Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 29)

Hiệp Khách Quậy Xin mời đọc tiếp.

Chương 8

TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP

GIỚI THIỆU

Cách mạng Công nghiệp ở nước Anh nổ ra vào năm 1762 và kéo dài đến năm 1840. Đó là một trong những thời kì quan trọng nhất trong lịch sử loài người – chủ yếu bởi vì sức ảnh hưởng nổi bật của nó đối với cuộc sống thường nhật của người dân bình thường. Đặc biệt, tiêu chuẩn sống được nâng lên, song vẫn còn đó những vấn đề chính cần giải quyết.

Thời kì này quan trọng đối với quân sự. Nó làm thay đổi cách quân đội được trang bị và cách họ chiến đấu, và nó cho ra đời sự sản xuất hàng loạt, đó là cái mới trong thế giới khai hóa. Súng ống, đạn dược, và các vũ khí chiến tranh khác bây giờ có thể được sản xuất dễ dàng bởi hàng nghìn con người. Và đặc biệt quan trọng là việc sản xuất vũ khí đã được tiêu chuẩn hóa để các bộ phận có thể hoán đổi lẫn nhau và có thể dễ dàng thay thế.

Vật lí học, và khoa học nói chung, có vai trò gì trong cuộc cách mạng này? Như rồi sẽ rõ, có một số tranh luận ở đây. Chẳng nghi ngờ gì chuyện các phát triển đã thúc đẩy niềm đam mê vật lí; và hệ quả là các nhánh vật lí mới thật sự đã ra đời. Thế nhưng các đột phá trước đó của Newton, và các đột phá xảy ra trong Cách mạng Công nghiệp, có liên hệ bao nhiêu với vật lí học? Vấn đề ở đây là định nghĩa về “khoa học”, và nhất là “vật lí học”. Nhiều người cãi rằng “vật lí học thuần túy” ít có đóng góp. Và thật vậy, quả thật những đóng góp chính đều đến từ vật lí ứng dụng và công nghệ, vì đa số các tiến bộ thật ra là tiến bộ kĩ thuật.

Tuy nhiên, đã có những biến chuyển rất lớn trong xã hội – chủ yếu về hàng hóa, mặc dù đối với tầng lớp dưới, khói bụi từ các lò luyện mới (dùng than làm nhiên liệu) là cái mới mẻ và không lành mạnh. Và chẳng ai nghi ngờ Cách mạng Công nghiệp có tác động to lớn đối với chiến tranh và chiến trận.

CÁCH MẠNG PHÁP

Nhìn chung, Cách mạng Công nghiệp chủ yếu diễn ra ở Anh, ít nhất là trong những năm đầu, song nhìn ngược lịch sử ta dễ dàng thấy rằng nguồn gốc của nó là ở Pháp. Tuy nhiên, nó đã không xảy ra trọn vẹn ở Pháp cho đến khi nó vận động tốt ở Anh.

Nguyên nhân của Cách mạng Công nghiệp có thể truy nguyên đến Louis XIV của Pháp, người đã trị vì từ năm 1643 đến 1715. Ông có thời gian trị vì lâu nhất so với bất kì nhà vua Pháp nào – bảy mươi tư năm. Ông lên ngôi lúc mới lên bốn, song Hoàng Thái hậu và phụ tá của bà đã nhiếp chính cho đến năm ông lên hai mươi mốt. Khi ông lên nắm quyền, hải quân Anh đã thống lĩnh biển cả, và quân đội Pháp không địch nỗi quân Anh được huấn luyện tốt. Louis cảm thấy sức mạnh trong tay ông là do Chúa ban cho và rằng ông chẳng chịu trách nhiệm với ai ngoại trừ Chúa, thế nên ông quyết tâm biến nước Pháp thành quốc gia hùng mạnh nhất ở châu Âu, và để làm thế ông sẽ phải xây dựng quân đội và hải quân. Hơn nữa, nếu đây là quân đội hàng đầu, thì chúng sẽ phải có vũ khí, chiến lược, và chiến thuật hàng đầu. Và ông quyết tâm làm cho bằng được. Dẫu vậy, lạ thay, ông chẳng hề hứng thú trong việc “chỉ huy” quân đội của ông tham chiến như Adolphus của Thụy Điển từng làm, và ông có quan tâm một chút đến những phát triển mới về công nghệ, hay khoa học nói chung. Niềm đam mê chính của ông là khiêu vũ và tiệc tùng tại nhiều tòa lâu đài của ông (ông cho xây dựng tòa lâu đài hết sức nguy nga tại Versailles). May thay, ông có một vị bộ trưởng tài chính rất cừ tên là John Baptiste Colbert, và ông giao cho Colbert nhiệm vụ nâng cấp quân đội và hải quân. Và thật vậy, Colbert đã thi hành nhiệm vụ tuyệt vời; trong vòng vài năm nước Pháp đã có một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất và có quân đội được trang bị tốt nhất ở châu Âu. Hải quân của ông đã phát triển từ 18 con tàu cũ kĩ lên đến 190 con tàu được trang bị mọi dụng cụ hiện đại được biết, và quân đội của ông đã tăng từ vài nghìn binh lính được huấn luyện tệ hại lên đến 400.000 tinh binh, được trang bị đại bác và súng trường tốt nhất thời ấy.1

Với tất cả sẵn có trong tay, Louis quyết định mở rộng đường biên giới của Pháp – thực chất, ông muốn xâm lược châu Âu và thông qua đó đánh bại nước Anh. Ông xem chiến tranh như một “sự kiện thể thao”, với chính ông là thủ lĩnh. Ông bắt đầu bằng việc tấn công nước Bỉ và Hà Lan với quân đội lớn mạnh của mình. Ông dễ dàng đả bại họ, song chẳng mấy chốc các nước khác xem ông là một kẻ xâm lược ngông cuồng và bắt đầu hình thành các liên minh chống lại ông, và, do đó, các tổn thất của ông bắt đầu chất chồng. Một trong những tổn thất chính của ông là Chiến tranh Liên tiếp Tây Ban Nha, bắt đầu vào năm 1701 và tiếp diễn cho đến 1714; vào lúc cuộc chiến kết thúc, nước Pháp gần như phá sản. Thật vậy, xuyên suốt phần lớn thời gian Louis trị vì ông tham chiến suốt, và vào lúc ông qua đời năm 1715, ông vô cùng bị căm ghét.2

Mặc dù không thành công trong các tham vọng bành trướng của mình, song ông đã có đóng góp quan trọng cho sự khởi đầu của Cách mạng Công nghiệp. Mọi chuyện bắt đầu với thuốc súng. Ông muốn thuốc súng được sản xuất nhanh và hiệu quả, và các phương pháp đang khai thác lúc ấy là quá chậm, vì thế ông ra lệnh cho các bộ trưởng xây dựng một nhà xưởng khổng lồ ở Paris để sản xuất thuốc súng. Trong xưởng, ông cho bố trí cái có lẽ là “dây chuyền lắp ráp” đầu tiên cho sản xuất hàng loạt. Quá trình sản xuất trải qua vài bước, với các nhóm người tham gia trong mỗi bước, trong đó mỗi nhóm thực hiện duy nhất một việc trước khi cho sản phẩm đi tiếp sang nhóm tiếp theo. Đó là một phương thức mới, và nó hoạt động tuyệt vời. Chẳng mấy chốc ông đã có các nhà kho chất đầy thuốc súng.

Từ đây ông chuyển sang sản xuất súng – cả đại bác lẫn súng trường – và ông cho thiết lập một dây chuyền lắp ráp cho chúng. Ông cho sản xuất hàng loạt quân phục trong một dây chuyền lắp ráp khác. Từ đây lẽ ra cuộc cách mạng mới có thể lan tỏa và làm cho nước Pháp trở thành quốc gia công nghiệp hùng mạnh nhất trên Trái Đất – song không phải thế. Vào cuối thời kì trị vì của Louis, nước Pháp gần như kiệt quệ. Do đó, phần quan trọng của Cách mạng Công nghiệp diễn ra ở nước Anh.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm