Hiệp Khách Quậy Khám phá ra boson Higgs công bố hồi tuần trước là kết quả của một chương trình hợp tác quốc tế bao gồm hàng nghìn nhà khoa học, nhưng dường như có hai quốc gia cảm thấy đóng góp của họ đã bị bỏ sót. Xin mời đọc tiếp.
Khám phá ra boson Higgs công bố hồi tuần trước là kết quả của một chương trình hợp tác quốc tế bao gồm hàng nghìn nhà khoa học, nhưng dường như có hai quốc gia cảm thấy đóng góp của họ đã bị bỏ sót.
Một bài báo đăng trên tạp chí Express Tribune của Pakistan hồi thứ sáu tuần trước đã mô tả chi tiết cách nhà vật lí người Pakistan Abdus Salam, cùng với những người Mĩ Steven Weinberg và Sheldon Glashow, phát triển lí thuyết điện yếu thống nhất hai trong bốn lực cơ bản. Công trình của họ giúp hoàn tất Mô hình Chuẩn, trong đó hạt Higgs là bộ phận cuối cùng được quan sát, và đã mang về cho bộ ba tác giả trên Giải Nobel vật lí năm 1979.
Abdus Salam, người có nghiên cứu giúp hoàn thiện mô hình chuẩn của ngành vật lí. (Ảnh: Hulton Archive/Getty)
Bất chấp sự thành công của ông, Salam buộc phải rời khỏi Pakistan hồi thập niên 1970 vì ông là một thành viên của phong trào Ahmadi, một nhánh phi chính thống Hồi giáo mà chính phủ Pakistan đặt ngoài vòng pháp luật.
Trong khi đó, một ngày sau hôm CERN công bố phát hiện ra một hạt mới, Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ đưa ra một thông cáo báo chí mang tựa đề “Satyendranath Bose: người anh hùng bị lãng quên của boson Higgs”. Bose là một nhà vật lí người Ấn Độ từng nghiên cứu với Einstein vấn đề hành trạng của các hạt dưới nguyên tử sau này được đặt tên là boson.
Một số nhà vật lí nghĩ rằng mối liên hệ giữa hai nhà nghiên cứu trên và khám phá hạt Higgs là xa vời. “Bose là một trong những nhà vật lí lớn đã bỏ lỡ giải Nobel,” phát biểu của Frank Close tại trường Đại học Oxford. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông chỉ gián tiếp lát đường cho khám phá hồi tuần trước. Trong khi đó, Salam “không hề khẳng định về boson Higgs”, Close nói.
Higgs và các đồng sự của ông đưa ra đề xuất của họ vào năm 1964. Chính một trong những người đồng sự đó – Tom Kibble – đã sử dụng thông tin trên làm cơ sở của bức tranh hiện đại của chúng ta về những hạt dưới nguyên tử, và sau này ảnh hưởng đến Salam, Close nói. “Nếu có ai đó đáng vinh danh ngoài Higgs ra, theo tôi người đó là Kibble, vô tình ông này cũng sinh ra ở Ấn Độ.”
Tuy nhiên, “cả hai nhà vật lí trên [Salam và Bose] đều được xem là người khổng lồ,” phát biểu của Jim Al-Khalili, một nhà vật lí tại trường Đại học Surrey, Anh quốc. “Khoa học vượt ngoài những phân biệt nhỏ nhặt như đua tranh, quốc tịch hay tôn giáo. Chỉ có thế giới rộng lớn bên ngoài mới làm thế.”
123physics (thuvienvatly.com)
Nguồn: New Scientist