Hiệp Khách Quậy Sử dụng kính thiên văn vũ trụ CoRoT, do Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES) điều hành, các nhà thiên văn vật lí ở Anh và Pháp đã có thể nhìn thấy những hành tinh nằm bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta, cái gọi là ‘hành tinh ngoại’, khi chúng đang trong trạng thái đi qua, tức là khi chúng đi qua phía trước ngôi... Xin mời đọc tiếp.
Sử dụng kính thiên văn vũ trụ CoRoT, do Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES) điều hành, các nhà thiên văn vật lí ở Anh và Pháp đã có thể nhìn thấy những hành tinh nằm bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta, cái gọi là ‘hành tinh ngoại’, khi chúng đang trong trạng thái đi qua, tức là khi chúng đi qua phía trước ngôi sao của chúng.
Ngoài chỗ hành tinh đang quay xung quanh ngôi sao trẻ bất thường, đội khoa học còn phát hiện bảy hành tinh nóng kiểu Mộc tinh, hai hành tinh cỡ Hải vương tinh đang quay xung quanh cùng một ngôi sao, và một hành tinh hơi nhỏ hơn Thổ tinh một chút.
Tiến sĩ Suzanne Aigrain ở Khoa Vật lí, trường Đại học Oxford, Anh quốc, cho biết: “Việc tìm thấy các hành tinh quay xung quanh những ngôi sao trẻ đặc biệt gây hứng thú vì các hành tinh thoạt đầu tiến triển rất nhanh, trước khi tiến vào một kiểu phát triển đều đặn hơn. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu những điều kiện trong đó các hành tinh hình thành, thì chúng ta cần tìm chúng trong những triệu năm đầu tiên. Sau thời gian đó, kí ức của những điều kiện ban đầu về cơ bản là không còn. Trong trường hợp CoRoT-18 hành tinh quay xung quanh ngôi sao trẻ trên, những phương pháp xác định tuổi khác nhau mang lại những kết quả khác nhau, nhưng có lẽ ngôi sao trên chỉ vài chục triệu năm tuổi. Nếu điều này được xác nhận, thì chúng ta có thể học được rất nhiều về sự hình thành và sự phát triển buổi đầu của những hành tinh khí nóng khổng lồ bằng cách so sánh kích cỡ của CoRoT-18b với dự đoán của các mô hình lí thuyết”.
Khi kính thiên văn CoRoT phát hiện một sự đi qua, những quan sát bổ sung khác được thực hiện sau đó từ mặt đất, sử dụng một số kính thiên văn khác nhau trên khắp thế giới. Mặc dù không có thể nhìn thấy các hành tinh một cách trực tiếp, nhưng các nhà thiên văn có thể sử dụng dữ liệu mặt đất và dữ liệu vũ trụ để đo chính xác kích cỡ, khối lượng và quỹ đạo của các hành tinh mới.
Một hành tinh khác đã gây bất ngờ đối với các nhà khoa học là CoRoT-24, nằm cách Trái đất khoảng 4.400 năm ánh sáng: ngôi sao này, hơi nhỏ hơn Mặt trời của chúng ta một chút, có hai hành tinh đi qua. “Hành tinh thứ nhất lớn gấp ba lần Trái đất, và mất 5,1 ngày để quay xung quanh ngôi sao, còn hành tinh thứ hai gấp 4,8 lần Trái đất và mất 11,8 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Như vậy, hai hành tinh này giống Hải Vương tinh về kích cỡ, nhưng nóng hơn nhiều. “Tuy nhiên, chúng ta chưa biết chúng có giống với Hải Vương tinh về thành phần hay không, vì ngay cả với những thiết bị tốt nhất trên thế giới, chúng ta cũng mới thu được giới hạn trên cho khối lượng của chúng. Đó là hệ mặt trời đầu tiên có hai hành tinh đi qua mà CoRoT phát hiện ra”, tiến sĩ Aigrain cho biết.
Hành tinh có kích cỡ tương tự với Thổ tinh nằm cách chúng ta chừng 2.000 năm ánh sáng. Hành tinh này mất chừng 10 ngày để quay trọn vòng quanh ngôi sao của nó, hơi nóng hơn Mặt trời của chúng ta một chút. Đội nghiên cứu suy luận ra tỉ trọng của nó không lớn hơn bao nhiêu so với tỉ trọng của Mộc tinh, nghĩa là nó có thành phần khí nguyên thủy. Tuy nhiên, có khả năng hành tinh này còn có thể cấu tạo từ những lượng đáng kể đá và băng.
Ngoài ra, trong số những hành tinh mới khám phá là CoRoT-17b, một hành tinh khí khổng lồ 10 tỉ năm tuổi quay xung quanh một ngôi sao già gấp đôi Mặt trời của chúng ta. Nó mất 3,7 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Một phát hiện nữa là CoRoT-19b, một hành tinh có khối lượng ngang với Mộc tinh nhưng kích cỡ lớn hơn 1,5 lần. Tỉ trọng của nó nhỏ hơn nhiều so với Thổ tinh, hành tinh kém đặc nhất trong hệ mặt trời của chúng ta.
CoRoT-20b là một trong những khám phá nổi trội nhất: nó có quỹ đạo thon dài 9,2 ngày có thể liên quan đến tỉ trọng cực kì cao của nó – gấp hai lần tỉ trọng của Hỏa tinh.
Nguồn: CORDIS, PhysOrg.com