Hiệp Khách Quậy Bốn hóa chất nhân tạo mới, gây phá hủy tầng ozone trong tầng cao khí quyển, và có vẻ đang làm chậm lại tiến trình hồi phục của lỗ thủng tầng ozone. Đó là kết quả mới công bố của các nhà nghiên cứu ở Anh. Xin mời đọc tiếp.
Bốn hóa chất nhân tạo mới, gây phá hủy tầng ozone trong tầng cao khí quyển, và có vẻ đang làm chậm lại tiến trình hồi phục của lỗ thủng tầng ozone. Đó là kết quả mới công bố của các nhà nghiên cứu ở Anh.
Lỗ thủng tầng ozone phía trên Nam Cực đã và đang dần co lại kể từ khi một hiệp ước quốc tế gọi là Hiệp định Montreal bắt đầu hạn chế việc sản xuất các hóa chất gây phá hủy ozone vào năm 1989. Những hóa chất này, gọi là chlorofluorocarbon (CFC), từng có mặt rộng rãi trong tủ lạnh, máy điều hòa không khí và các aerosol cho đến khi chúng phản ứng và làm phân hủy các phân tử ozone trong tầng ozone bảo vệ của Trái Đất. Hiệp định Montreal yêu cầu cắt giảm đáng kể sự phát thải CFC và cho phép lỗ thủng tầng ozone khép lại hoàn toàn, có khả năng vào khoảng năm 2050.
Lỗ thủng tầng ozone phía trên Nam Cực vào tháng 10/2013. Ảnh: NASA/Ozone Hole Watch
Vào năm 2010, một lệnh cấm chung đối với các chất CFC bắt đầu có hiệu lực, nhưng vẫn có những sơ hở nhất định trong Hiệp định Montreal cho phép những vi lượng hóa chất này được sử dụng trong sản xuất những sản phẩm nhất định, bao gồm một số loại thuốc trừ sâu và các dung môi dùng để lau chùi thiết bị điện tử.
Nay các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Đông Anglia ở Anh vừa tính được rằng những sơ hở này – trước đây được cho là tương đối không đáng kể - thật sự cho phép hơn 74.000 tấn thuộc ba chất CFC trước đây chưa biết, và một hợp chất có liên quan gọi là HCFC, thải vào khí quyển. Trong khi số lượng này nhỏ hơn nhiều so với cực đại phát thải CFC hồi thập niên 1980, nhưng nó vẫn là một lượng đáng kể có thể làm chậm tiến trình hồi phục của lỗ thủng tầng ozone. Kết quả được đội nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Geoscience, số ra ngày 9/3/2014.
“So với hồi thập niên 1980 thì số lượng trên là nhỏ - nó chưa phải là mối nguy cho tầng ozone,” phát biểu của Johannes Laube, một thành viên của đội nghiên cứu. Nhưng sự phát thải hai trong bốn hợp chất trên có vẻ đã tăng tốc trong những năm gần đây, và có thể mang lại sự phân hủy nghiêm trọng hơn của tầng ozone trong một thập niên, theo lời Laube.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh các mẫu không khí hiện đại với các mẫu không khí gần một thế kỉ tuổi bị giữ lại trong băng tuyết cổ ở Greenland. Đội nghiên cứu không tìm thấy bất kì chất nào trong bốn hợp chất mới có mặt trong băng tuyết từ trước thập niên 1960, kết quả cho thấy các hợp đó là do con người sản xuất.
Những mẫu không khí mới hơn được thu gom từ một vùng tương đối trong sạch thuộc Tasmania từ năm 1978 đến 2012. Đội nghiên cứu cũng đã thu gom có hệ thống hàng trăm mẫu không khí trong năm năm trở lại đây từ các chuyến bay thương mại trên khắp thế giới.
Vẫn chưa rõ các hợp chất thải mới phát hiện có liên quan tới các sơ hở pháp lí trong Hiệp định Montreal hay là do sản xuất hóa chất lậu. Dẫu sao, đội nghiên cứu nghĩ rằng các kết quả của họ là lời kêu gọi xem xét lại các nguồn khí thải có khả năng, và có thể mang lại một cơ hội tốt để thắt chặt các sơ hở trong Hiệp định Montreal.
Theo LiveScience