Hiệp Khách Quậy Mọi người đều thích có ngày nghỉ cuối tuần thật dài, và ngày hôm nay đã chính thức dài hơn một giây so với bình thường. Một giây bổ sung, hay giây “nhuận”, đã được thêm vào lúc nửa đêm 30 tháng 6, 2012 giờ UTC (tức 7 giờ sáng 1 tháng 7, giờ VN) để bù lại cho thực tế là Trái đất ngày càng mất nhiều thời... Xin mời đọc tiếp.
Mọi người đều thích có ngày nghỉ cuối tuần thật dài, và ngày hôm nay đã chính thức dài hơn một giây so với bình thường. Một giây bổ sung, hay giây “nhuận”, đã được thêm vào lúc nửa đêm 30 tháng 6, 2012 giờ UTC (tức 7 giờ sáng 1 tháng 7, giờ VN) để bù lại cho thực tế là Trái đất ngày càng mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất một vòng quay, hay một ngày mặt trời. Một giây thì chẳng có gì to tát, nhưng giây bổ sung thêm đó sẽ đảm bảo cho các đồng hồ nguyên tử của chúng ta giữ đồng bộ với chu kì quay của Trái đất.
Như vậy, thay vì chuyển từ 23:59:59 hôm 30 tháng 6 sang 00:00:00 hôm 1 tháng 7, đồng hồ chính thức sẽ thêm một giây bổ sung lúc 23:59:60.
>> Năm 2012 cũng sẽ có một giây nhuận
Khoảng một năm rưỡi trôi qua, người ta lại bổ sung thêm một giây vào Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) và các đồng hồ trên khắp thế giới. Kể từ năm 1972, tổng cộng có 24 giây đã được thêm vào. Điều này có nghĩa là Trái đất đã chuyển động chậm đi 24 giây so với đồng hồ nguyên tử kể từ đó.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngày lúc này đã dài hơn 24 giây, mà chỉ có nghĩa là những ngày có thêm giây nhuận sẽ có 86.401 giây thay vì 86.400 như thông thường.
Giây nhuận này bổ sung để khớp với thực tế là chuyển động quay của Trái đất xung quanh trục của nó, cái xác định chiều dài của một ngày, chậm dần đi theo thời gian trong khi các đồng hồ nguyên tử chúng ta dùng để đo thời gian lại gõ nhịp hầu như cùng một tốc độ trong hàng triệu năm trời.
Theo MacMillan, một nhà khoa học tại Trung tâm NASA Goddard, “Vào thời đại khủng long, Trái đất quay một vòng trong khoảng 23 giờ đồng hồ. Vào năm 1820, một vòng quay mất chính xác 24 giờ, hay 86.400 giây chuẩn. Kể từ năm 1820, ngày mặt trời trung bình đã tăng lên khoảng 2,5 milli giây.”
Vào thập niên 1950, các nhà khoa học đã nhận ra rằng một số phép đo khoa học và công nghệ đòi hỏi có đồng hồ đo chính xác hơn hơn chuyển động quay của Trái đất có thể mang lại. Vì thế, vào năm 1967, họ đã chính thức thay đổi định nghĩa của một giây. Nó không còn được xây dựng trên chiều dài của một ngày nữa mà dựa trên một phép đo có thể dự đoán cực kì chính xác của những chuyển tiếp điện từ ở nguyên tử cesium. Những “đồng hồ nguyên tử” xây dựng trên casium này chính xác đến một giây trong 1.400.000 năm. Đa số mọi người trên thế giới sử dụng giờ chuẩn xây dựng trên nguyên tử cesium: Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC).
123physics – thuvienvatly.com
Nguồn: NASA, TimeandDate.com