Hiệp Khách Quậy Hội thiên văn học đầu tiên bao gồm toàn bộ các nước châu Phi vừa được chính thức thành lập tại một cuộc họp của Liên đoàn Thiên văn học Quốc tế (IAU) ở Cape Town, Nam Phi. Hội Thiên văn học châu Phi (AfAS) đã ra mắt tại Cuộc họp IAU Vùng Yrung Đông Phi Lần thứ hai vào hôm 14 tháng 4 – chỉ 3 năm sau lần... Xin mời đọc tiếp.
Những người tham dự Cuộc họp IAU Vùng Trung Đông Phi lần thứ hai ở Cape Town đã chứng kiến sự ra đời của Hội Thiên văn học châu Phi. (Ảnh: MEARIM II/IAU).
Hội thiên văn học đầu tiên bao gồm toàn bộ các nước châu Phi vừa được chính thức thành lập tại một cuộc họp của Liên đoàn Thiên văn học Quốc tế (IAU) ở Cape Town, Nam Phi. Hội Thiên văn học châu Phi (AfAS) đã ra mắt tại Cuộc họp IAU Vùng Yrung Đông Phi Lần thứ hai vào hôm 14 tháng 4 – chỉ 3 năm sau lần đầu tiên người ta đề xuất thành lập hiệp hội này.
Lễ thành lập có sự tham dự của các nhà thiên văn học đến từ năm vùng châu Phi: Bắc Phi, Nam Phi, Đông Phi, Tây Phi và Trung Phi. Ngoài ra, còn có các đại biểu đến từ vùng thứ sáu mệnh danh là Cộng đồng người Do Thái châu Phi. Hiệp hội này ra đời tiếp sau sự thành lập của Hội Vật lí châu Phi (AfPS) hồi năm ngoái.
Tổ chức và kết nối
Mục tiêu của AfAS là tổ chức và kết nối một cộng đồng nhà thiên văn học và phát triển các tài nguyên dành cho nghiên cứu thiên văn và thiên văn vật lí trên khắp châu Phi. Nhà vật lí người Mĩ Hakeem Oluseyi đã được bầu làm chủ tịch lâm thời của hiệp hội này. Oluseyi hiện công tác tại Khoa Vật lí và Khoa học Vũ trụ, Viện Công nghệ Florida, và đang làm việc ở châu Phi để xúc tiến nghiên cứu thiên văn học.
Theo điều lệ của hội, tầm nhìn chính của hiệp hội “Là tiếng nói của giới thiên văn học chuyên nghiệp ở châu Phi để thúc đẩy và ủng hộ nghiên cứu trên lục địa này và tạo điều kiện sử dụng thiên văn học để xử lí những thách thức mà châu Phi phải đối mặt”.
AfAS sẽ xúc tiến thiên văn học là một công cụ cho phát triển kinh tế-xã hội ở châu Phi và lên kế hoạch đẩy mạnh nghiên cứu toán học và vật lí học ở cấp độ phổ thông để khuyến khích học sinh sinh viên theo đuổi nghề nghiệp thiên văn học. Hội cũng sẽ ủng hộ sáng tạo và công bố các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà thiên văn học châu Phi. Để đạt được những mục tiêu này, hội sẽ hợp tác với các trường viện như IAU, AfPS, UNESCO, và Hội Nhà vật lí Người Mĩ Da đen ở Mĩ.
‘Nhiều sự ủng hộ’
“AfAS đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các hiệp hội thiên văn học, các trường viện và các tổ chức trên khắp thế giới”, Oluseyi nói – ông là người đang hăm hở dẫn dắt một kỉ nguyên mới cho nghiên cứu thiên văn học ở châu Phi. “Tất nhiên, vẫn còn đó những thách thức, mặc dù chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ”, ông bổ sung thêm. “Một vấn đề là mặc dù máy vi tính ở châu Phi chỗ nào cũng có, nhưng Internet tốc độ cao thì không có”. Về sự phân luồng nghiên cứu thiên văn học, “một vấn đề lớn là tiếp cận với học sinh, sinh viên và dân chúng ở những vùng nông thôn châu Phi”.
Oluseyi biết rằng tình hình tài chính toàn cầu hiện nay có thể gây nhiều khó khăn chồng chất. “Cách làm của chúng tôi là đưa mọi người xích lại gần nhau, làm công việc cho tốt, và liên tục tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác”, ông phát biểu với physicsworld.com. “Với tư cách cá nhân, tôi đã làm việc ở châu Phi trong nhiều năm cùng với một số người khác và chúng tôi hầu như chẳng nhận được sự ủng hộ nào. Chúng tôi đã thúc đẩy sự tiến bộ, và chúng tôi tin rằng cuối cùng chúng tôi sẽ giành được sự ủng hộ và thậm chí còn giành được nhiều hơn”.
AfAS có sáu loại tư cách thành viên, từ thành viên sinh viên cho đến thành viên danh dự đến thành viên nghiệp dư và bất kì ai yêu thích thiên văn học đều có thể xin gia nhập. Vì đã có một số nhóm và hiệp hội thiên văn học cục bộ tồn tại ở châu Phi, cho nên thành của những nhóm đó được khuyến khích tham gia hội. Thí dụ, Hội Thiên văn học Ghana (GAOA) đã hoạt động từ năm 2009 và một số thành viên của hội này đã gia nhập AfAS.
Ủng hộ SKA
Nam Phi hiện là một trong các nước đấu tranh giành quyền chủ đất của SKA (Square Kilometer Array), một mạng lưới khổng lồ gồm hàng nghìn kính thiên văn vô tuyến. “Ủng hộ cho sự nỗ lực SKA của châu Phi là một mục tiêu căn bản của hội và giữ vai trò quan trọng cho sự khởi phát của hội”, Oluseyi giải thích. Việc chọn châu Phi làm địa điểm xây dựng SKA là hợp lí.
Nếu châu Phi không được chọn làm địa điểm xây dựng SKA thì AfAS sẽ bị tác động như thế nào? “Tôi đảm bảo rằng giới lãnh đạo và các thành viên AfAS sẽ tiếp tục làm việc cật lực để ủng hộ cho sự nghiên cứu và giáo dục thiên văn học ở châu Phi, cho dù SKA không được triển khai”, Oluseyi nói. “Một điều tôi có thể chắc chắn với bạn, cái có lẽ sẽ gây bất ngờ nhất ở thế giới phương Tây, là người châu Phi cũng có kiến thức và năng khiếu khoa học như bất kì dân tộc nào khác trên Trái đất. Tuy nhiên, tiềm năng trọn vẹn của trí tuệ châu Phi hiện nay chưa được khai thác hết. Việc có SKA trên đất châu Phi sẽ nâng cao tầm nhìn cho nhiều nhà khoa học và sinh viên xuất sắc của châu Phi, dù là ở quê nhà hay ở nước ngoài”.
Nguồn: physicsworld.com