Hiệp Khách Quậy Sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của nước Nga kể từ hơn 15 năm qua đã thất bại sau khi phóng lên do một trục trặc động cơ làm lệch phi thuyền không người lái ra khỏi quỹ đạo dự tính của nó tiến về phía sao Hỏa. Phi thuyền mang tên Phobos-Grunt nay được giữ trong quỹ đạo xung quanh Trái đất và các kĩ sư... Xin mời đọc tiếp.
Sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của nước Nga kể từ hơn 15 năm qua đã thất bại sau khi phóng lên do một trục trặc động cơ làm lệch phi thuyền không người lái ra khỏi quỹ đạo dự tính của nó tiến về phía sao Hỏa. Phi thuyền mang tên Phobos-Grunt nay được giữ trong quỹ đạo xung quanh Trái đất và các kĩ sư có ba ngày để cứu lấy phi thuyền trước khi nguồn cấp điện của nó cạn kiệt.
Phobos-Grunt, trị giá 163 triệu đô la, là một sứ mệnh thuộc Cơ quan Vũ trụ Nga được thiết kế để bay đến vệ tinh Phobos của sao Hỏa và lấy 200 g đất của nó về Trái đất trong một hành trình dài 3 năm, kết thúc vào năm 2014. Phi thuyền còn mang theo một tàu khảo sát của Trung Quốc – Yinguo-1 – sẽ tách ra khỏi Phobos-Grunt để bay vòng quanh Hỏa tinh, nghiên cứu khí quyển của hành tinh đỏ. Tàu khảo sát 115 kg trên là phi thuyền đầu tiên do Trung Quốc gửi lên thám hiểm một hành tinh khác.
Sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của nước Nga kể từ hơn 15 năm qua đã thất bại ngay sau khi phóng lên. Ảnh: Cơ quan Hàng không Vũ trụ Đức
Phobos-Grunt (tên gọi có nghĩa là đất Phobos) rời bệ phóng lúc 20:16 GMT hôm thứ ba, 8 tháng 11, từ bệ phóng Baikonur ở Kazakhstan trên tên lửa Zenit-2SB. Ban đầu phi thuyền được phóng thành công và tách khỏi tên lửa Zenit của nó. Tuy nhiên, bộ đẩy riêng của phi thuyền sau đó đã hỏng và nó bắt đầu bay lệch hướng. Phobos-Grunt không thể thiết lập định hướng chính xác của nó trong không gian, nên không thể điều khiển hệ thống đẩy của nó.
“Động cơ không cháy, đốt lần 1 hay lần 2 đều không ăn thua gì”, trưởng cơ quan vũ trụ Nga Vladimir Popovkin phát biểu với hãng tin Interfax. “Tôi không có ý nói nó bị hỏng, nó chỉ là một tình huống không chuẩn, nhưng nó ở trong tình huống có hoạt động”.
Các nhà điều khiển trên mặt đất nay có ba ngày để tải các chỉ thị mới lên phi thuyền trước khi bộ nguồn trên tàu phóng hết điện. Đây cũng có thể là một ngụ ý rằng Phobos-Grunt không thể sử dụng các tấm pin mặt trời của nó để tích điện cho các bộ nguồn.
Sự cố Phobos-Grunt xảy ra sau sứ mệnh gần đây nhất của nước Nga lên sao Hỏa – Mars 96 – cũng thất bại trên đường của nó đến hành tinh đỏ khi con tàu đi trở vào khí quyển của Trái đất, vỡ ra thành nhiều mảnh phía trên Thái Bình Dương.
Hồi đầu năm nay, Ziyuan Ouyang, nhà khoa học chính của chương trình mặt trăng của Trung Quốc, có phát biểu với tạp chí Physics World rằng nước này nay đã “có mọi công nghệ và đã biết rốt cuộc nên làm thế nào để thám hiểm sao Hỏa theo cách riêng của mình”.
Nguồn: physicsworld.com