Hiệp Khách Quậy Mặt trăng là láng giềng gần gũi nhất của chúng ta trong vũ trụ và là vật thể quen thuộc nhất trên bầu trời, đôi khi có thể nhìn thấy cả ngày lẫn đêm. Đường kính 3476km, nó là vệ tinh tự nhiên của chúng ta – một thế giới khác quay xung quanh hành tinh của chúng ta – nhưng nó rất khác biệt Xin mời đọc tiếp.
Mặt trăng là láng giềng gần gũi nhất của chúng ta trong vũ trụ và là vật thể quen thuộc nhất trên bầu trời, đôi khi có thể nhìn thấy cả ngày lẫn đêm. Đường kính 3476km, nó là vệ tinh tự nhiên của chúng ta – một thế giới khác quay xung quanh hành tinh của chúng ta – nhưng nó rất khác biệt. Trái đất, với không khí và nước lỏng của nó, dung dưỡng cho vô số dạng sống. Nó còn là một hành tinh hoạt động với các lục địa đang di chuyển và thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa dữ dội. Trái lại, Mặt trăng không có không khí, không có sự sống, là một nơi khô cằn, khắc nghiệt, nơi hầu như chẳng có sự thay đổi gì. Bề mặt của nó hầu như vẫn y nguyên như hồi 3000 triệu năm về trước. Mặc dù Mặt trăng là một quả cầu đá xám đen, nhưng nó phản xạ ánh sáng Mặt trời và nó hiện ra sáng rỡ trước mắt chúng ta. Nó là vật thể duy nhất trong vũ trụ có những đặc điểm bề mặt có thể nhìn thấy bằng mắt trần từ trên Trái đất.
NHỮNG ĐƯỜNG NÉT TRÊN MẶT TRĂNG
Đối với nhiều người, những đường nét tạo nên bởi những khu vực sáng và tối trên Mặt trăng gợi đến những hình ảnh quen thuộc. Chúng dễ nhìn thấy nhất khi Mặt trăng tròn và gần tròn. Ở phương Tây, đa số mọi người nhìn thấy bộ mặt của một người đàn ông, nhưng ở phương Đông người ta lại thường nhìn thấy hình con thỏ trên Mặt trăng.
TRÁI NGƯỢC VỀ KHÍ QUYỂN
Mặc dù Mặt trăng và Trái đất là láng giềng, nhưng chúng rất khác biệt. Lực hấp dẫn của Trái đất đủ mạnh để giữ được một lớp không khí dày, trong đó những đám mây có thể hình thành và phủ lên những khu vực rộng lớn của địa cầu. Trái lại, lực hấp dẫn của Mặt trăng chỉ bằng một phần sáu của Trái đất. Nó chỉ giữ được một lớp khí quyển rất mỏng – mỏng đến mức không thể nhìn thấy và có thể chứa hết bên trong một lọ đựng mứt ngày tết.
NGUỒN CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT
Mặt trăng đã truyền cảm hứng cho vô số họa sĩ, nhà thơ, và nhạc sĩ thuộc mọi trường phái. Bài hát nổi tiếng Dưới ánh trăng thảo nguyên (Roll Along Prairie Moon) được sáng tác vào năm 1935. Lời bài hát của nhà soạn nhạc người Mĩ Harry MacPherson. Thời ấy, những chàng cao bồi chăn thả những đàn gia súc trên những đồng cỏ mênh mông của vùng thảo nguyên nước Mĩ. Trong bài hát, chàng cao bồi độc thân hát về người yêu của chàng yêu thích ánh trăng trên thảo nguyên xanh.
MỘT THẾ GIỚI TRÊN MẶT TRĂNG
Cho đến thế kỉ thứ 17, đa số người ta nghĩ rằng Mặt trăng phải là một quả cầu nhẵn, kiểu như gương soi. Họ tin rằng những dấu vết mà họ có thể nhìn thấy là sự phản xạ của biển cả và lục địa trên Trái đất. Các tác giả như tu sĩ người Anh John Wilkins thì cho rằng những khu vực sáng và tối đó là biển cả và đất liền mà Mặt trăng có thể có. Wilkins, thành viên sáng lập của Hội Hoàng gia Anh, đã công bố quan điểm của ông vào năm 1638 trong một quyển sách mang tựa đề Khám phá Một thế giới Trên Mặt trăng.
MẶT TRĂNG NHÌN QUA ĐÔI MẮT TRẦN
Những chi tiết chính trên Mặt trăng có thể nhìn thấy mà không cần một chiếc thiên văn nào. Những mảng tối lớn là dễ phát hiện ra nhất và mang những tên gọi “ẩm ướt” vì có thời người ta nghĩ rằng đó là biển. Nhiều trong số này được gọi là mare – số nhiều là marie – tiếng Latin có nghĩa là “biển”. Một vài miệng hố hoặc chỗ lõm lớn cũng dễ dàng nhìn thấy, đặc biệt khi trăng tròn. Tycho là miệng hố nổi bật nhất, và những tia sáng tỏa ra từ nó làm cho Mặt trăng trông tựa như một quả bạc.
HÀNH TINH XANH
Trái đất lớn hơn Mặt trăng gần bốn lần. Nước lỏng tuôn chảy trên bề mặt Trái đất vì chúng ta có sự kết hợp thích hợp của áp suất và nhiệt độ bên dưới lớp không khí dày của chúng ta. Bất kì lượng nước nào có trên Mặt trăng sẽ bay hơi vào trong không gian, mặc dù nước đóng băng có thể vẫn tồn tại tại đáy của những miệng hố sâu thẳm ở hai cực Mặt trăng. Không có nước và hầu như không có khí quyển, Mặt trăng chưa bao giờ có gió, có mưa, có đại dương hay sông ngòi để nhào nặn nên địa hình của nó.
MẶT TRĂNG TRÊN ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Khi Mặt trăng đang mọc hoặc đang lặn, nó thường có màu nhuốm đỏ và hình dạng của nó bị méo và trông tựa như quả bí. Đây là vì chúng ta đang ngắm Mặt trăng không phải nhìn thẳng, mà nhìn nghiêng qua hàng nghìn dặm khí quyển làm bẻ cong và bóp méo ánh sáng. Mặt trăng ở gần đường chân trời cũng trông như lớn hơn, nhưng đó chỉ là ảo giác. Kích cỡ thật sự của Mặt trăng không hề thay đổi khi nó mọc, nhưng chưa ai từng lí giải rành rọt tại sao nó lại trông to như vậy.
QUẦNG SÁNG BAO QUANH MẶT TRĂNG
Mặt trăng tròn thỉnh thoảng bị bao quanh bởi một vòng sáng ma quái, đặc biệt là vào mùa đông. Quầng sáng xuất hiện khi Mặt trăng được nhìn qua một lớp mây lạnh, mỏng và các tia sáng của ánh trăng bị bẻ cong qua những tinh thể băng đang rơi.
Trích Sách ảnh Mặt trăng (Tập sách Thuvienvatly.com đang thực hiện)