Hiệp Khách Quậy Ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm sáng trong của tuần này, bạn sẽ không thể bỏ lỡ Kim tinh rực rỡ đang tỏa sáng ở chân trời phía tây. Lúc này nó đang bị vây quanh bởi đám sao sáng như Capella, Betelgeuse, Aldebaran và chòm Pleiades. Nhưng, đừng dừng lại ở đó. Sử dụng bất kì dụng cụ quang hỗ trợ nào đó,... Xin mời đọc tiếp.
Ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm sáng trong của tuần này, bạn sẽ không thể bỏ lỡ Kim tinh rực rỡ đang tỏa sáng ở chân trời phía tây. Lúc này nó đang bị vây quanh bởi đám sao sáng như Capella, Betelgeuse, Aldebaran và chòm Pleiades. Nhưng, đừng dừng lại ở đó. Sử dụng bất kì dụng cụ quang hỗ trợ nào đó, bạn sẽ thấy Kim tinh đang ở trong pha khuyết của nó và kích cỡ biểu kiến lúc này còn to hơn cả Mộc tinh nữa!
Kim tinh. Ảnh: John Chumack
Có rất nhiều thứ bạn nên biết khi quan sát Kim tinh. Lạ thay, khi pha trông càng nhỏ thì Kim tinh tỏa sáng càng rực rỡ. Nếu bạn không thể trông thấy dáng vẻ mảnh khảnh của nó vì bầu trời sáng quá, thì hãy thử đeo kính râm lúc nhìn qua ống nhòm xem sao… hay gắn những bộ lọc màu tối, ví dụ như xanh lục và xanh lam, vào thị kính của kính thiên văn. Có lẽ bạn nghĩ những thứ lung linh và tỏa sáng như Kim tinh sẽ rất đáng để chiêm ngưỡng ảnh phóng to, nhưng thật ra hình ảnh đó khá nhạt nhẽo. Tuy nhiên, đừng để dáng vẻ hơi tầm thường đó lừa phỉnh bạn. Bên dưới những đám mây nhạt nhẽo ấy là hiệu ứng nhà kính phi mã làm nhiệt độ tăng lên tới 460 độ Celsius và núi lửa phun trào khắp nơi.
Lúc này Kim tinh đang tiến về phía Trái đất và sắp sửa trải qua một sự kiện trăm năm mới có hai lần. Kích cỡ biểu kiến của nó sẽ tiếp tục to dần và pha khuyết sẽ còn hẹp hơn nữa. Vào ngày 5 tháng 6 (6 tháng 6 ở châu Á và Australia), nó sẽ đi qua giữa Trái đất và Mặt trời… một sự kiện chỉ xảy ra hai lần trong một thế kỉ và lần tiếp theo sẽ phải chờ đến năm 2117!
Đồng hồ đang tích tắc và lúc này đây là thời điểm nên bắt đầu những chuẩn bị của bạn để quan sát sự đi qua của Kim tinh. Đừng chờ cho đến vài ngày trước sự kiện mới chọn địa điểm quan sát. Nếu làm việc theo kiểu nước tới chân mới nhảy như vậy, bạn có thể gặp khó vì trời nhiều mây, vì những trở ngại mà bạn chưa lường trước, vì bạn không được phép đi vào những khu vực nhất định, vân vân… Việc biết chính xác Mặt trời sẽ ở chỗ nào lúc xảy ra sự đi qua sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời!
Lúc này đây, bạn hãy nhanh chân đi mua cho mình những bộ lọc mặt trời nhất định để dùng khi cần thiết, nếu còn chần chừ biết đâu sẽ lại hết hàng. Vì sự đi qua của Kim tinh là một sự kiện hết sức hiếm, nên nhiều nhà bán lẻ đang bày bán rất nhiều loại kính quan sát nhật thực. Chúng trông không khác gì những loại kính 3D dùng để xem phim, nhưng thay vì màu đỏ và xanh lam, chúng sẽ có màu đen hoặc có một màng lọc Baader. Những loại kính này dùng an toàn để quan sát mặt trời, nhưng có vài thứ bạn phải biết về chúng. Trước khi mang ra đeo, làm ơn xem kĩ rìa của chúng để đảm bảo chúng được hàn kín và không có tia sáng mặt trời nào có thể đi vào. Quan trọng hơn, đừng dùng chúng chung với ống nhòm hoặc kính thiên văn. Kính ngắm nhật thực luôn dùng với mắt của bạn. Việc tập trung ánh sáng mặt trời với một dụng cụ quang hỗ trợ và hi vọng kính đeo sẽ chặn đủ những tia sáng mặt trời gây hại sẽ giống như là chơi trò may rủi với đôi mắt của bạn vậy. Luôn sử dụng những vật liệu lọc ánh sáng mặt trời hợp pháp khi quan sát với kính thiên văn hoặc ống nhòm và luôn luôn giám sát khi có mặt trẻ em.
Kim tinh đi qua Mặt trời hồi năm 2004. Ảnh: John Chumack
Việc nên làm nữa khi quan sát Kim tinh đi qua Mặt trời là chụp ảnh. Nếu bạn đã có kế hoạch quay phim hoặc chụp ảnh sự kiện qua kính thiên văn, thì lúc này chuẩn bị cũng là vừa. Đừng chờ cho đến vài ngày trước sự kiện mới kiểm tra thiết bị có hoạt động ngon lành hay không. Lúc này đây bạn nên thử chụp ảnh Mặt trời trước và hãy đảm bảo có đủ pin hoặc nguồn điện dùng trong ngày hôm ấy. Không có gì đáng thất vọng hơn việc đã sẵn sàng chụp ảnh một sự kiện thiên văn mà thiết bị trong tay của bạn lại ở dở chứng vào đúng giây phút quyết định cuối cùng. Hãy sẵn sàng những lựa chọn dự phòng, như camera điện thoại di động, camera bỏ túi, hoặc webcam cũng được.
Điều lưu ý sau cùng để quan sát Kim tinh đi là thời điểm. Phải đảm bảo cập nhật thời điểm sự đi qua bắt đầu diễn ra ở khu vực bạn đang ở! Bạn có thể tra khảo thời điểm Kim tinh đi qua tại trang web của Steven van Roode và Francois Mignard. Và đừng quên, ngày giờ cung cấp ở những trang tra khảo là tính theo giờ phối hợp quốc tế - UT. Nếu bạn không biết đổi giờ này, thì trang Time Zone Converter có thể sẽ hữu ích với bạn.
Đồng hồ đang tích tắc. Hãy chuẩn bị sẵn sàng thôi!
Lucky_Rua – thuvienvatly.com
Theo EarthSky.org