Khoa học viễn tưởng

Hiệp Khách Quậy Loài người thống lĩnh thế giới bởi vì họ có thể hợp tác tốt hơn bất kì giống loài nào khác, và họ hợp tác tốt như thế vì họ tin vào những điều hư cấu. Nhà thơ, hoạ sĩ và nhà viết kịch do đó ít ra cũng quan trọng như binh lính và kĩ sư. Người ta đi đánh trận và xây nhà thờ vì họ tin vào Chúa, và họ tin... Xin mời đọc tiếp.

Trích dịch từ 21 Lessons for the 21 Century của Yuval Noah Harari.

KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG

Tương lai không phải cái bạn nhìn thấy trên phim ảnh

Loài người thống lĩnh thế giới bởi vì họ có thể hợp tác tốt hơn bất kì giống loài nào khác, và họ hợp tác tốt như thế vì họ tin vào những điều hư cấu. Nhà thơ, hoạ sĩ và nhà viết kịch do đó ít ra cũng quan trọng như binh lính và kĩ sư. Người ta đi đánh trận và xây giáo đường vì họ tin vào Chúa, và họ tin vào Chúa vì họ từng đọc những vần thơ về Chúa, vì họ từng nhìn thấy những bức hoạ về Chúa, và vì họ từng bị mê hoặc bởi những vở kịch trên sân khấu về Chúa. Tương tự, niềm tin của chúng ta vào huyền thoại hiện đại về chủ nghĩa tư bản được trụ đỡ bởi những sáng tạo nghệ thuật của Hollyood và nền công nghiệp giải trí. Chúng ta tin rằng mua nhiều đồ hơn sẽ khiến chúng ta hạnh phúc, vì chúng ta đã chứng kiến tận mắt thiên đường chủ nghĩa tư bản trên ti vi.

Vào đầu thế kỉ 21, có lẽ thể loại nghệ thuật quan trọng nhất là khoa học viễn tưởng. Rất ít người đọc những bài báo mới nhất trong các lĩnh vực máy học thuật hay kĩ thuật di truyền. Thay vậy, các bộ phim như The Matrix và Her và các bộ phim truyền hình nhiều tập như Westworld và Black Mirror đã định hình cách người ta hiểu về những phát triển công nghệ, xã hội và kinh tế quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Điều này cũng có có nghĩa là khoa học viễn tưởng nên thể hiện trách nhiệm nhiều hơn ở cách nó miêu tả các thực tại khoa học, nếu không nó có thể tiêm nhiễm người ta với những ý tưởng sai lầm hoặc hướng sự chú ý của họ vào những vấn đề sai lạc.

Như đã lưu ý trong một chương trước, có lẽ yếu điểm chí mạng của hư cấu khoa học ngày nay là nó có xu hướng nhầm lẫn trí thông minh với ý thức. Do đó, nó thường cường điệu quá mức nguy cơ chiến tranh giữa rô bôt và con người, khi mà trên thực tế chúng ta nên lo sợ trước mâu thuẫn giữa một nhóm nhỏ siêu nhân ưu tú được trao quyền bởi các thuật toán, và số lượng đông đảo tầng lớp dưới Homo sapiens không được trao quyền. Trong việc nghĩ về tương lai của trí thông minh nhân tạo (AI), Karl Marx vẫn là một chỉ dẫn tốt hơn Steven Spielberg.

Thật vậy, nhiều bộ phim về trí thông minh nhân tạo xa rời thực tiễn khoa học đến mức người ta ngỡ rằng chúng chỉ là những câu chuyện ngụ ngôn về những mối bận tâm hoàn toàn khác. Ví dụ, bộ phim hồi năm 2015 Ex Machina có vẻ như nói về một chuyên gia AI yêu một cô rô bôt để rốt lại chỉ bị lọc lừa và khống chế bởi cô ta. Nhưng trên thực tế, đây không phải một bộ phim nói về nỗi sợ của loài người trước các rô bôt thông minh. Nó là một bộ phim nói về nỗi sợ của đàn ông trước phụ nữ thông minh, và đặc biệt là nỗi sợ rằng giải phóng phụ nữ có thể sẽ dẫn tới phụ nữ thống trị. Hễ khi nào bạn xem một bộ phim nói về một AI, trong đó AI là nữ và nhà khoa học là nam, thì có khả năng bộ phim đó nói về quyền phụ nữ hơn là điều khiển học. Vậy tại sao trên Trái Đất một AI lại có bản sắc sinh thực hoặc giới tính? Giới tính là một đặc trưng của các sinh vật đa bào hữu cơ. Liệu nó có ý nghĩa gì đối với một thực thể vô cơ điều khiển tự động chứ?

Khoa học viễn tưởng

Sống trong hộp

Một đề tài mà khoa học viễn tưởng đã đề cập tới rất nhiều là về nguy cơ công nghệ bị lợi dụng để thao túng và điều khiển sinh vật người. The Matrix mô tả một thế giới trong đó hầu như toàn bộ loài người đều bị mắc kẹt trong không gian ảo, và mọi thứ họ trải nghiệm được định hình bởi một thuật toán siêu phàm. The Truman Show tập trung vào một cá nhân là một ngôi sao không tên tuổi của một sô truyền hình thực tế. Anh ta không hay biết gì, toàn bộ bạn bè và người thân của anh ta – bao gồm mẹ anh ta, vợ anh ta, và bạn thân nhất của anh ta – đều là diễn viên; mọi thứ xảy ra với anh ta tuân theo một kịch bản đã soạn kĩ; và mọi thứ anh ta nói và làm được ghi lại bởi những camera giấu kín và được hàng triệu người hâm mộ hăm hở theo dõi.

Tuy nhiên, cả hai bộ phim – bất chấp sự đình đám của chúng – đều có kết thúc phản tác dụng so với toàn bộ những hàm ý từ kịch bản của chúng. Chúng giả định rằng loài người bị mắc kẹt trong ma trận đều có một bản ngã chân thật, thứ vẫn không hề bị chạm tới bởi mọi thao túng công nghệ, và rằng vượt ngoài ma trận đó là một thực tại chân thật đang chờ đón, chỉ cần cố gắng thật nhiều thì những người anh hùng có thể tiếp cận đến. Ma trận ấy chỉ là một rào cản nhân tạo chia cắt cái bản ngã chân thật bên trong bạn với thế giới chân thật bên ngoài. Sau nhiều thử nghiệm và khổ nạn, hai người anh hùng – Neo trong The Matrix và Truman trong The Truman Show – đã biết cách vượt quá giới hạn và thoát khỏi mạng lưới thao túng, khám phá bản ngã chân thật của họ, và đi tới miền đất hứa.

Thật hiếu kì làm sao, miền đất hứa chân thật này lại y hệt về mọi mặt với ma trận giả lập. Khi Truman thoát ra khỏi phòng thu ở đài truyền hình, anh tìm cách đoàn tụ với người yêu thời trung học của mình, người mà đạo diễn sô truyền hình đã bỏ ra. Nhưng nếu Truman thoả mãn với ảo tưởng lãng mạn đó, thì cuộc sống của anh sẽ y chang với giấc mơ Hollywood hoàn hảo mà The Truman Show đã bán cho hàng triệu người xem trên khắp thế giới – cộng với những kì nghỉ ở Fiji nữa. Bộ phim còn không cho chúng ta chút gợi ý nào về loại cuộc sống khác mà Truman có thể tìm thấy trong thế giới thực.

Tương tự, khi Neo thoát ra khỏi ma trận bằng cách nuốt viên thuốc màu đỏ nổi tiếng, anh phát hiện rằng thế giới bên ngoài chẳng khác với thế giới bên trong. Cả bên trong lẫn bên ngoài đều có những mâu thuẫn dữ dội và người ta bị chi phối bởi sự sợ hãi, lòng ham muốn, tình yêu thương và sự đố kị. Bộ phim lẽ ra nên kết thúc với việc rỉ vào tai Neo rằng thực tại mà anh vừa tiếp cận chỉ là một ma trận lớn hơn, và rằng nếu anh ta muốn thoát vào “thế giới thực đích thực”, anh phải chọn một lần nữa giữa viên thuốc màu xanh và viên thuốc màu đỏ.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay ngụ ý rằng không phải từng cá nhân xác thực và thực tại xác thực có thể bị thao túng bởi các thuật toán và camera truyền hình, mà rằng tính xác thực chỉ là một thần thoại mà thôi. Người ta e sợ bị mắc kẹt bên trong một cái hộp, nhưng họ lại không nhận ra rằng họ đã bị mắc kẹt bên trong một cái hộp – bộ não của họ – và nó bị khoá bên trong một cái hộp lớn hơn – xã hội loài người với vô số điều hư cấu của nó. Khi bạn thoát ra khỏi ma trận, thứ duy nhất bạn tìm thấy là một ma trận lớn hơn. Khi những người nông dân và công nhân khởi nghĩa chống lại sa hoàng vào năm 1917, cuối cùng họ lại phải chịu đựng Stalin; và khi bạn bắt đầu khám phá những cách đa dạng mà thế giới thao túng bạn, cuối cùng bạn nhận ra rằng cái bản sắc cốt lõi của mình là một ảo tưởng phức tạp do các mạng lưới thần kinh tạo ra mà thôi.

Người ta sợ bị mắc kẹt bên trong một cái hộp, họ sẽ bỏ lỡ mọi điều hay ho của thế giới. Chừng nào Neo còn kẹt lại bên trong ma trận, và Truman còn kẹt lại bên trong phòng thu truyền hình, họ sẽ không bao giờ đặt chân đến Fiji, hay Paris, hay Machu Picchu. Nhưng thật ra, mọi thứ bạn sẽ trải nghiệm trong đời là ở trong cơ thể bạn và trong tâm trí của riêng bạn. Thoát khỏi ma trận hay đi du lịch tới Fiji chẳng gây ra sự khác biệt nào hết. Không phải đâu đó trong tâm trí bạn có một cái hòm sắt với dòng cảnh báo màu đỏ to đùng “Chỉ được mở ra ở Fiji!” và rốt cuộc khi bạn du lịch tới Nam Thái Bình Dương bạn mới mở cái hòm đó ra và biểu hiện mọi loại cảm xúc và cảm giác đặc biệt mà bạn chỉ có thể có ở Fiji. Và nếu trong đời mình bạn không hề đến Fiji, thì bạn sẽ bỏ lỡ những cảm xúc đặc biệt này mãi mãi. Không đúng. Cho dù bạn có thể cảm thấy gì ở Fiji, thì bạn cũng có thể cảm thấy thế ở mọi nơi khác trên thế giới; thậm chí ở bên trong ma trận.

Có lẽ tất cả chúng ta đang sống bên trong một mô phỏng máy tính khổng lồ, kiểu Matrix. Điều đó sẽ mâu thuẫn với mọi câu chuyện sắc tộc, tôn giáo và ý thức hệ của chúng ta. Nhưng các trải nghiệm tinh thần của chúng ta vẫn sẽ là thật. Nếu như hoá ra lịch sử nhân loại là một mô phỏng tinh vi chạy trên một siêu máy tính của các nhà khoa học chuột đến từ hành tinh Zircon, thì hẳn Karl Marx lẫn Nhà nước Hồi giáo sẽ khá xấu hổ. Nhưng những nhà khoa học chuột này sẽ vẫn phải trả lời cho nạn diệt chủng Người da đỏ và trại tập trung Auschwitz. Làm thế nào họ thông qua được uỷ ban đạo đức của Đại học Zircon kia chứ? Cho dù các buồng khí độc ấy chỉ là những tín hiệu điện trong các con chip silicon, thì các trải nghiệm về nỗi đau, nỗi sợ và sự tuyệt vọng đâu có vì thế mà bớt đi chút dữ dội nào.

Đau là đau, sợ là sợ, và yêu là yêu – cho dù là trong ma trận. Cho dù nỗi đau mà bạn cảm nhận ấy là do một tập hợp nguyên tử ở thế giới bên ngoài hay do các tín hiệu điện được điểu khiển bởi một máy vi tính. Nỗi sợ ấy vẫn là thật. Vì thế nếu bạn muốn khám phá thực tại về tâm trí mình, bạn có thể làm thế ở bên trong ma trận cũng như ở bên ngoài nó.

Thật ra đa số các bộ phim khoa học viễn tưởng đều kể một câu chuyện cũ rích: tinh thần chiến thắng vật chất. Hồi ba mươi nghìn năm trước, câu chuyện kể như sau: ‘Tâm trí hình dung con dao đá – bàn tay chế tạo con dao – con người giết con ma mút.’ Nhưng sự thật thì loài người đã nắm quyền điều khiển thế giới không phải bằng cách phát minh các con dao và giết ma mút, cũng chẳng phải bằng cách kiểm soát tâm trí con người. Tâm trí không phải là thứ tự do định hình các hành động lịch sử và các thực tế sinh học – tâm trí là thứ chịu sự định hình bởi lịch sử và sinh học. Ngay cả những lí tưởng nâng niu nhất của chúng ta – tự do, tình yêu, sáng tạo – vẫn giống con dao đá mà ai đó khác đã tạc ra để tiêu diệt một con ma mút nào đó. Theo những lí thuyết khoa học tốt nhất và những dụng cụ kĩ thuật tân tiến nhất, tâm trí chưa bao giờ thoát khỏi sự kiểm soát. Chẳng có cái bản ngã chân thật nào đang chờ được giải phóng ra khỏi lớp vỏ đang thao túng.

Bạn có biết bao nhiêu bộ phim, bao nhiêu tiểu thuyết và bao nhiêu bài thơ mà bạn đã ngốn ngấu trong những năm qua, và làm thế nào những tạo tác này uốn nắn và gọt giũa quan niệm của bạn về tình yêu hay không? Vai trò của những vở kịch lãng mạn đối với tình yêu cũng giống như khiêu dâm đối với tình dục và chiến binh Rambo đối với chiến tranh. Và nếu bạn nghĩ bạn có thể ấn một nút delete nào đó và quét sạch mọi vết tích của Hollywood ra khỏi ý thức của bạn và hệ thống vỏ não của bạn, thì đấy là bạn đang tự dối mình mà thôi.

Chúng ta thích ý tưởng đẽo gọt những con dao đá, nhưng chúng ta không thích ý tưởng bản thân chúng ta là những con dao. Vì thế phiên bản ma trận của câu chuyện ma mút xưa cũ đại loại như sau: ‘Tâm trí hình dung con rô bôt – bàn tay tạo ra con rô bôt – rô bôt tiêu diệt bọn khủng bố và cố kiểm soát tâm trí – tâm trí tiêu diệt rô bôt.’ Nhưng câu chuyện này là sai. Vấn đề không phải tâm trí sẽ không thể tiêu diệt con rô bôt. Vấn đề là tâm trí đã hình dung con rô bôt lúc ban đầu ấy là sản phẩm của những thao túng trước đó nữa. Vì thế tiêu diệt con rô bôt sẽ không khiến chúng ta tự do.

Disney mất niềm tin vào tự do ý chí

Năm 2015, Pixar Studios và Walt Disney Pictures phát hành một câu chuyện cổ tích hoạt hình thực tế hơn nhiều và rắc rối hơn nhiều về tình trạng con người, nó nhanh chóng trở thành sản phẩm bom tấn đối với trẻ em cũng như người lớn. Inside Out kể lại câu chuyện về một cô bé mười một tuổi, Riley Andersen, cô bé theo bố mẹ chuyển nhà từ Minnesota đến San Francisco. Thiếu vắng bạn bè và quê hương, nên cô bé gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cuộc sống mới của mình, và cô bé cố tìm đường trở lại Minnesota. Nhưng Riley có biết đâu, có một vở kịch lớn hơn nhiều đang diễn ra. Riley không phải ngôi sao không tên tuổi của một sô truyền hình thực tế, và cô bé không mắc kẹt trong ma trận. Thay vậy, bản thân Riley là ma trận, và có thứ gì đó mắc kẹt bên trong cô bé.

Hãng Disney đã xây dựng đế chế của mình bằng cách kể đi kể lại một câu chuyện huyền thoại. Trong vô số bộ phim Disney, các anh hùng đối mặt trước khó khăn và nguy hiểm, nhưng cuối cùng họ giành thắng lợi bằng cách tìm thấy cái bản ngã chân thật của họ và đi theo những lựa chọn tự do của họ. Inside Out tàn bạo phá huỷ huyền thoại này. Nó thông qua quan điểm sinh học thần kinh mới nhất về con người, và đưa khán giả tiến vào hành trình vào bộ não của Riley chỉ để khám phá rằng cô bé không có cái bản ngã chân thật và rằng cô bé không hề đưa ra bất kì chọn lựa tự do nào. Thật ra Riley là một con rô bôt bự được điều khiển bởi một tập hợp những cơ chế sinh hoá mâu thuẫn mà bộ phim đã nhân cách hoá thành những nhân vật hoạt hình dễ thương: Hân Hoan vàng khè và vui vẻ, Phiền Muộn xanh xám và đau khổ, Phẫn Nộ đỏ au cộc cằn, vân vân. Bằng cách kiểm soát một bộ nút nhấn và đòn bẩy trong Trung tâm Điều khiển, đồng thời quan sát nhất cử nhất động của Riley trên một màn hình ti vi khổng lồ, những nhân vật này kiểm soát mọi tâm trạng, quyết định và hành động của Riley.

Riley không điều chỉnh được cuộc sống mới của cô bé ở San Francisco là do cái quái quỷ gì đó trong Trung tâm Điều khiển doạ nẹt làm bộ não Riley hoàn toàn mất ổn định. Để mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Hân Hoan và Phiền Muộn phải bước vào một hành trình bi tráng qua bộ não Riley, lướt trên đoàn tàu tư duy, khám phá nhà tù ý thức, và đến thăm phòng thu lõi nơi một đội neuron nghệ sĩ đang bận rộn thêu dệt những giấc mơ. Khi chúng ta dõi theo những cơ chế sinh hoá đã nhân cách hoá này vào sâu bên trong bộ não Riley, chúng ta không hề bắt gặp linh hồn, cái bản ngã chân thật, hay tự do ý chí. Thật vậy, thời khắc giác ngộ mà toàn bộ cốt truyện xoay quanh đó không xảy ra khi Riley tìm thấy cái bản ngã chân thật độc nhất của cô bé, mà khi chuyện vỡ lẽ rằng không thể nhận dạng Riley bằng một cái cốt lõi nào đó hết, và hạnh phúc của cô bé phụ thuộc vào sự tương tác của nhiều cơ chế khác nhau.

Ban đầu, khán giả được dẫn dắt để xác định Riley với tính cách nổi trội – Hân Hoan vàng khè vui vẻ. Nhưng rốt cuộc hoá ra đây là sai lầm nghiêm trọng có nguy cơ làm hỏng cuộc đời Riley. Bởi nghĩ rằng cô bé cô đơn là bản chất đích thực của Riley, Hân Hoan doạ nẹt mọi nhân vật bên trong khác, vì thế mà làm gián đoạn sự cân bằng mong manh của bộ não Riley. Giác Ngộ xuất hiện khi Hân Hoan hiểu ra sai lầm của cô bé, và cô bé – cùng với khán giả –nhận ra rằng Riley không phải là Hân Hoan, hay Phiền Muộn, hay bất kì nhân vật nào khác. Riley là một câu chuyện phức tạp được tạo ra bởi các mâu thuẫn và hợp tác cùng nhau của tất cả các nhân vật hoá sinh.

Cái thật sự bất ngờ không chỉ là việc hãng Disney dám tung ra thị trường một bộ phim với một thông điệp cấp tiến như vậy – mà còn ở việc nó trở nên nổi tiếng thế giới. Có lẽ thành công được như vậy là vì Inside Out là một phim hài với kết thúc có hậu, và đa số khán giả có thể đã lỡ mất ý nghĩa thần kinh học lẫn những hàm ý thâm sâu của nó.

Ta không thể nói điều tương tự về tác phẩm khoa học viễn tưởng mang tính tiên tri nhất của thế kỉ hai mươi. Bạn không thể bỏ lỡ bản chất thâm sâu của nó. Nó được viết cả thế kỉ trước rồi, nhưng nó trở nên xác đáng hơn với mỗi năm trôi qua. Aldous Huxley sáng tác Brave New World vào năm 1913, với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít đang xây thành đắp luỹ ở Nga và Ý, Đảng Quốc xã đang ngoi lên ở Đức, nước Nhật quân phiệt bắt đầu gây hấn xâm lược ở Trung Hoa, và toàn thế giới bị nhấn chìm bởi thời kì Đại Suy thoái. Nhưng Huxley biết cách nhìn xuyên qua tất cả những đám mây đen này, và hình dung một xã hội tương lai không có chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh, thụ hưởng nền hoà bình vĩnh cửu, thịnh vượng và khoẻ mạnh. Đó là một thế giới tiêu dùng, hoàn toàn tự do về tình dục, ma tuý và âm nhạc, và giá trị tối thượng của nó là hạnh phúc. Giả định nền tảng của tác phẩm ấy là rằng con người là những thuật toán hoá sinh, rằng khoa học có thể ‘hack’ thuật toán con người, và rằng khi ấy có thể sử dụng công nghệ để khống chế nó.

Trong thế giới mới can trường này, Chính phủ Thế giới sử dụng công nghệ sinh học tiên tiến và kĩ thuật xã hội để đảm bảo mọi người luôn no ấm, và chẳng ai có lí do gì để khởi loạn. Cứ như thể Hân Hoan, Phiền Muộn và các nhân vật khác trong bộ não Riley đã biến thành các cơ quan chính phủ tối cao. Do đó chẳng cần đến cảnh sát nằm vùng, hay các trại tập trung, hay một Bộ Yêu Thương theo kiểu tiểu thuyết Một Chín Tám Tư của Orwell. Thật vậy, thiên tài của Huxley là ở chỗ chỉ cho bạn thấy rằng bạn có thể kiểm soát con người một cách an toàn hơn nhiều thông qua tình yêu và sự thoả mãn, chứ không phải thông qua sự sợ hãi và bạo lực.

Khi người ta đọc Một Chín Tám Tư, rõ ràng Orwell đang mô tả một thế giới ác mộng đáng sợ, và câu hỏi duy nhất còn bỏ ngỏ là ‘Làm thế nào chúng ta tránh tiến tới một nhà nước kinh khủng như vậy?’ Việc đọc Brave New World là một trải nghiệm còn khó khăn và hoang mang hơn nhiều, vì bạn bận dò ngón tay lên đó để khỏi nhầm chỗ. Thế giới là hoà bình và thịnh vượng, và mọi người ai cũng hết sức hài lòng mọi lúc mọi nơi. Vậy điều đó có gì sai trái?

Huxley giải quyết trực tiếp câu hỏi này ở thời khắc cao trào của quyển tiểu thuyết: cuộc đối thoại giữa Mastapha Mond, Người điều hành Thế giới phụ trách Tây Âu, và John Hoang Dã, người sống cả đời mình trong Khu bảo tồn quốc gia ở New Mexico, và là kẻ duy nhất còn lại ở London vẫn biết mọi điều về Shakespeare hay về Chúa.

Khi John Hoang Dã kích động người dân London khởi nghĩa chống lại hệ thống kiểm soát họ, họ phản ứng hết sức thờ ơ trước lời kêu gọi của anh ta, nhưng cảnh sát bắt giữ anh ta và áp giải anh ta đến trước Mustapha Mond. Người điều hành Thế giới có một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng với John, lí giải rằng nếu anh ta cứ khăng khăng chống đối xã hội, thì anh ta sẽ bị lưu đày đến một nơi hẻo lánh nào đó và sống như một ẩn sĩ. Sau đó, John cật vấn lại các quan điểm thiết lập trật tự toàn cầu, và cáo buộc Chính phủ Thế giới rằng trong quá trình theo đuổi hạnh phúc, họ đã tiêu trừ không chỉ sự thật và cái đẹp, mà toàn bộ những gì cao quý và hào hùng trong cuộc sống:

‘Anh bạn trẻ của tôi ơi,’ Mustapha Mond nói, ‘nền văn minh tuyệt đối không cần đến sự cao quý hay chủ nghĩa anh hùng. Những thứ này là triệu chứng của sự kém hiệu quả chính trị. Trong một xã hội được tổ chức thoả đáng như xã hội của chúng ta, chẳng ai có cơ hội để mà cao quý hay làm anh hùng. Tình trạng phải rất bất ổn thì vận hội như thế mới có thể phát sinh chứ. Ở đâu có chiến tranh, ở đâu có phân chia giai cấp, ở đâu có cám dỗ để chống lại, có cái yêu thương phải chiến đấu hoặc bảo vệ - thì rõ ràng ở đó sự cao quý và chủ nghĩa anh hùng mới có ý nghĩa nào đó. Nhưng ngày nay làm gì có chiến tranh. Mối bận tâm lớn nhất là ngăn anh đừng yêu ai đó quá nhiều. Chẳng có cái gì đại loại như phân chia giai cấp; anh được đáp ứng đủ đầy đến mức anh không thể giúp làm cái việc lẽ ra anh nên làm. Và cái anh nên làm là nên xoã hết mình, bao nhiêu rung động tự nhiên cứ thoải mái thể hiện, và thật sự chẳng có cám dỗ nào để mà chống lại. Và nếu có chăng nữa, do sự tình cờ xui xẻo nào đó, thứ gì đó không dễ chịu bằng cách nào đó lại xuất hiện, chẳng biết vì sao, thì luôn có soma [ma tuý] đem lại cho anh ngày nghỉ dưỡng từ thực tế cuộc sống. Và luôn có soma để xoa dịu cơn phẫn nộ của anh, để hoà giải anh với kẻ thù, để làm cho anh nhẫn nại và chịu đựng. Ngày xưa anh chỉ có thể làm những thứ này bằng cách cố gắng cật lực và sau nhiều năm rèn luyện tinh thần vất vả. Bây giờ anh nuốt hai hoặc ba viên thuốc nửa-gram, thế là anh cứ là anh thôi. Ngày nay ai cũng có thể tiết hạnh đoan chính cả. Anh có thể mang ít nhất một nửa đức hạnh của anh đựng trong một cái chai. Cơ đốc giáo không có nước mắt – soma chính là như thế.’

‘Nhưng nước mắt cần lắm chứ. Ngài không nhớ Othello nói gì sao? “Nếu sau mỗi cơn bão trời không yên biển không lặng, thì lẽ nào gió cứ thổi đến khi chúng đánh thức thần chết hay sao.” Có một câu chuyện mà một người Da đỏ lớn tuổi thường kể chúng tôi nghe, về Cô gái Mátsaki. Bọn trai tráng muốn cưới cô nàng thì phải đến cày trong vườn nhà cô vào sáng sớm. Có vẻ dễ đấy chứ; nhưng có lũ ruồi muỗi và những thứ lộn xộn khác nữa. Đa số bọn trai trẻ không chịu nổi cảnh bị đốt và bị chích. Nhưng có một chàng trai trụ được – và anh chàng được lấy cô nàng.’

‘Có duyên đấy! Nhưng ở các nước dân sự,’ Người điều hành nói, ‘anh có thể lấy các cô nàng mà chẳng cần cày bừa gì cho họ cả; và chẳng có bọn ruồi hay muỗi đốt anh đâu. Chúng ta đã tận diệt chúng hàng thế kỉ trước rồi.’

Hoang Dã gục gặc, cau mày. ‘Các ngài tận diệt chúng. Vâng, đúng y như ngài vậy. Tận diệt mọi thứ không làm mình hài lòng thay vì học cách nâng đỡ nó. Liệu đằng nào cao quý hơn, chịu đựng tất cả những viên đá, mũi tên của số phận nghiệt ngã hay là giang tay chống lại cả một biển trời rắc rối… Nhưng ngài có làm đằng nào đâu. Không chịu đựng, chẳng chống đối. Ngài chỉ việc thủ tiêu các viên đá và mũi tên thôi. Thế thì dễ quá… Cái ngài cần,’ Hoang Dã tiếp, ‘là thứ gì đó với những giọt nước mắt cho sự thay đổi… Chẳng có thứ gì đang sống nguy hiểm hay sao?’

‘Có rất nhiều thứ trong đó chứ,’ Người điều hành đáp lời. ‘Tuyến thượng thận của đàn ông và phụ nữ phải được kích thích suốt mới được… Đó là một trong các điều kiện cho sức khoẻ hoàn hảo. Đó là lí do chúng ta thực hiện chương trình điều trị V.P.S bắt buộc.’

‘V.P.S là cái quái gì thế?’

‘Violent Passion Surrogate (Uỷ nhiệm đam mê bạo lực). Đều đặn mỗi tháng một lần. Chúng ta tiêm ngập toàn hệ thống với adrenalin. Nó là tương đương sinh lí hoàn hảo của sợ hãi và giận dữ. Mọi tác dụng khoái trá của việc giết nàng Desdemona hay bị Othello giết mà không có chút bất tiện nào hết.’

‘Nhưng tôi thích sự bất tiện.’

‘Chúng ta không thích,’ Người điều hành nói. “Chúng ta ưa làm những thứ thoải mái.’

‘Nhưng tôi đâu muốn thoải mái. Tôi muốn Chúa, tôi muốn thơ ca, tôi muốn có sự nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.’

‘Thật ra,’ Mustapha Mond nói, ‘anh đang tuyên bố quyền được bất hạnh.’

‘Đúng rồi đấy,’ Hoang Dã nói dứt khoát, ‘tôi đang tuyên bố quyền được bất hạnh.’

‘Ấy là chưa kể đến quyền già đi, xấu xí và bất lực; quyền mắc giang mai và ung thư; quyền chẳng có gì để ăn cho no; quyền được đê tiện; quyền được sống trong nỗi âu lo liên tục không biết chuyện gì xảy đến vào ngày mai; quyền được mắc thương hàn; quyền được tra tấn bởi những nỗi đau không nói nên lời thuộc mọi thể loại.’

Có một khoảng trầm tư khá lâu.

‘Tôi tuyên bố hết thảy chúng đấy,’ Hoang Dã chốt lời.

Mustapha Mond nhún vai. ‘Tuỳ anh thôi,’ ông nói.

John Hoang Dã lui về một vùng hoang dã không bóng người, và sống ở đó như một ẩn sĩ. Nhiều năm sống trong khu bảo tồn người Da đỏ và bị tẩy não bởi Shakespear và tôn giáo khiến anh chối bỏ mọi phúc lành của thời hiện đại. Nhưng tiếng đồn về một kẻ khác lạ và thú vị như thế nhanh chóng lan rộng, người ta tụ tập đến nhìn anh ta và ghi lại mọi việc anh ta làm, và chẳng mấy chốc anh ta trở nên nổi tiếng. Phát mệt trước sự chú ý ồn ào ngoài mong đợi, Hoang Dã trốn khỏi ma trận dân sự không phải bằng cách nuốt một viên thuốc màu đỏ nào cả, mà anh treo cổ tự vẫn.

Không giống các tác giả của The Matrix và The Truman Show, Huxley nghi ngờ khả năng trốn thoát, vì ông đặt vấn đề liệu có ai muốn trốn thoát không. Vì não bạn và ‘bản ngã’ của bạn là bộ phận của ma trận, nên để thoát khỏi ma trận bạn phải thoát khỏi chính mình. Tuy nhiên, đó là một khả năng đáng xem xét. Việc thoát khỏi định nghĩa hẹp của bản ngã có thể sẽ trở thành một kĩ năng sinh tồn cần thiết trong thế kỉ hai mươi mốt.

Trích dịch từ 21 Lessons for the 21 Century Yuval Noah Harari

Bản dịch của Trần Nghiêm

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm