Hàng trăm mặt trăng nhỏ đang quay xung quanh Trái đất

Hiệp Khách Quậy Mặt trăng trông có vẻ đơn độc, nhưng nó không hề cô đơn. Những tiểu hành tinh nhỏ quá mờ nhạt để phát hiện ra dường như vẫn ở trong quỹ đạo xung quanh Trái đất khá thường xuyên và ở lại trong những khoảng thời gian ngắn. Chúng... Xin mời đọc tiếp.

Mặt trăng trông có vẻ đơn độc, nhưng nó không hề cô đơn. Những tiểu hành tinh nhỏ quá mờ nhạt để phát hiện ra dường như vẫn ở trong quỹ đạo xung quanh Trái đất khá thường xuyên và ở lại trong những khoảng thời gian ngắn. Chúng ta thậm chí còn có thể mang một trong những mặt trăng nhỏ đó xuống Trái đất để nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu lâu nay ngờ vực rằng những tiểu hành tinh lang thang có thể thỉnh thoảng bị bắt giữ bởi trường hấp dẫn của Trái đất và tạm thời trở thành mặt trăng nhỏ, và vài năm trước đây một trong những mặt trăng nhỏ này đã được phát hiện. Tên gọi là 2006 RH120, nó có bề ngang chỉ vài mét và đi lạc vào quỹ đạo xung quanh Trái đất hồi tháng 7 năm 2006 trước khi trôi giạt ra trở lại một năm sau đó.

Thoạt đầu, một số người tưởng rằng nó là một tầng tên lửa bị bỏ lại. Nhưng Paul Chodas thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NSSA ở Pasadena, California, đã phân tích chuyển động của nó và chứng minh rằng nó quá nặng để là một tầng tên lửa, nên lời giải thích tiểu hành tinh là có khả năng hơn. Nhưng không rõ những tiểu hành tinh như thế bị bắt giữ thường xuyên cỡ nào. Nay những tính toán mới cho thấy nhiều mặt trăng tạm thời khác đang quay xung quanh Trái đất, nhưng chúng quá nhỏ và mờ nhạt để dễ dãng phát hiện ra bằng những phương tiện khảo sát bầu trời.

 Hành tinh của chúng ta thường xuyên bắt giữ những tiểu hành tinh nhỏ chuyển động trong quỹ đạo của chúng xung quanh chúng ta

Hành tinh của chúng ta thường xuyên bắt giữ những tiểu hành tinh nhỏ chuyển động trong quỹ đạo của chúng xung quanh chúng ta. (Ảnh: Detlev van Ravenswaay)

Mikael Granvil thuộc trường Đại học Helsinki ở Phần Lan cùng các đồng nghiệp đã cho chạy những chương trình mô phỏng trên máy tính của sự dồi dào tiểu hành tinh có kích cỡ khả năng trong vùng lân cận của Trái đất và khả năng chúng bị bắt giữ trong một cuộc chạm trán cự li gần.

Để bị bắt giữ, trước tiên vật thể phải đi vào một quỹ đạo gần như giống hệt với quỹ đạo của Trái đất. Điều đó có nghĩa là nó đang chuyển động ở tốc độ ngang ngửa với hành tinh của chúng ta, khiến nó dễ bị trường hấp dẫn của Trái đất thu giữ, với sự hỗ trợ của lực kéo giật hấp dẫn từ phía mặt trời và mặt trăng. Những nhiễu loạn tương tự cuối cùng sẽ làm cho chúng thoát ra.

Đội nghiên cứu tìm thấy, tính trung bình, một tiểu hành tinh bề ngang khoảng 1 mét sẽ ở trong quỹ đạo của Trái đất tại một thời điểm cho trước bất kì, và chừng 1000 mảnh đá vũ trụ nhỏ hơn kích cỡ xuống tới 10 centi mét cũng sẽ có mặt trong quỹ đạo (Icarus, DOI: 10.1016/j.icarus.2011.12.003). “Số lượng những mảnh đá này nhiều hơn rất nhiều so với người ta vẫn nghĩ,” Granvik nói.

Bán kính quỹ đạo của chúng gấp 5 đến 10 lần khoảng cách từ Mặt trăng đến Trái đất. Đa số ở lại trong quỹ đạo chưa tới một năm, mặc dù một số ở lại lâu hơn nhiều. Một vật thể trong mô phỏng của đội nghiên cứu ở lại trong quỹ đạo gần 900 năm trời.

Biết số lượng mảnh đá vũ trụ nhỏ ở ngoài kia là rất lớn, nên việc Trái đất bắt giữ một số mảnh trong số chúng hết lần này đến lần khác là chuyện bình thường, phát biểu của Richard Binzel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, người không liên quan gì đến nghiên cứu trên. “Sẽ có chút bất ngờ nếu rốt cuộc lại không có chúng ở đó đấy chứ,” ông nói.

Có khả năng một số mặt trăng nhỏ như thế đã từng được những người nhìn ngắm bầu trời phát hiện ra, nhưng chúng bị bỏ qua vì người ta nghĩ chúng là những vệ tinh nhân tạo hay những mảnh vỡ phi thuyền. Những cuộc khảo sát trong tương lai với kính thiên văn Pan-Starrs và Kính thiên văn Khảo sát Tổng quát Lớn đã được lên kế hoạch có khả năng phát hiện ra những vật thể nhỏ, mờ nhạt đó một cách dễ dàng hơn.

Nếu chúng ta có thể tìm thấy một mặt trăng nhỏ, chúng ta có thế bắt lấy nó và mang toàn khối đá xuống phòng thí nghiệm trên Trái đất, Granvik cho biết. Như vậy sẽ cho chúng ta bức tranh tốt hơn của những tiểu hành tinh ban sơ trông như thế nào so với những thiên thạch bị vỡ nát, cháy trụi thỉnh thoảng tìm thấy trên Trái đất. Vì tiểu hành tinh là những viên gạch cấu trúc còn sót lại từ thời hệ mặt trời sơ khai, nên việc nghiên cứu chúng có thể làm sáng tỏ về cách thức các hành tinh đã ra đời.

NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản, JAXA, mỗi bên đều đang lên kế hoạch cho những sứ mệnh lấy mẫu từ vành đai tiểu hành tinh, nhưng những mặt trăng nhỏ này sẽ dễ lấy về hơn nhiều, Granvik nói. “Chi phí của sứ mệnh thật sự nhỏ hơn nhiều lắm.”

Dịch bởi Lucky_Rua – thuvienvatly.com
Nguồn: New Scientist

Mời đọc thêm