Hiệp Khách Quậy Sau bốn năm hành trình liên hành tinh, phi thuyền Rạng đông của NASA sắp đi vào quỹ đạo xung quanh tiểu hành tinh khổng lồ Vesta. Trong khi đó, một bài báo mới công bố cho rằng Vesta và Ceres, một tiểu hành tinh lớn khác mà Rạng đông sẽ đến viếng, là những vật thể chính dự đoán số phận lâu dài của hệ... Xin mời đọc tiếp.
Sau bốn năm hành trình liên hành tinh, phi thuyền Rạng đông của NASA sắp đi vào quỹ đạo xung quanh tiểu hành tinh khổng lồ Vesta. Trong khi đó, một bài báo mới công bố cho rằng Vesta và Ceres, một tiểu hành tinh lớn khác mà Rạng đông sẽ đến viếng, là những vật thể chính dự đoán số phận lâu dài của hệ mặt trời.
Với bề ngang 530 km, Vesta là một trong những cư dân lớn nhất thuộc vành đai tiểu hành tinh, tàn dư của những khối vật chất cấu thành hành tinh còn sót lại giữa Hỏa tinh và Mộc tinh.
Phi thuyền Rạng đông đã đi vào quỹ đạo quanh Vesta lúc 05:00 GMT hôm nay 16/7. Các camera và quang phổ kế của nó sẽ nghiên cứu địa hình và thành phần hóa học của Vesta. Nghiên cứu đó có thể tiết lộ những manh mối về thời kì đầu của sự hình thành hành tinh, vì người ta nghĩ Vesta đã ngừng lớn từ lâu trước Trái đất và những hành tinh khác.
Phi thuyền Rạng đông đã chụp bức ảnh này của Vesta hôm 9/7 ở cự li 41.000 km. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/UCLA/MPS/DLR/IDA)
Những quỹ đạo nhiễu loạn
Sau một năm ở trong quỹ đạo Vesta, Rạng đông sẽ tiến đến Ceres, tiểu hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời. Trong khi Vesta, giống như Trái đất, bên trong bị phân chia thành một nhân kim loại và một lớp bao và vỏ đá bên ngoài, thì Ceres dường như chứa rất nhiều nước đóng băng. Các nhà khoa học hi vọng dữ liệu mà phi thuyền Rạng đông thu thập sẽ giúp họ tìm hiểu xem làm thế nào hai tiểu hành tinh lớn đó đã đi đến kết thúc với thành phần khác nhau như vậy.
Mặc dù Vesta và Ceres rất nhỏ so với Trái đất, nhưng chúng có sự ảnh hưởng lớn bất ngờ đối với quỹ đạo của hành tinh chúng ta.
Một nghiên cứu công bố trong tuần này cho biết do những tương tác nhiễu loạn giữa Vesta và Ceres, các nhà thiên văn sẽ không bao giờ có thể tính ra quỹ đạo của Trái đất trong hơn 60 triệu năm trong tương lai, hoặc truy nguyên nó đến hơn 60 triệu năm trước.
Vesta và Ceres thường đi qua gần nhau nên làm thay đổi quỹ đạo của chúng. Kết quả là quỹ đạo của chúng bị nhiễu loạn, thay đổi theo kiểu không thể nào dự đoán trước hơn khoảng 400.000 năm trong tương lai.
Chân trời sự kiện
Sự co giật hấp dẫn từ Vesta và Ceres hóa ra còn ảnh hưởng đến quỹ đạo của Trái đất và những hành tinh khác. Tác dụng của những sự co giật nhỏ này tích lũy dần theo thời gian, khiến người ta không thể tính ra vị trí của các hành tinh trong hơn 60 triệu năm trong tương lai hoặc trong quá khứ.
Với phi thuyền Rạng đông, các nhà thiên văn sẽ đo chính xác hơn vị trí của Vesta và Ceres, nhưng đây sẽ vẫn là vấn đề khó đối với những dự đoán lâu dài.
Sự tương tác nhiễu loạn giữa Vesta và Ceres sẽ nhanh chóng khuếch đại ngay cả những sai số đo nhỏ nhất, làm thất bại mọi nỗ lực nhằm dự đoán quỹ đạo hành tinh vượt quá giới hạn 60 triệu năm, phát biểu của tác giả đứng đầu nhóm nghiên cứu, Jacques Laskar ở Đài thiên văn Paris, Pháp.
“[Đây] dường như là một giới hạn tuyệt đối nhưng vấn đề sẽ nhanh chóng được cải thiện trong tương lai”, ông nói.
Nguồn: New Scientist