Boris Chertok, nhà tiên phong tên lửa học, qua đời ở tuổi 99

Hiệp Khách Quậy Boris Chertok là một nhân vật không thể thiếu trong chương trình vũ trụ buổi đầu của Liên Xô; những tên lửa do ông giúp thiết kế và chế tạo đã dẫn tới kỉ nguyên vũ trụ và làm thay đổi thế giới. Chertok qua đời hôm 14/12/2011, vừa vặn... Xin mời đọc tiếp.

 Boris Chertok

Boris Chertok vào năm 1997. Ảnh: AP Photo/Sergei Grits

Boris Chertok là một nhân vật không thể thiếu trong chương trình vũ trụ buổi đầu của Liên Xô; những tên lửa do ông giúp thiết kế và chế tạo đã dẫn tới kỉ nguyên vũ trụ và làm thay đổi thế giới. Chertok qua đời hôm 14/12/2011, vừa vặn 3 tháng trước ngày sinh nhật thứ 100 của ông.

Vào năm 1914, cậu bé Chertok hai tuổi đã theo gia đình di cư từ thành phố quê hương Lodz, Ba Lan đến sinh sống ở Moscow. Lúc trẻ, ông là một thợ điện, rồi sau đó gia nhập cục thiết kế máy bay của kĩ sư Xô Viết Viktor Bolkhovitinov.

 Boris Chertok

Ảnh: Boris Chertok

Năm 1945, Chertok bước chân vào địa hạt vũ trụ và tên lửa học. Mới tốt nghiệp Học viện Kĩ thuật Năng lượng Moscow, ông là một thành viên thuộc một đội người Liên Xô được gửi sang Đức nhằm tìm kiếm tàn dư của tên lửa V-2 của Đức Quốc xã. Đội đã tìm thấy cái mà họ muốn, rồi thành lập một viện nghiên cứu khoa học tạm thời ở đất nước bị chiến tranh chia cắt đó, và vén mà các bí mật của vũ khí Quốc xã.

Một khi trở lại Liên Xô, Chertok đầu quân vào cơ quan mới thành lập NII-88, viện thiết kế tên lửa của Liên Xô, với vai trò là trưởng khoa hệ thống điều khiển vào năm 1946. Tại đó, ông đã gặp gỡ và cùng làm việc với nhà thiết kế nổi tiếng người Liên Xô Sergei Korolev, người đã làm việc không mệt mỏi để thuyết phục các nhà lãnh đạo Xô Viết rằng tên lửa đáng giá để phát triển.

Chertok và Korolev trở thành bạn chiến đấu gần gũi; dưới quyền Korolev, Chertok đã phát triển các hệ thống điều khiển cho tên lửa đạn đạo và cuối cùng trở thành nhà thiết kế chính của tổ chức tách ra từ NII-88, OKB-1 vào năm 1956. Tổ chức vừa nói này là cơ quan hậu thuẫn của một loạt những cái nhất của Liên Xô về khoa học vũ trụ.

Chertok nhớ lại những năm đầu của ngành tên lửa học Liên Xô với nhiều đêm căng thẳng và thức trắng khi chuẩn bị thử nghiệm các tên lửa. Tuy nhiên, đã có một số thời khắc thật sự hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông.

“Mỗi một tên lửa đầu tiên này giống như là mối tình đầu đối với chúng tôi vậy,” Chertok từng nói. “Chúng tôi yêu mến từng tên lửa một, chúng tôi nóng lòng muốn nó cất cánh thành công. Chúng tôi đã trao cả trái tim và linh hồn của mình vào để thấy nó bay lên.”

 Sputnik 2 phóng trên một tên lửa R-7

Sputnik 2 phóng trên một tên lửa R-7, vào ngày 03/11/1957. Ảnh: NASA

Nhưng du hành vũ trụ lúc đầu không phải là ưu tiên cao nhất của Chertok. Nhiệm vụ chính của ông và đồng đội, nhiệm vụ mà họ hăm hở hoàn thành, là chế tạo và phóng các đầu đạn hạt nhân. Họ quá yêu thích việc phóng vệ tinh; họ cảm thấy sự đóng góp của họ cho quốc gia và ảnh hưởng của họ đối với thế giới sẽ có thông qua sự phát triển những đầu đạn hạt nhân chính xác.

Tên lửa thành công nhất của họ là R-7, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của thế giới. Nhưng trước khi nó phóng thành công bất kì đầu đạn nào về những nước đối địch, nó đã phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo vào năm 1957.

Chertok đã không đánh giá đúng ngay tác động của hiểm họa này đối với thế giới. Ông kể lại rằng ông và đồng đội của mình hăm hở chế tạo tên lửa vì họ nhận thức rằng họ đã làm thay đổi thế giới. R-7 sẽ khẳng định vị thế của Liên Xô là người thắng cuộc trong cuộc đua vũ trụ vào năm 1961. Một tên lửa thuộc dòng R-7 đã đưa Yuri Gagarin bay vào quỹ đạo.

Vì sự nghiệp tên lửa của mình, Chertok đã sống ẩn danh. Đây không phải là tình trạng không phổ biến đối với các nhà khoa học Liên Xô, nhất là những người trong số họ mà là người Do Thái. Cho đến năm 1987 thì Chertok mới được biết đến rộng rãi vì vai trò của ông trong chương trình vũ trụ buổi đầu của Liên Xô. Ông được nêu tên trong một bài báo nhân dịp kỉ niệm lần thứ 30 phóng thành công Sputnik.

Bill Gerstenmaier, một quản trị viên tại NASA, đã mô tả Chertok là một người bạn mà NASA sẽ nhớ mãi. “Tinh thần của ông sẽ sống mãi trong trái tim của những nhà du hành vũ trụ người Nga và người Mĩ.” Bộ hồi kí nhiều tập của ông, Tên lửa và Con người, được xem là một trong những ghi chép tốt nhất về kỉ nguyên vũ trụ buổi đầu ở Liên Xô.

Dịch bởi Trần Nghiêm – thuvienvatly.com
Nguồn: UniverseToday.com

Mời đọc thêm