Hiệp Khách Quậy Phobos-Grunt là một phi thuyền do cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos phóng lên. Nó dự kiến hạ cánh lên Phobos, một trong hai vệ tinh của sao Hỏa, để thu gom mẫu đất, kiểm tra khí quyển và tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trước khi quay về trái đất. Nó mang theo một hộp nhỏ đựng vi sinh vật, dự định kiểm tra... Xin mời đọc tiếp.
Phobos-Grunt là gì?
Phobos-Grunt là một phi thuyền do cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos phóng lên. Nó dự kiến hạ cánh lên Phobos, một trong hai vệ tinh của sao Hỏa, để thu gom mẫu đất, kiểm tra khí quyển và tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trước khi quay về trái đất. Nó mang theo một hộp nhỏ đựng vi sinh vật, dự định kiểm tra xem chúng sẽ ứng phó như thế nào với sự du hành không gian đường dài.
Tại sao nó rơi trở xuống trái đất?
Phi thuyền nặng 13 tấn đã rời Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan hồi tháng 11 trên một tên lửa Zenit. Nhưng may mắn đã không mỉm cười lâu với các nhà khoa học.
Những tên lửa đầy dự kiến dùng để đưa phi thuyền vào quỹ đạo lên sao Hỏa đã không đánh lửa được, khiến phi thuyền bị mắc cạn trong quỹ đạo trái đất tầm thấp. Các nhà điều hành vũ trụ Nga đã chiến đấu để lập lại liên lạc với phi thuyền mà không thành công. Hiện nay nó đang bị hút về phía trái đất.
Phi thuyền Phobos-Grunt trước khi phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur
Trục trặc là do đâu?
Người ta nghĩ một số bộ phần dùng trong phi thuyền, đã bắt đầu xây dựng từ năm 1999, đã sắp hết hạn sử dụng. Nhưng lãnh đạo cơ quan Roscosmos ám chỉ đến sự phá hoại của nước ngoài.
“Hiện nay, không rõ vì sao đơn vị đẩy trên Phobos-Grunt đã không khởi động được”, Vladimir Popovkin phát biểu với tờ Izvestia. “Tôi không muốn kết tội cho ai, nhưng ngày nay có những thiết bị mạnh làm ảnh hưởng đến phi thuyền vũ trụ, và khả năng sử dụng chúng không nên bị loại trừ.”
Phi thuyền sẽ rơi xuống đâu?
Nó sẽ đi vào khí quyển trái đất sau giữa trưa ngày chủ nhật, và sẽ được theo dõi bởi các chuyên gia người Anh tại RAF Fylingdales ở North Yorkshire.
Đường bay hiện nay của nó sẽ mang nó xuống giữa 51,4 độ nam hoặc bắc của xích đạo – đâu đó thuộc phía nam Watford và phía bắc quần đảo Falkland, và kể cả những thành phố lớn trên thế giới. Các nhà khoa học tin rằng có khả năng nó sẽ rơi xuống biển.
“Chắc chắn tôi chẳng cần thức thâu đêm lo lắng về khả năng mảnh vỡ vũ trụ lao xuyên qua mái nhà của mình,” phát biểu của Richard Crowth, kĩ sư trưởng tại Cơ quan Vũ trụ Anh. “Chẳng có gì bất ngờ khi mà chúng ta không hề thấy những sự đi vào khí quyển như thế này xảy ra, mặc dù chúng xảy ra hàng ngày, vì chủ yếu chúng xảy ra trên các đại dương hoặc vào lúc ban đêm hoặc bên dưới những đám mây.”
Còn lại gì để thấy hay không?
Phi thuyền sẽ bắt đầu vỡ ra khi cách trái đất 50 dặm. Thông thường, trong một lần tiếp đất, chưa tới 10-40% chất liệu còn sót lại để mà rơi tới đất, nhưng trong trường hợp Phobos-Grunt, có khả năng con số đó là nhỏ hơn do những lượng lớn nhiên liệu tên lửa chưa sử dụng gắn trên phi thuyền sẽ bốc cháy.
Có tới 30 mảnh vỡ nhỏ cân nặng tổng cộng khoảng 200kg có thể rơi tới đất, các nhà khoa học tin như vậy.
Khối vật liệu đó sẽ đi vào một góc rất cạn – thường chưa tới 1 độ - làm rơi vãi các mảnh vỡ trên một vết hẹp, dài tới 200km.
Có phi thuyền nào rơi trước đây không?
Khá thường xuyên. NASA tin rằng có khoảng 50 mảnh vỡ vũ trụ cân nặng hơn một tấn đi vào khí quyển mỗi năm.
Vệ tinh 5 tấn UARS của NASA đã rơi xuống trái đất hồi tháng 9, và một nhà nhiếp ảnh thiên văn nghiệp dư đã chụp được ảnh của nó trên bầu trời nước Pháp.
Phi thuyền nghiên cứu Skylab đã đi vào khí quyển trái đất hồi năm 1979, và gieo rắc các mảnh vỡ trên một diện tích rộng thuộc miền tây Australia.
Sputnil 2 lao xuống trái đất hồi năm 1958, đi từ New York đến Amazon trong mười phút, để lại một vệt sáng trên bầu trời đêm.
Có ai bị nguy hiểm không?
NASA tin rằng chưa từng có ai bị thương do một mảnh vỡ vũ trụ rơi xuống trái đất – và được biết xác suất để một người bị mảnh vỡ Phobos-Grunt lao trúng là rất nhỏ.
Hoài Ân – thuvienvatly.com
Theo Telegraph