Hiệp Khách Quậy Tình huống lúc này dẫn đến khám phá không mong đợi là phần tích điện dương của nguyên tử là một cục nhỏ xíu, đậm đặc, nằm ở chính giữa nguyên tử chứ không phải là “bột bánh” trong mô hình bánh bông lan rắc nho. Xin mời đọc tiếp.
Benjamin Crowell
Tình huống lúc này dẫn đến khám phá không mong đợi là phần tích điện dương của nguyên tử là một cục nhỏ xíu, đậm đặc, nằm ở chính giữa nguyên tử chứ không phải là “bột bánh” trong mô hình bánh bông lan rắc nho. Vào năm 1909, Rutherford là một giáo sư mới được phong, và có sinh viên làm việc dưới sự hướng dẫn của ông. Đối với chàng sinh viên non nớt tên là Marsden, anh ta đã chọn một dự án nghiên cứu vốn được xem là chán ngắt nhưng dễ thực hiện.
Lúc này, mặc dù người ta biết rằng hạt alpha sẽ bị dừng lại bởi một tấm giấy, nhưng chúng có thể xuyên qua một lá kim loại đủ mỏng. Marsden nghiên cứu với lá vàng chỉ dày 1000 nguyên tử. (Lá vàng đó có thể chế tạo bằng cách cho bốc hơi một ít vàng trong buồng chân không sao cho một lớp mỏng vàng sẽ lắng trên một bản kính thủy tinh hiển vi. Sau đó, lá vàng được tách khỏi bản kính bằng cách dìm bản kính vào trong nước).
Rutherford vừa xác định được trong những thí nghiệm trước đó của ông về tốc độ của hạt alpha do radium phát ra, một tốc độ vô cùng lớn: 1,5 x 107 m/s. Những người thí nghiệm trong nhóm làm việc của Rutherford hình dung chúng là những quả đại bác rất nhỏ, rất nhanh đâm xuyên qua phần “bột bánh” của nguyên tử vàng to lớn. Một mảnh giấy có bề dày cỡ một trăm ngàn nguyên tử hay ngần ấy sẽ đủ để làm dừng chúng hoàn toàn, nhưng việc đâm qua một lớp dày 1000 nguyên tử cũng chỉ làm chúng chậm đi chút ít và làm chúng hơi lệch khỏi đường đi ban đầu của mình.
Nhiệm vụ được cho là chán ngắt của Marsden là sử dụng thiết bị trong hình g/ đo xem bao lâu thì những hạt alpha lại bị lệch ở những góc khác nhau. Một cục radium nhỏ xíu nằm trong hộp phát ra hạt alpha, và một chùm hạt mỏng được tạo ra bằng cách chặn lại hết hạt alpha, trừ những hạt xuất hiện đi thẳng qua ống. Thường thì bị lệch ở lá vàng chỉ một chút ít, nên chúng sẽ đi tới màn hình rất giống với màn hình của ống đèn hình ti vi, chúng sẽ gây ra lóe sáng khi chạm lên đó. Đây là ví dụ đầu tiên mà chúng ta bắt gặp của một thí nghiệm trong đó một chùm hạt là đối tượng bị phát hiện tại một thời điểm. Có thể thực hiện được điều này vì mỗi hạt alpha mang quá nhiều động năng, nên chúng chuyển động ở khoảng chừng tốc độ như các electron trong thí nghiệm của Thomson, nhưng chúng có khối lượng lớn hơn chục ngàn lần.
Marsden ngồi trong phòng tối, theo dõi thiết bị từ giờ này sang giờ khác và ghi lại số lóe sáng trên màn hình di chuyển sang những góc khác nhau. Tốc độ lóe sáng là cao nhất khi ông đặt màn hình ở góc gần với đường đi thẳng ban đầu của hạt alpha, nhưng nếu ông dõi theo một vùng nằm ngoài bản kính, thỉnh thoảng ông cũng nhìn thấy một hạt alpha bị lệch ở một góc lớn. Sau khi nhìn thấy một vài hạt như thế này, ông đi đến một ý tưởng điên rồ là di chuyển màn hình sang nhìn nếu những góc lớn hơn nữa cũng xuất hiện hạt alpha, có lẽ cả những góc lớn hơn 90 độ.
h/ Hạt alpha bị tán xạ bởi một hạt nhân vàng. Ở quy mô này, nguyên tử vàng có kích thước của một chiếc xe hơi, vì thế tất cả các hạt alpha biểu diễn trong hình đều tiến gần một cách khác thường đến hạt nhân vàng. Đối với những hạt alpha khác thường này, lực điện do các electron tác dụng là không quan trọng, vì chúng nằm xa hơn hạt nhân rất nhiều.
Ý tưởng điên rồ đó có tác dụng: một vài hạt alpha bị lệch ở góc lên tới 180 độ, và thí nghiệm bình thường trở thành thí nghiệm mang tính lịch sử. Rutherford nói “Chúng tôi có thể thu được một số hạt alpha dội ngược trở lại. Nó hầu như không thể tin được, như thể bạn bắn một quả đạn 15 inch lên một miếng giấy và nó bay trở lại và chạm vào bạn”. Khó có lời giải thích nào theo như mô hình bánh bông lan rắc nho. Lực điện mạnh mẽ nào đã có thể làm cho một số hạt alpha, đang chuyển động ở tốc độ cực lớn như thế, thay đổi một cách quá đột ngột ? Vì mỗi nguyên tử vàng là trung hòa điện, nên nó sẽ không thể tác dụng lực lớn lên một hạt alpha nằm bên ngoài nó. Thật vậy, nếu hạt alpha ở rất gần hay nằm bên trong một nguyên tử nhất định, thì lực đó sẽ không nhất thiết phải triệt tiêu hoàn toàn; nếu hạt alpha tiến rất gần đến một electron nhất định, thì dạng thức 1/r2 của định luật Coulomb sẽ mang lại lực rất mạnh. Nhưng Marsden và Rutherford đã biết một hạt alpha nặng hơn 8000 lần một electron, và thật đơn giản là không thể nào một vật có khối lượng lớn hơn bị nảy trở lại từ sự va chạm với một vật nhẹ hơn trong khi năng lượng và xung lượng vẫn bảo toàn. Về nguyên tắc, có khả năng một hạt alpha đi theo một quỹ đạo rất gần một electron, và rồi rất gần với một electron khác, và cứ thế, với kết quả cuối cùng là bị lệch đi một góc lớn, nhưng những tính toán cẩn thận cho thấy nhiều “chạm trán gần gũi” như thế với electron sẽ quá hiếm hơn hàng triệu lần để giải thích cái thật sự quan sát thấy.
Ở đây, Rutherford và Marsden đã làm xuất hiện một mẫu nguyên tử không được phổ biến và chú ý tới, trong đó tất cả các electron chuyển động tròn xung quanh một lõi, hay hạt nhân, nhỏ, tích điện dương, giống hệt như các hành tinh chuyển động tròn xung quanh Mặt Trời. Toàn bộ điện tích dương và hầu hết khối lượng của nguyên tử tập trung ở hạt nhân, chứ không trải đều trong nguyên tử như trong mô hình bánh bông lan rắc nho. Hạt alpha tích điện dương sẽ bị hạt nhân vàng đẩy ra, nhưng đa số hạt alpha sẽ không tiến đủ gần đến bất kì hạt nhân nào để đường đi của chúng bị lệch quá nhiều. Tuy nhiên, một vài hạt thật sự tiến gần đến một hạt nhân có thể bị nảy trở lại từ một sự chạm trán như thế, vì hạt nhân của nguyên tử vàng nặng gấp 50 lần hạt alpha. Thật ra không quá khó tìm ra công thức cho tần số lệch tương đối qua những góc khác nhau, và tính toán này phù hợp khá tốt với số liệu thí nghiệm (trong vòng 15%), có xét tới khó khăn trong việc thực hiện các thống kê thí nghiệm ở những góc hiếm, rất lớn.
Cái lúc bắt đầu là một bài tập chán ngắt để một chàng sinh viên bắt tay vào nghiên cứu khoa học cuối cùng là một cuộc cách mạng trong sự hiểu biết của chúng ta về tự nhiên. Thật vậy, toàn bộ câu chuyện nghe có vẻ giống như một truyền thuyết luân lí về phương pháp khoa học với gợi ý của thể loại Horatio Alger. Độc giả đa nghi có lẽ tự hỏi tại sao mẫu hành tinh lại bị bỏ qua hoàn toàn cho tới khám phá của Marsden và Rutherford. Có phải khoa học thật sự là một sự nghiệp mang tính xã hội, trong đó những ý tưởng nhất định trở nên được chấp nhận bởi sự áp đặt, và những cách giải thích hợp lí khác lại bị bỏ qua một cách tùy tiện ? Một số nhà khoa học xã hội hiện nay đang làm xù lông của rất nhiều khoa học với những bài bình luận rất giống như thế này, nhưng trong trường hợp này, có những lí do rất hợp lí cho việc loại bỏ mẫu hành tinh. Như bạn sẽ tìm hiểu chi tiết hơn ở phần sau của cuốn sách này, bất kì hạt mang điện nào chịu sự gia tốc cũng làm tiêu tan năng lượng dưới dạng ánh sáng. Trong mẫu hành tinh nguyên tử, các electron quay xung quanh hạt nhân theo những quỹ đạo tròn hoặc elip, nghĩa là chúng chịu sự gia tốc, giống hệt như gia tốc mà bạn cảm nhận được khi ngồi trong một chiếc xe hơi đang ngoặt cua. Chúng phải phóng thích năng lượng dưới dạng ánh sáng, và cuối cùng chúng sẽ mất hết năng lượng của mình. Các nguyên tử không tự phát suy sụp như thế, đó là lí do tại sao mô hình bánh bông lan rắc nho, với các electron tĩnh tại của nó, ban đầu lại được ưa chuộng hơn. Cũng còn có những vấn đề khác nữa. Theo mẫu hành tinh, nguyên tử một electron sẽ bằng phẳng, điều đó không phù hợp với sự thành công của mô hình phân tử với những quả cầu biểu diễn cho hydrogen và các nguyên tử. Những mô hình phân tử này cũng tỏ ra hoạt động tốt nhất nếu sử dụng những kích thước nhất định cho các nguyên tử khác nhau, nhưng không có lí do rõ ràng trong mẫu hành tinh lí giải tại sao bán kính quỹ đạo của một electron phải là một con số cố định. Tuy nhiên, theo quan điểm của kết quả của Marsden-Rutherford, đây trở thành những câu hỏi khó hiểu mới trong vật lí nguyên tử, chứ không phải lí do để hoài nghi mẫu hành tinh nguyên tử.
Một số hiện tượng giải thích được bằng mẫu hành tinh nguyên tử
Mẫu hành tinh không phải là mô hình tối hậu, hoàn hảo của nguyên tử, nhưng không nên đánh giá thấp sức mạnh của nó. Nó cho phép chúng ta hình dung đúng đắn rất nhiều hiện tượng.
Ví dụ, hãy xét sự khác biệt giữa phi kim, kim loại có từ tính, và kim loại không có từ tính. Như biểu diễn trong hình j, kim loại khác với phi kim ở chỗ các electron lớp ngoài cùng của nó tự do hơn. Kim loại có thể bị từ hóa sẽ sắp chuyển động quay của một số electron của nó sao cho trục của chúng song song nhau. Nhắc lại lực từ là lực tác dụng bởi các điện tích chuyển động; chúng ta không bàn về toán học và hình học của lực từ, nhưng thật dễ thấy sự định hướng ngẫu nhiên của các nguyên tử trong chất phi từ tính sẽ dẫn đến sự triệt tiêu các lực.
Mặc dù mẫu hành tinh không trả lời ngay những câu hỏi đại loại như tại sao nguyên tố này là kim loại, còn nguyên tố kia là phi kim, nhưng những ý tưởng này thật khó hay không thể nào quan niệm được trong mô hình bánh bông lan rắc nho.
Câu hỏi thảo luận
A. Trong thực tế, các điện tích cùng loại thì đẩy nhau, và các điện tích khác loại thì hút nhau. Giả sử quy luật diễn ra ngược lại, cho lực đẩy giữa các điện tích trái dấu và lực hút giữa những điện tích cùng dấu. Vũ trụ lúc bấy giờ sẽ ra sao ?
j/ Mẫu hành tinh áp dụng cho một phi kim (1), một kim loại không bị từ hóa (2) và một kim loại bị từ hóa (3). Lưu ý là những hình này đã vẽ đơn giản hóa đi nhiều. Các electron của một nguyên tử không quay tròn xung quanh hạt nhân trong cùng một mặt phẳng. Rất hiếm có trường hợp nào một kim loại bị từ hóa mạnh đến 100% nguyên tử của nó có trục quay sắp thẳng hàng nhau như trong hình.
Còn tiếp...
Xem lại Phần 7