Hiệp Khách Quậy Vào những thế kỉ trước khi người ta phát minh ra nhiếp ảnh, thỉnh thoảng một dụng cụ gọi là buồng tối đã được sử dụng để giúp người họa sĩ sáng tạo ra hình ảnh thực tế hơn của đề tài của anh ta. Xin mời đọc tiếp.
Vào những thế kỉ trước khi người ta phát minh ra nhiếp ảnh, thỉnh thoảng một dụng cụ gọi là buồng tối đã được sử dụng để giúp người họa sĩ sáng tạo ra hình ảnh thực tế hơn của đề tài của anh ta. Ở dạng sơ khai nhất của nó, buồng tối gồm một căn phòng kín nhỏ với một cái lỗ nhỏ đặt có tính trước trên tường hoặc trên tấm chắn cửa sổ sao cho ánh sáng có thể đi qua nó, tạo ra ảnh lộn ngược của vật đặt bên ngoài phòng trên tường tô trắng đối diện với lỗ nhỏ. Người ta tin rằng nguyên lí xây dựng buồng tối đã được biết tới bởi các nhà triết học cổ đại, nhưng nó chưa được dùng làm công cụ hỗ trợ vẽ cho đến cách nay chừng năm trăm năm trước. Một trong những mô tả sớm nhất của việc sử dụng buồng tối cho một mục đích như thế có thể tìm thấy trong sổ ghi chép của Leonardo da Vinci (1452-1519).
Tương tự như da Vinci, Daniel Barbaro là một người Italy khuyến khích sử dụng buồng tối cho thành tựu hội họa. Tuy nhiên, vào lúc ông cải tiến kĩ thuật trên, buồng tối thường là một cái hộp nhỏ thay cho cả một căn phòng. Người ta không biết bao nhiêu về cuộc sống riêng tư của Barbaro. Tuy nhiên, được biết ông sinh ra vào khoảng năm 1514 tại Venice và qua đời vào năm 1570. Có lẽ ông đã được học hành tử tế, vì ông là người dịch 10 tập sách về kiến trúc do kĩ sư danh tiếng người La Mã Vitruvius viết, và đã soạn tác phẩm của riêng ông (Thực hành Phối cảnh) xuất bản năm 1568.
Là một tác phẩm cực kì có ảnh hưởng vào thế kỉ thứ 18, chuyên luận của Daniel Barbaro về phối cảnh nêu giải thích sớm nhất về việc sử dụng thấu kính cùng với buồng tối, mang dụng cụ đến gần hơn với camera thời hiện đại. Sự cải tiến ảnh thu được với dụng cụ trên có được do việc sử dụng thấu kính và điều chỉnh khoảng cách ảnh chiếu được Barbaro mô tả như sau:
“Đóng toàn bộ cửa lớn và cửa sổ cho đến khi không còn ánh sáng đi vào phòng, trừ ánh sáng đi qua thấu kính, và ở phía đối diện hãy giữ một tờ giấy di chuyển ra trước ra sau cho đến khi khung cảnh hiện ra với chi tiết sắc nét nhất. Trên tờ giấy, bạn sẽ nhìn thấy toàn bộ khung cảnh thật sự, với khoảng cách của nó, màu sắc của nó và những cái bóng và chuyển động, những đám mây, lấp lánh nước, và những con chim đang bay. Bằng cách giữ đều tờ giấy, bạn có thể phác họa toàn bộ khung cảnh với một cái bút chì, tô nền và tô màu cho nó giống như ngoài tự nhiên”.
Cũng theo Barbaro, “Bạn nên chọn kính đeo là tốt nhất, và bạn nên che nó chỉ chừa lại một cái lỗ nhỏ, trong suốt, ở chính giữa và bạn sẽ nhìn thấy khung cảnh sáng hơn”. Kính đeo tốt nhất theo Barbaro là một thấu kính hai mặt lồi lấy từ một cặp kính mắt bình thường, mặc dù ông từng làm thí nghiệm với thấu kính lõm với chút ít thành công. Vào thế kỉ 18, những nhà tiên phong quang học khác đã cải tiến buồng tối để bao quát khung cảnh rộng lớn hơn bằng cách sử dụng nhiều thấu kính và gương để tạo ra ảnh sáng hơn, sắc nét hơn.