Hiệp Khách Quậy Nhờ một chiếc kính thiên văn tìm kiếm sao neutron gắn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, các nhà nghiên cứu NASA vừa lập được một bản đồ mới quý báu về vũ trụ. Xin mời đọc tiếp.
Nhờ một chiếc kính thiên văn tìm kiếm sao neutron gắn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, các nhà nghiên cứu NASA vừa lập được một bản đồ mới quý báu về vũ trụ.
Bản đồ toàn bầu trời mới được NASA công bố trên website hôm 30 tháng Năm vừa qua cho thấy Vũ trụ trông như thế nào trong vùng phổ tia X. Tia X là một trong những dạng ánh sáng năng lượng cao nhất trong vũ trụ; chúng được truyền vào không gian bởi một số vật thể cực độ nhất trong vũ trụ, bao gồm các vụ nổ siêu tân tinh dữ dội, các sao neutron nghiến ngấu chất khí, và các siêu lỗ đen đang nuốt vật chất vào dạ hầu của chúng ở tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
Con người không thể nhìn thấy những luồng ánh sáng này len lách khắp vũ trụ (thị giác của chúng ta hạn chế với một lát ánh sáng nhìn thấy năng lượng yếu hơn nhiều của phổ điện từ), nhưng đài thiên văn tia X chuyên biệt của NASA trên Trạm Vũ trụ Quốc tế có thể nhìn thấy. Gọi là Neutron Star Interior Composition Explorer (NICER – Tàu thám hiểm Nội thất Sao neutron), sứ mệnh chính của chiếc kính thiên văn này là nghiên cứu các pulsar – các xác chết tự quay nhanh, cực kì đậm đặc của các sao co sụp hấp dẫn phát ra các xung ánh sáng năng lượng cao khi chúng xoay tròn.
Các nhà nghiên cứu không những hi vọng làm rõ các xác chết sao này được làm bằng gì, mà họ còn muốn sử dụng chúng là chỉ dẫn có thể giúp các vệ tinh trong tương lai tự điều khiển – kiểu na ná như một hệ thống GPS cấp thiên hà.
Bản đồ toàn bầu trời mới của NASA cho thấy vũ trụ trông như thế nào trong vùng phổ tia X.
Trong khi quét toàn bộ bầu trời đêm tìm kiếm các pulsar gần nhất, NICER còn thu được một số nguồn ánh sáng tia X mạnh khác, bao gồm ánh le lói của một siêu tân tinh tương đối mới đây (nhìn thấy ở góc trên bên trái của hình này).
“Hình ảnh này cho thấy Cygnus Loop, một tàn dư siêu tân tinh có đường kính chừng 90 năm ánh sáng và được cho là có tuổi từ 5.000 đến 8.000 năm,” theo lời Keith Gendreau, nhà nghiên cứu chính của NICER tại Trung tâm Không gian Goddard ở Maryland. “Chúng tôi đang dần xây dựng một hình ảnh tia X mới của toàn bầu trời, và có khả năng các đợt quét ban đêm của NICER sẽ làm sáng tỏ các nguồn trước đây chưa biết.”
Thật vậy, bản đồ này chỉ mới thể hiện 22 tháng vận hành đầu tiên của NICER (nó được đưa lên trạm vào tháng Sáu 2017), và có khả năng nó chỉ mới sướt qua bề mặt của nhiều bí ẩn sao đang ẩn náu ngoài tầm nhìn của con người chúng ta.
Nguồn: Live Science