Hiệp Khách Quậy Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã bị thách đố trước hiện tượng ‘đá lăn’ bí ẩn ở Thung lũng Chết. Xin mời đọc tiếp.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã bị thách đố trước hiện tượng ‘đá biết đi’ bí ẩn ở Thung lũng Chết.
Nằm trong một khu vực xa xôi thuộc Vườn quốc gia Thung lũng Chết ở bang California, nước Mĩ, những hòn đá to nặng có vẻ đã băng đi trên cái lòng hồ cạn gọi là Racetrack Playa, để lại một vết chuyển động phía sau chúng trong lớp bùn cát rạn.
Chuyển động biểu kiến của đá như thế đã được quy cho nhiều nguyên nhân từ người ngoài hành tinh cho đến từ trường loạn lạc. Nhưng chưa có ai thật sự chứng kiến những hòn đá ấy chuyển động, vì thế hiện tượng đã bí ẩn càng thêm bí ẩn.
Những hòn đá ‘biết đi’ như thế này lâu nay đã thu hút nhiều du khách đến Thung lũng Chết
Các nhà khoa học đã cố gắng lí giải hiện tượng đá biết đi trong hàng thập niên qua. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bão bụi có thể đã làm di chuyển đá, một số tảng nặng tới 318 kg.
Những nhà nghiên cứu khác thì tuy nhiên rằng những cơn gió mạnh thường xuyên quét qua vùng lòng hồ rộng mênh mông có thể làm cho đá trượt trên đất. Những lí thuyết này lần lượt bị người ta bác bỏ, khiến các nhà khoa học bối rối không biết giải thích thế nào.
Trong một số trường hợp, người ta đo được những vết đá dài tới 250 m, theo Slate.com. Một số vết vạch nên một đường cong mềm mại, trong khi những vết khác thì vạch nên đường thẳng, sau đó đột ngột dịch sang trái hoặc phải, càng khiến các nhà khoa học thêm chóng mặt.
Từ không gian bên ngoài đến Thung lũng Chết
Hồi năm 2006, Ralph Lorenz, một nhà khoa học NASA nghiên cứu các điều kiện thời tiết trên những hành tinh khác, đã chuyển hướng quan tâm sang Thung lũng Chết. Lorenz đặc biệt lưu ý chuyện so sánh các định luật khí tượng học của Thung lũng Chết với các điều kiện vùng Ontario Lacus, một cái hồ hydrocarbon rộng mênh mông trên Titan, một vệ tinh của Thổ tinh.
Nhưng trong lúc nghiên cứu Thung lũng Chết, ông đã bị thu hút bởi hiện tượng đá biết đi ở vùng Racetrack Playa.
Lorenz đã xây dựng một mô hình nhỏ trên bàn – sử dụng vật dụng trong nhà – để nghiên cứu xem đá có thể trượt như thế nào trên bề mặt lòng hồ cạn.
“Tôi lấy một viên đá nhỏ và đặt nó trong cái khay nhựa, rồi đổ thêm chút nước sao cho có chừng 1 inch nước làm dính ướt viên đá,” Lorenz nói.
Sau khi đặt cái khay vào tủ đông, Lorenz thu được một lát băng nhỏ với một viên đá dính trong nó. Sau đó đặt viên đá dính băng vào một cái khay lớn đựng nước có cát ở dưới đáy, toàn bộ những gì ông phải làm là thổi nhẹ lên viên đá để nó di chuyển trên nước.
Và khi viên đá dính băng di chuyển, nó vạch nên một vệt trong cát dưới đáy khay. Lorenz nghĩ ra thí nghiệm khéo léo của ông lúc ông nghiên cứu làm thế nào sự nổi của băng có thể làm cho những tảng đá lớn, khi bị bọc trong băng, di chuyển bằng cách nổi theo thủy triều bãi biển ở vùng biển Bắc Cực.
Thích bí ẩn hơn khoa học
Đội nghiên cứu của Lorenz tính được rằng dưới điều kiện thời tiết mùa đông nhất định ở Thung lũng Chết, có đủ nước và băng hình thành để làm nổi các tảng đá trên đáy bùn của hồ Racetrack Playa lúc có gió nhẹ, để lại vết chuyển động trong bùn khi đá di chuyển.
Tuy nhiên, một số du khách đến Thung lũng Chết có vẻ ưa thích những lời giải thích huyền bí hơn cho hiện tượng đá biết đi.
“Người ta luôn miệng hỏi, ‘Các anh nghĩ xem cái gì làm cho chúng di chuyển?’ Nhưng nếu anh cố gắng giải thích, thì họ chẳng lúc nào muốn nghe câu trả lời cả,“ van Valkenburg nói. “Người ta ưa thích điều bí ẩn – họ thích một câu hỏi không có câu trả lời.”
Nguồn: Marc Lallanilla (LiveScience)