức thời. Cho nên các nhà nghiên cứu muốn đưa một số con vật tương đối lớn vào vũ trụ để xem chúng có tình trạng như thế nào.
Albert đã chết vì nghẹt thở trong chuyến bay của nó, và một số đạo hữu linh trưởng của nó cũng bị hiến tế cho khoa học trong những năm tiếp theo.
Một con khỉ rhesus khác tên là Albert II, chẳng hạn, đã trở thành con linh trưởng đầu tiên đi tới không gian vũ trụ, thu được độ cao 134 km trên một tên lửa V2 khác vào tháng 6 năm 1949. Nó sống sót sau khi tên lửa phóng lên nhưng rồi “tiêu tùng” sau khi cái dù bị trục trặc làm thiết bị chứa nó lao mạnh xuống đất.
Albert III và IV chết trong sứ mệnh của chúng vào cuối năm 1949, và Albert V lại thiệt mạng vì một cái dù hỏng khác vào năm 1951. Albert VI, còn gọi là Yorick, sống sót trong chuyến bay năm 1951 của nó, mặc dù nó chỉ lên tới độ cao 72 km – thấp hơn đáng kể so với ranh giới với không gian bên ngoài thường được chấp nhận là 100 km.
Yorick chết lúc vài giờ sau khi tiếp đất, có lẽ do sức ép nhiệt mà nó phải chịu khi nó ngồi bên trong thiết bị chật hẹp dưới cái nắng New Mexico gay gắt, chờ đội cứu hộ đến nơi.
Nước Mĩ đã ghi được một mốc son vào tháng 5 năm 1959, cuối cùng họ đã thu lại hai con linh trưởng còn sống sau một chuyến bay vũ trụ. Một con khỉ rhesus tên là Able và một con khỉ lông sóc tên là Baker đã đạt tới độ cao 483 km trên một tên lửa Jupiter và không bị tổn thương gì. (Đáng tiếc, nàng Able đã chết vài ngày sau đó trong một ca phẫu thuật để lấy ra một điện cực bên dưới da của nó).
Khi chương trình vũ trụ có con người của Mĩ bắt đầu tăng tốc, nước này đã bắt đầu làm thí nghiệm với tinh tinh, loài có kích cỡ lớn hơn và có liên hệ gần gũi với con người hơn so với khỉ rhesus, khỉ lông sóc hay những con khỉ khác.
Nước Mĩ đưa một con tinh tinh tên là Ham vào một chuyến bay vũ trụ bán quỹ đạo vào ngày 31 tháng 1, 1961. Ham đi tới độ cao 253 km trong một chuyến bay kéo dài 16,5 phút và đã trở về nguyên vẹn, mặc dù hơi bị mất nước. Với thành công này trong tay, Alan Shepard đã cất cánh thành công trên chuyến bay bán quỹ đạo vào ngày 5 tháng 5, 1961, trở thành người Mĩ đầu tiên – và là người thứ hai, sau nhà du hành người Liên Xô Yuri Gagarin – từng bay vào vũ trụ.
Một con tinh tinh tên là Enos đã bay vòng quanh Trái đất vào ngày 29 tháng 11, 1961, lát đường cho chuyến bay quỹ đạo lịch sử của John Glenn vào ngày 20 tháng 2, 1962. (Một lần nữa, nước Mĩ lại chậm chân trước Liên Xô: Gagarin đã bay vòng quanh hành tinh chúng ta vào ngày 12 tháng 4, 1961.)
Sau khi đã rõ ràng là con người thật sự có thể sống sót trong chuyến bay vũ trụ, những con khỉ và linh trưởng bắt đầu lùi vào hậu trường. Nước Mĩ tiếp tục đưa động vật lên quỹ đạo cho các thí nghiệm khoa học nhưng chủ yếu tập trung vào những sinh vật nhỏ như chuột và côn trùng, chúng dễ chăm sóc hơn và ít tốn chỗ hơn (mặc dù hai con khỉ lông sóc đã bay cùng sứ mệnh STS-51-B của tàu con thoi vũ trụ Challenger vào tháng 4-5, 1985.)
Đối thủ kình địch của nước Mĩ, Liên Xô, ban đầu sử dụng chó để thử nghiệm, vì họ nghĩ rằng loài chó thì ít cựa quậy hơn loài khỉ.
Liên Xô đưa những con chó đầu tiên của họ lên vũ trụ vào năm 1951. Nước này nổi tiếng thành công trong việc đưa con vật đầu tiên – một con chó tên là Laika – lên quỹ đạo trên phi thuyền vũ trụ Sputnik 2 vào tháng 11, 1957. (Laika đã chết trong chuyến bay đó.)
Mặc dù tập trung vào loài chó, nhưng Liên Xô và nước Nga sau này thật sự có đưa một số con khỉ rhesus lên vũ trụ trong thập niên 1980 và 1990, là một phần của một chương trình gọi là Bion. Nước Pháp cũng đưa hai con khỉ đuôi lợn lên vũ trụ bán quỹ đạo vào năm 1967.
Lần phóng tên lửa mới đây của Iran không phải là nỗ lực đầu tiên của nước này nhằm đưa một con khỉ lên vũ trụ. Một lần phóng trước đây trong năm 2011 đã không thành công.
Nguồn: Space.com