Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 47)

Hiệp Khách Quậy Trong chương trước, chúng ta đã thấy máy bay được phát triển như thế nào, và vật lí học quan trọng ra sao đối với chúng. Trong chương này, chúng ta sẽ thấy máy bay được sử dụng như thế nào trong chiến tranh, cũng như trong những phương... Xin mời đọc tiếp.

Chương 13

CUỘC CHIẾN SÚNG MÁY – THẾ CHIẾN THỨ NHẤT

Trong chương trước, chúng ta đã thấy máy bay được phát triển như thế nào, và vật lí học quan trọng ra sao đối với chúng. Trong chương này, chúng ta sẽ thấy máy bay được sử dụng như thế nào trong chiến tranh, cũng như trong những phương thức khác. Ngày nay chúng ta gọi cuộc chiến xảy ra từ năm 1914 đến 1918 là Thế chiến Thứ nhất, nhưng trước năm 1939 nó được gọi là Đại Chiến (Great War) và thật vậy, nó là cuộc chiến quy mô nhất, dính líu nhất mà thế giới từng chứng kiến. Theo năm tháng, đã có sự tích lũy vũ khí quy mô lớn ở châu Âu, và cùng với những đột phá khoa học, nhiều vũ khí chưa từng được sử dụng trong những trận đánh lớn trước đó. Kết quả là những quang cảnh kinh hoàng, ví dụ như hàng trăm binh lính bị súng máy hạ ngã chất đống trong vòng vài phút, có những đơn vị bị quét sạch bởi các chất khí chết chóc mới lạ, và những con tàu bị đánh chìm với những quả ngư lôi mới và đầy uy lực. Có lẽ phần khốc liệt nhất của cuộc chiến này chính là sự phi nghĩa của nó. Do những loại vũ khí mới – nhất là súng máy – mà cuộc chiến sớm trở nên bế tắc, chẳng phe bên nào có thể tiến lên. Các toán quân thù địch đồn trú đối diện nhau theo hàng trăm dặm mương hào, với các mương hào chỉ cách nhau vài trăm yard.

Rõ ràng nhiều tiến bộ về các loại vũ khí là do các đột phá trong vật lí học, song thật ra chính việc triển khai vật lí ứng dụng cho sản xuất vũ khí mới đưa đến tình thế cực bí. Một số loại vũ khí trong đó vật lí học có vai trò nhất định là súng máy, đại bác cỡ lớn nay đã trở nên chuẩn xác chết người, máy bay, các loại súng trường mới, lựu đạn cầm tay, súng phun lửa, ngư lôi, tàu ngầm, xe tăng, và các loại tàu mới. Và cùng với những vũ khí mới này, sau hơn bốn năm chiến tranh, hàng triệu người lính đã thiệt mạng mà chẳng có vấn đề gì thật sự được giải quyết.

SỰ PHÁT TRIỂN SÚNG MÁY

Súng máy giữ vai trò trọng tâm trong cuộc chiến đến mức ngày nay Thế chiến I thỉnh thoảng được gọi là cuộc chiến súng máy. Súng Gatling đã được phát minh sớm hơn nhiều, nhưng nó chỉ là một món đồ chơi so với phát minh năm 1870 của kĩ sư người Anh Hiram Maxim. Ông nghĩ ra một hệ thống sử dụng chất khí nổ do một viên đạn tống ra để đẩy viên đạn tiếp theo. Do đó, khẩu súng đẩy từng hộp đạn đã xài ra và nạp vào hộp mới. Đạn được nạp vào buồng đốt bằng một hệ thống nạp. Một áo thép chứa nước bọc xung quanh nòng súng; nó giữ cho nhiệt độ đủ nguội để nòng không bị nứt hoặc tan chảy do chất khí nổ tỏa nhiệt mạnh.1

Trở ngại chính với súng Maxim là nó tương đối nặng và khó sử dụng. Đặc biệt, cần một vài người mới vận hành được nó, và nó không đáng tin cậy lắm. Bởi vậy, nó ít được sử dụng trước khi nổ ra Thế chiến I. Tuy nhiên, vào năm 1896, súng Maxim đã được cải tiến đáng kể. Công ty Vickers ở Anh mua lại Công ty Maxim, và Vickers đã thiết kế lại và cải tiến khẩu súng. Trước tiên, Vickers giảm trọng lượng khẩu súng bằng cách sử dụng các kim loại nhẹ hơn chế tạo nó, rồi ông làm đơn giản hóa thao tác vận hành. Về cơ bản lúc này nó là khẩu súng được làm nguội bằng nước sử dụng đạn Anh .303, cùng loại đạn dùng trong súng trường chuẩn của Anh, súng Lee-Enfield.

Mặc dù cần sáu người để vận hành nó – một người khai hỏa, một người nạp đạn, và bốn người di chuyển và canh chỉnh – song nó khá đáng tin cậy một khi được canh chỉnh xong, và bởi thế nó trở thành vũ khí ưa thích trong quân đội Anh. Nó dài ba foot tám inch, với tốc độ khai hỏa 450 đến 600 viên trên phút, và nó có tầm xa khoảng 4.500 yard. Nó có thể khai hỏa liên tục trong mười hai giờ mà không bị quá nhiệt hoặc bị vỡ, và mỗi giờ có thể khai hỏa khoảng mười nghìn viên đạn. Tuy nhiên, vào cuối thời gian này thì phải thay nòng. Nó đặc biệt hiệu nghiệm chống quân đội trên đồng trống, và đó là một trong những lí do chính dẫn tới bế tắc trong chiến tranh. Về cuối cuộc chiến (sau 1916) nó được sử dụng trên máy bay, bởi người Anh lẫn người Pháp.2

Một kiểu súng khác gọi là súng Lewis cũng được sử dụng rộng rãi. Đó là một khẩu súng do người Mĩ thiết kế, nhẹ hơn nhiều so với súng Vickers. Nó được người Anh sử dụng rộng rãi. Lạ thay, mặc dù nó được một viên đại tá Mĩ tên là Isaac Lewis thiết kế vào năm 1911, nhưng nó không được quân đội Mĩ sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến. Thật vậy, Lewis bắt đầu vỡ mộng với Quân đội Mĩ vào năm 1913 vì các lãnh đạo quân đội không chấp nhận súng của ông, thế là ông rời nước Mĩ, đến Bỉ một thời gian ngắn, rồi đến Anh, tại đó ông hợp tác với các nhà sản xuất Anh để chế tạo súng. Cân nặng hai mươi tám pound, chỉ bằng khoảng một nửa trọng lượng khẩu Vickers, và độ dài của nó vừa vặn hơn bốn foot, nên nó dễ dàng được mang theo bởi một người lính. Nó dùng đạn Anh 0.303 (mặc dù một số mẫu dùng 0.30-06), và tốc độ khai hỏa của nó khoảng chừng sáu trăm viên trên phút, với tầm sát thương khoảng 880 yard và tầm xa 3.500 yard.

Súng trường 75 li của Pháp còn giữ một vai trò quan trọng trong một vài trận đánh, nhất là lúc gần nổ ra cuộc chiến. Nó có một cơ chế giật lùi cho phép nòng trượt tới lui sau khi khai hỏa trước khi trở lại vị trí bắn ban đầu của nó. Vì chuyển động này không làm khẩu súng dịch chuyển, nên chẳng cần nhắm bắn lại. Nó bắn cực kì chuẩn xác và có thể nhả mười lăm viên đạn mỗi phút. Đối với ai ở ngoài đồng trống, thì nó có nghĩa là chết chắc, và trong Trận Marne hơn hai nghìn lính Đức đã bị bắn hạ trong vòng bốn phút.

NHỮNG VŨ KHÍ KHÁC

Nghe có vẻ như súng máy là vũ khí duy nhất được dùng trong Thế chiến I. Nhưng đâu phải vậy, một số kiểu súng khác gây chết người không thua gì súng máy. Súng trường nòng xoắn đã được cải tiến nhiều, cùng với đại bác và những loại pháo khác, và lựu đạn cầm tay bắt đầu giữ vai trò lớn. Súng bắn lửa cũng được sử dụng. Và, như đã nói ở phần trước, chính một loạt vũ khí mới và đầy uy lực đã dẫn tới bế tắc. Hơn nữa, phần lớn vũ khí là nhờ các đột phá về khoa học – nhất là vật lí học.3

Súng hỏa mai thời Nội Chiến đã được phe Anh thay bằng súng trường Lee-Enfield chốt cài. Tên gọi có xuất xứ từ nhà phát minh của nó, James Perris Lee, và nhà xưởng ở Enfield, nước Anh, nơi nó được sản xuất lần đầu tiên. Băng đạn được đặt trong một hộp kim loại gọi là ổ đạn, với một lò xo dưới đáy. Khi chốt mở, lò xo đẩy băng đạn lên vào vị trí. Khi chốt đóng, băng đạn phía trên bị đẩy vào buồng đốt, sẵn sàng khai hỏa. Sau khi khai hỏa, chốt mở ra, làm băng đạn rỗng bật ra, và một băng đạn mới được nạp vào. Ổ đạn chứa mười băng đạn và được nạp đạn Anh .303.

Chốt cài nhanh và dễ sử dụng, và với ổ đạn tương đối lớn tháo lắp được của nó, khiến nó là một khẩu súng trường tuyệt vời. Với nó, một tay súng được huấn luyện tốt có thể dễ dàng bắn hai mươi đến ba mươi viên đạn mỗi phút. Nó bắn chuẩn xác lên tới hai nghìn foot, và có tầm xa khoảng 4.500 foot. Người Đức dùng Mauser Gewehr, đó cũng là một khẩu súng chốt cài nổi tiếng vì độ chuẩn xác của nó. Và về cuối cuộc chiến họ còn dùng Mauser T là một kiểu súng chống tăng. Ngoài ra, các kiểu súng lục như Webley của Anh, Lugar của Đức, Colt .45 của Mĩ cũng được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến. Chúng đều được dùng bởi các viên sĩ quan.

Đại bác và pháo cỡ lớn cũng được cải tiến nhiều. Pháo bức kích, tức đại bác bắn đạn đi theo quỹ đạo cao, cong nhiều, được sử dụng khá hiệu quả chống lại các công sự và mục tiêu ẩn. Chúng nả đạn nặng qua nòng tương đối ngắn, và được sử dụng chủ yếu bởi người Đức lúc đầu cuộc chiến ở Bỉ. Khẩu trọng pháo tên gọi là “Đại Bertha” đã phá tan hoang các pháo đài ở Bỉ khi quân Đức tiến qua đất nước này. Vấn đề lớn nhất đối với những khẩu súng lớn là trọng lượng của chúng, song vấn đề này cuối cùng cũng được giải quyết nhờ đường ray. Thật vậy, nhiều khẩu pháo được gắn trên các toa xe chạy ray, các toa này còn giúp khắc phục chuyển động giật lùi của chúng. Những khẩu súng như thế có thể bắn đạn khổng lồ đi xa tới ba mươi dặm.

Súng cối cũng được sử dụng trong Thế chiến I. Giống như pháo bức kích nó là súng có quỹ đạo cao, nhưng nhỏ hơn nhiều. Đạn bắn có thể thả dễ dàng vào nòng rộng, chắc dày của nó và khai hỏa nhanh. Nó có thể bắn đạn đi xa đến hai nghìn hai trăm yard. Và súng đối không cũng được phát triển không bao lâu sau khi máy bay bắt đầu giữ một vai trò lớn trong cuộc chiến. Chúng có thể bắn bốn viên trên phút đi xa ba nghìn yard.

Lựu đạn thô cầm tay đã có mặt trong nhiều năm. Người Trung Hoa xưa đã dùng chúng, và chúng còn được người Pháp sử dụng vào thế kỉ mười lăm. Đã có những nỗ lực lớn nhằm hoàn thiện chúng trong Thế chiến I. Lúc nổ ra cuộc chiến, người Đức được trang bị tốt lựu đạn cầm tay, song các nước khác nhanh chóng bắt kịp. Đặc biệt, chiến hào khiến chúng rất hiệu quả. Các “đội ném bom” ở cả hai phe sẽ dùng đủ loại lựu đạn cầm tay tấn công chiến hào phe địch, và những sứ mệnh này gia tăng tần suất khi cuộc chiến diễn ra. Lúc đầu cuộc chiến người Anh có rất ít lựu đạn cầm tay, song trong vòng vài năm họ đã sản xuất nửa triệu quả mỗi tuần.

Lựu đạn có thể được kích nổ bằng một trong hai cách: va đạp (kíp nổ) hoặc sử dụng cầu chì hẹn giờ. Lựu đạn kiểu hẹn giờ thường được ưa chuộng hơn vì lựu đạn kiểu kíp nổ dễ bị tai nạn ngoài ý muốn. Ở lựu đạn hẹn giờ, một cái chốt có thể dùng tay rút ra trở nên phổ biến ở những giai đoạn về sau của cuộc chiến. Và chúng gồm đủ hình dạng và kích cỡ. Lựu đạn gậy [lựu đạn hình chiếc gậy được quân Đức sử dụng trong Thế chiến I - ND] có tay cầm, một kiểu lựu đạn khác có hình trụ, nhưng về sau đa số đều có hình oval. Lựu đạn có thể được ném [bằng tay] hoặc phóng bằng súng. Lựu đạn phóng được gắn với một thanh rắn đặt vào nòng súng hoặc đặt trong một cái cốc gắn với nòng súng. Người ta dùng một hộp đạn rỗng để phóng chúng. Lựu đạn cốc đặc biệt phổ biến với người Pháp và người Anh; mặc dù chúng không chuẩn xác lắm, nhưng chúng có thể được phóng đi xa hai trăm yard.

Lựu đạn Mills được người Anh trình làng vào tháng Năm 1915 và nhanh chóng trở nên rất phổ biến. Nó có bề ngoài răng cưa để khi nổ thì vỡ thành nhiều mảnh, và nó khá nhẹ, chỉ 1,25 pound. Một chốt an toàn cài giữ chốt bật lại. Sau khi rút chốt an toàn, chốt bật được tay người cầm giữ cho đến khi lựu đạn được ném đi. Nó có cầu chì bốn giây.

Người Đức cũng có đủ kiểu lựu đạn: hình gậy, hình cầu, hình đĩa, và hình trứng. Họ thích lựu đạn hình trứng vì nó có thể được ném đi tương đối dễ dàng xa đến năm mươi yard.

Có lẽ thứ kinh hoàng nhất cuộc chiến, chí ít là đối với những người lính phải đối mặt, chính là súng phóng lửa. Mặc dù súng phóng lửa thô đã được sử dụng trong những cuộc chiến trước đó, nhưng đây là cuộc chiến đầu tiên trong đó sử dụng một kiểu phóng lửa hiệu quả, được thiết kế tốt. Nó được người Đức sử dụng chống lại quân Anh và Pháp trong những giai đoạn đầu của cuộc chiến vào năm 1914. Người Đức đã bắt đầu làm thí nghiệm với súng phóng lửa từ hồi 1900. Họ dùng không khí nén, carbon dioxide, hay nitrogen để đẩy dầu qua một vòi phun. Khi hỗn hợp đập vào không khí nó bắt lửa bởi một mồi lửa nhỏ và trở thành một luồng lửa. Súng phóng hỏa buổi đầu có tầm quét chừng tám mươi foot, song tầm này về sau tăng lên khoảng 130 foot. Điều này khiến chúng khá hiệu quả trên chiến hào.

Người Đức có hai model, một mẫu di động tương đối nhỏ có thể được mang bởi một người lính, và một mẫu lớn hơn, nặng hơn nhiều, có tầm tác chiến lớn gấp đôi so với mẫu nhỏ. Nó cần vài ba người để di chuyển. Model nhỏ được sử dụng lần đầu tại The Hague ở Flanders, Bỉ. Trận đánh diễn ra vào ngày 30 tháng Bảy, 1915, khi đó quân Đức mang các bình trụ khí sau lưng họ tấn công vào hàng ngũ quân Anh. Thoạt đầu lửa cháy bốc cao đã gây khiếp đảm cho quân Anh vốn không phòng bị, nhưng sau khi bị mất một vài vị trí, quân Anh nhanh chóng giành lại được. Người Đức cảm thấy hài lòng với sự thành công của súng phóng lửa và bắt đầu sử dụng nó trong phần lớn các trận đánh diễn ra sau đó. Những người lính được trang bị súng bắn lửa sớm trở thành lính bị để ý; quân Anh và Pháp tập trung hỏa lực của họ vào những kẻ chỉ huy, và ít khẩu súng nào hoạt động được lâu.

Người Anh sớm bắt đầu thử nghiệm với súng bắn lửa của riêng họ. Họ chế tạo vài model, từ một mẫu di động tương đối nhẹ cho đến những mẩu nặng nề nhất. Mẫu lớn có tầm tác chiến khoảng chín mươi yard. Người Pháp cũng phát triển vài mẫu. Chúng hoạt động khá hiệu quả trong Trận Somme ở Pháp.

Các vũ khí khác được sử dụng rộng rãi bao gồm khí độc và xe tăng. Chúng sẽ được trình bày trong phần sau.

CUỘC CHIẾN BÙNG NỔ NHƯ THẾ NÀO

Mồi lửa châm ngòi chiến tranh là vụ ám sát Hoàng tử Franz Ferdinand, người thừa hưởng ngai vàng Áo-Hung, tại Sarajevo ngày 28 tháng Sáu, 1914. Nó dẫn tới một loạt những sự kiện gần như vớ vẩn xảy ra rất nhanh, chủ yếu bởi vì tất cả các nước có dính líu đều có các hiệp ước và liên minh với các nước khác. Mặc dù Franz Ferdinand chẳng mấy tên tuổi, nhưng người Áo-Hung cáo buộc người Serbia tội thông đồng (Ferdinand thật ra bị giết bởi một tay khủng bố trẻ tuổi thuộc một nhóm gọi là Bàn tay Đen) và đã ra một vài tối hậu thư cho họ. Người Serb bác bỏ một số tối hậu thư đó, và, bởi vậy, người Áo-Hung huy động quân đội của họ vào ngày 28 tháng Bảy, 1914. Nhưng nước Nga, vốn bị ràng buộc bởi một hiệp ước với Serbia, nhanh chóng nhảy vào giải cứu. Tương tự như vậy, nước Đức có một hiệp ước với Áo-Hung, thành ra người Đức cũng tham chiến vào ngày 1 tháng Tám. Rồi đến lượt nước Pháp, vốn có hiệp ước với Nga; Pháp tuyên bố chiến tranh vào ngày 3 tháng Tám. Do Đức xâm lược Bỉ, nên nước Anh bị kéo vào cuộc chiến khi Vua nước Bỉ cầu cứu Anh.4

Thoạt đầu ai cũng nghĩ đó sẽ là một cuộc chiến tương đối chớp nhoáng, nhưng nó sớm leo thang thành một cơn ác mộng mất kiểm soát, chủ yếu do bởi sự ngoan cố của các nước có dính líu. Ba thế lực mạnh trên lục địa, Đức, Pháp, và Nga, đều muốn tấn công ngay lập tức. Thế nhưng trước sự bất ngờ của họ, họ thấy ma trận vũ khí chết người mới mà mỗi nước có đều chẳng đem lại lợi thế gì. Hàng trăm khẩu súng máy bắt đầu hạ gục quân đội. Kiểu phòng thủ tốt nhất chính là một con hào thật sâu. Trong vòng một thời gian ngắn, mặt trận đã trở thành hai đường hào cách nhau vài trăm yard, chẳng phe bên nào muốn tấn công trước. Và lạ thay, trong bốn năm sau đó những con hào này di chuyển rất ít. Nó là một thế bí. Thật vậy, trong một vài nỗ lực muốn di chuyển đường hào, hàng trăm nghìn binh lính đã bị bắn hạ. Họ không chỉ bị hạ bởi súng máy và các loại pháo, mà còn bởi khí độc, bởi súng bắn lửa và bị ném lựu đạn cầm tay. Và trên đầu còn có thứ mới mẻ nữa: máy bay sớm bắt đầu oanh tạc những con hào bằng những loạt đạn.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm