Hiệp Khách Quậy Alexander Graham Bell sinh ngày 3 tháng 3, 1847, ở Edinburgh, Scotland, và tốt nghiệp trường đại học Edinburgh và London. Ông di cư sang Canada năm 1870 và đến Mĩ năm 1871. Ở Mĩ, ông bắt đầu dạy cho những người câm điếc, quảng bá cái gọi là hệ thống giọng nói có thể nhìn thấy. Hệ thống đó do cha của... Xin mời đọc tiếp.
Alexander Graham Bell sinh ngày 3 tháng 3, 1847, ở Edinburgh, Scotland, và tốt nghiệp trường đại học Edinburgh và London. Ông di cư sang Canada năm 1870 và đến Mĩ năm 1871. Ở Mĩ, ông bắt đầu dạy cho những người câm điếc, quảng bá cái gọi là hệ thống giọng nói có thể nhìn thấy. Hệ thống đó do cha của ông phát triển, nhà giáo dục người Scotland Alexander Melville Bell. Hệ thống cho biết làm thế nào sử dụng môi, lưỡi và thanh quản để phát ra âm thanh.
Năm 1872, Bell thành lập một trường học dành cho trẻ câm điếc ở Boston, Massachusetts. Ngôi trường về sau trực thuộc trường Đại học Boston, nơi Bell được bổ nhiệm là giáo sư sinh lí học phát âm. Ông trở thành công dân Mĩ vào năm 1882.
Từ năm 18 tuổi, Bell bắt đầu nghiên cứu ý tưởng truyền giọng nói. Vào năm 1874, trong khi đang nghiên cứu máy điện báo, ông đã phát triển những ý tưởng cơ bản cho điện thoại. Những thí nghiệm của ông cùng với người trợ lí Thomas Watson cuối cùng đã thành công vào hôm 10 tháng 3, 1876, khi câu nói hoàn chỉnh đầu tiên được truyền đi: “Watson, tới đây đi; tôi muốn anh tới đây.” Những minh chứng sau đó, nhất là lần trình diễn tại Triển lãm Lễ kỉ niệm Trăm năm 1876 ở Philadelphia, Pennsylvania, đã giới thiệu điện thoại với toàn thế giới.
Hình minh họa Alexander Graham Bell đang làm việc cùng người trợ lí, ông Watson, về phát minh ra điện thoại. Câu nói đầu tiên được truyền đi vào hôm 10 tháng 3, 1876: “Watson, come here; I want to see you”.
Ông đã cải tiến các kết quả với một loạt thí nghiệm trong những tháng tiếp sau đó, trong đó có một thử nghiệm quan trọng với thiết bị này vào hôm 26 tháng 11. Ngày hôm đó, ông đã truyền âm thanh nghe rõ ràng trên một sợi dây nối giữa Cambrige và Salem, Massachusetts. Thiết kế này, dùng cho máy phát và máy thu, đã trở thành chuẩn cho các thiết bị thương mại vào năm 1877.
Năm 1877, Bell và các nhà phát minh Gardiner Hubbard và Thomas Sanders đã thành lập Công ti Điện thoại Bell để điều hành những cuộc gọi điện thoại nội hạt. Năm 1882, American Bell giành được nhiều cổ phần trong Công ti Điện Western, biến nơi đây thành một đơn vị sản xuất của hãng. Công ti Điện thoại và Điện báo Nước Mĩ sáp nhập vào hôm 3 tháng 3, 1885, đi vào xây dựng và điều hành mạng lưới điện thoại đường dài buổi đầu.
Alexander Graham Bell (1847 – 1922)
Năm 1880, nước Pháp tặng Bell Giải thưởng Volta, trị giá 50.000 franc, cho phát minh của ông. Với số tiền này, ông đã thành lập Phòng thí nghiệm Volta ở thủ đô Washington. Tại cơ sở mới thành lập này, cũng trong năm 1880, ông và các phụ tá đã phát minh ra photophone, máy truyền giọng nói bằng tia sáng. Những phát minh khác gồm có thính lực kế, dùng để hỗ trợ nghe; cân cảm ứng, dùng để định vị các vật kim loại trong xương người; và loại đĩa hát dạng trụ đầu tiên, giới thiệu vào năm 1886. Đĩa trụ của ông, cùng với đĩa hát phẳng, đã đặt nền tảng cho máy hát đĩa hiện đại.
Sau năm 1895, niềm đam mê của Bell chủ yếu chuyển sang hàng không học. Nhiều phát minh của ông trong lĩnh vực này đã được thử nghiệm lần đầu tiên ở gần ngôi nhà nghỉ hè của ông tại Baddeck trên đảo Cape Breton ở Nova Scotia, Canada. Nghiên cứu của ông về chuyển động bay bắt đầu với việc chế tạo những con diều cỡ lớn, và vào năm 1907 ông đã nghĩ ra một con diều có khả năng chở theo một người. Với một nhóm trợ lí, trong đó có nhà phát minh và nhà hàng không học người Mĩ, Glenn Hammond Curtiss, Bell đã phát triển cánh nhỏ, một bộ phận có thể cử động của cánh máy bay khống chế sự tròng trành lúc bay. Họ còn phát triển bánh răng tiếp đất ba bánh, lần đầu tiên giúp máy bay cất cánh và hạ cánh trên đường băng.
Con diều yêu thích của Bell là diều tứ diện. Con diều đồ sộ trong hình được làm bằng lụa và gỗ. Ông đặt tên cho nó là Vua Sương. Một hôm nọ, một trong những người trợ lí của ông bất ngờ được nâng lên gần 12 m trong không khí. Khi chứng kiến như vậy, Bell biết rằng ông đã sắp đạt tới ước mơ của mình.
Áp dụng các nguyên lí hàng không học cho sức đẩy dưới nước, nhóm của ông bắt đầu nghiên cứu những con tàu có thiết bị nâng thân tàu, giúp chúng bay lướt trên mặt nước ở tốc độ cao. Chiếc tàu bay cuối cùng của ông được phát triển vào năm 1917, đạt tới tốc độ quá 113 km/h và trong nhiều năm là con tàu nhanh nhất trên thế giới. Ông qua đời vào ngày 2 tháng 8, 1922, tại Baddeck, nơi hiện nay có một nhà bảo tàng do chính phủ Canada lập để bảo quản nhiều trong số những phát minh gốc của ông.
Trần Nghiêm – thuvienvatly.com