Clyde Tombaugh: Nhà thiên văn khám phá ra Diêm Vương tinh

Hiệp Khách Quậy Khi Clyde Tombaugh chế tạo chiếc kính thiên văn đầu tiên của ông lúc ở độ tuổi 20, ông không thể nào ngờ rằng nó sẽ đưa ông tiến vào con đường cuối cùng dẫn tới sự khám phá ra hành tinh lùn đầu tiên được biết, Diêm Vương tinh (Pluto). Xin mời đọc tiếp.

Khi Clyde Tombaugh chế tạo chiếc kính thiên văn đầu tiên của ông lúc ở độ tuổi 20, ông không thể nào ngờ rằng nó sẽ đưa ông tiến vào con đường cuối cùng dẫn tới sự khám phá ra hành tinh lùn đầu tiên được biết, Diêm Vương tinh (Pluto).

Clyde Tombaugh đang ngắm kính thiên văn

Clyde Tombaugh đang ngắm kính thiên văn

Thời trẻ và gia thế

Clyde William Tombaugh chào đời ở gần Streator, Illinois, vào ngày 4 tháng 2, 1906. Lúc ông còn nhỏ, gia đình của ông sở hữu một nông trại ở gần Burdett, Kansas. Một cơn mưa đá đã san bằng đám hoa màu của nhà ông và đặt dấu chấm hết cho những hi vọng của ông muốn bước chân vào trường đại học khi ấy.

Vào năm 1928, nhà thiên văn học nghiệp dư được mời làm việc tại Đài thiên văn Lowell ở Arizona, nơi ông khám phá ra Pluto. Vào năm 1934, ông kết hôn với Patricia Edson. Họ có hai người con, Annette và Alden. Ông lấy bằng cử nhân và bằng thạc sĩ ngành thiên văn học tại trường Đại học Kansas và làm việc tại đài thiên văn vào những tháng mùa hè.

Tombaugh ở lại Đài thiên văn Lowell cho đến lúc bùng nổ Thế chiến thứ hai, khi ông được gọi đi dạy nghiệp vụ đạo hàng cho Không quân Mĩ ở trường Đại học Bang Arizona. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông làm việc tại phòng nghiên cứu đạn đạo ở Vùng thử Tên lửa White Sands ở New Mexico. Từ năm 1955 đến khi ông về hưu vào năm 1973, ông giảng dạy tại trường Đại học New Mexico.

Một nhà thiên văn nghiệp dư may mắn

Không hài lòng với những chiếc kính thiên văn bán sẵn, Tombaugh đã chế tạo chiếc kính thiên văn đầu tiên của ông lúc ở tuổi 20, tự bản thân ông mài gương. Trong suốt quãng đời mình, ông đã chế tạo hơn 30 chiếc kính thiên văn.

Vào năm 1928, ông đã chế tạo một chiếc kính thiên văn có gương phản xạ 23 cm. Sử dụng kính thiên văn này, chàng trai trẻ Clyde đã tiến hành những quan sát chi tiết của Mộc tinh và Hỏa tinh. Ông gửi báo cáo đến Đài thiên văn Lowell với hi vọng nhận được phản hồi từ những nhà thiên văn học chuyên nghiệp.

Thay vì nhận được những nhận xét mang tính xây dựng, Tombaugh được mời đến làm việc tại đài thiên văn. Bộ phận tổ chức ở đó đang tìm kiếm một nhà thiên văn nghiệp dư để điều hành chiếc kính thiên văn chụp ảnh mới của họ nhằm tìm kiếm Hành tinh X bí ẩn.

Không bao lâu sau khi được khám phá ra vào năm 1782, người ta thấy hành tinh mới Thiên Vương tinh có những chuyển động kì lạ chỉ có thể gán cho một vật thể khác. Khám phá ra Hải Vương tinh vào năm 1846 giải thích phần nào cho quỹ đạo như thế, nhưng vẫn có những khác biệt khiến các nhà khoa học kết luận vẫn còn tồn tại một hành tinh khác nữa.

Vào năm 1894, nhà doanh nghiệp Percival Lowell đã xây dựng Đài thiên văn Lowell để nghiên cứu Hỏa tinh. Vào năm 1905, ông đã cho hướng kính thiên văn tìm kiếm Hành tinh X, tuy nhiên ông đã qua đời trước khi hành tinh mới có thể được tìm thấy.

Khi Tombaugh được thuê vào năm 1929, ông tham gia vào tìm kiếm hành tinh còn thiếu đó. Kính thiên văn tại đài thiên văn được trang bị một camera sẽ chụp hai bức ảnh của bầu trời vào những ngày khác nhau. Các ngôi sao và thiên hà về cơ bản không di chuyển trong các bức ảnh, nhưng bất kì cái gì ở gần hơn đều có thể nhận ra được bằng mắt bởi sự chuyển động của nó trên bầu trời. Tombaugh bỏ ra gần một tuần nghiên cứu từng cặp ảnh chụp, chúng gồm hơn 150.000 ngôi sao, và thỉnh thoảng lên tới gần một triệu sao.

Diêm Vương tinh

Phim gốc được Clyde Tombaugh dùng để phát hiện ra Diêm Vương tinh

Vào ngày 18 tháng 2, 1930, Tombaugh để ý thấy sự chuyển động trong một cặp ảnh chụp trước đó một tháng. Sau khi nghiên cứu vật thể để xác nhận nó, Đài thiên văn Lowell đã chính thức công bố khám phá ra hành tinh thứ chín vào ngày 13 tháng 3 năm ấy.

Đài thiên văn Lowell đã kêu gọi toàn thể thế giới đề xuất tên gọi cho hành tinh mới. Một em bé 11 tuổi người Anh tên là Venetia Burney đã đề xuất tên gọi Pluto, vì hành tinh xa xôi, tăm tối này có vẻ giống với vương quốc của vị thần Hi Lạp cai quản địa ngục.

Pluto được xem là một hành tinh trong hơn 70 năm trời. Tuy nhiên, khi các thiết bị thiên văn trở nên chính xác hơn, những vật thể có kích cỡ tương tự khác đã được tìm thấy nằm bên ngoài quỹ đạo của Hải Vương tinh. Vào năm 2006, gần một thập kỉ sau khi Tombaugh qua đời, Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế đã phân loại lại Pluto là hành tinh lùn.

Sứ mệnh New Horizons của NASA đang mang một phần tro xác của Tombaugh cùng nó trên hành trình đến với Pluto và xa hơn nữa.

Mặc dù nổi tiếng nhất với việc khám phá ra vật thể gây tranh cãi nhất trong hệ mặt trời, nhưng ngoài ra, trong quãng đời của mình, Tombaugh còn tìm thấy một sao chổi, hàng trăm tiểu hành tinh, và một số đám sao.

— Nola Taylor Redd, Space.com
Trần Nghiêm dịch

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm