Hiệp Khách Quậy Thiên thạch và sao chổi thuộc về một số vật thể già xưa nhất trong hệ mặt trời. Chúng ít có sự thay đổi kể từ khi chúng được hình thành hồi hàng tỉ năm về trước. Các nhà khoa học nghiên cứu thiên thạch và sao chổi nhằm tìm hiểu xem vũ trụ đã bắt đầu như thế nào. Xin mời đọc tiếp.
Một nhà khoa học người Nga đang khảo sát một miếng thiên thạch nhỏ. Chúng ta có thể học được những gì qua sự nghiên cứu thiên thạch?
CHƯƠNG 5
SĂN LÙNG THIÊN THẠCH VÀ SAO CHỔI
Thiên thạch và sao chổi thuộc về một số vật thể già xưa nhất trong hệ mặt trời. Chúng ít có sự thay đổi kể từ khi chúng được hình thành hồi hàng tỉ năm về trước. Các nhà khoa học nghiên cứu thiên thạch và sao chổi nhằm tìm hiểu xem vũ trụ đã bắt đầu như thế nào.
Các nhà khoa học theo dõi bầu trời tìm thiên thạch. Họ chờ đợi một thiên thạch lao xuống. Khi đó, họ cố gắng thu gom các mảnh vụn. Nhưng việc tìm địa điểm va chạm và các mảnh vỡ có thể thật khó khăn. Một thiên thạch lớn có thể gieo vãi các mảnh vỡ của nó trong một khu vực rộng. Các thiên thạch còn rơi xuống đại dương của Trái đất. Chúng làm nước bắn tung tóe, sau đó thì chúng biến mất.
Tìm thiên thạch dễ nhất là ở Nam Cực. Lục địa này bị băng giá bao phủ. Các thiên thạch có màu sậm. Chúng nổi rõ lên trên nền băng tuyết. Các nhà khoa học có thể theo dõi những thiên thạch đã rơi xuống. Họ lái xe trượt băng và đi nhặt chúng về.
Nghiên cứu sao chổi thì khó khăn hơn. Một sao chổi va chạm với Trái đất thường không sống sót sau cú va chạm. Các nhà khoa học phóng phi thuyền vũ trụ lên nghiên cứu sao chổi khi chúng tiến gần đến Mặt trời. Phi thuyền vũ trụ là một cỗ máy đi từ Trái đất ra không gian vũ trụ bên ngoài. Phi thuyền vũ trụ từ nhiều nước khác nhau đã bay qua gần sao chổi Halley trong lần nó tiến đến gần Mặt trời mới đây. Phi thuyền vũ trụ bay gần qua sao chổi. Chúng chụp ảnh và thực hiện các phép đo.
Vào năm 2005, phi thuyền vũ trụ Deep Impact đã được nước Mĩ đưa lên sao chổi Tempel 1. Phi thuyền vũ trụ này có hai phần. Phần này của phi thuyền chụp ảnh. Phần kia của phi thuyền lao vào ngôi sao chổi.
Cú va chạm đánh bật chất liệu ra khỏi sao chổi. Phi thuyền đã chụp ảnh của những chất liệu đó. Những hình ảnh gửi về cho thấy Tempel 1 có cấu tạo gồm bụi, băng, cát và đất sét.
Một phi thuyền của Mĩ tên gọi là Stardust (Bụi sao) đã bay qua gần sao chổi Wild 2. Stardust đã thu gom bụi sao chổi. Một phần của phi thuyền đã mang bụi đó trở về Trái đất. Các nhà khoa học đã nghiên cứu chất bụi đó. Nó rất giống với bụi thấy ở các thiên thạch.
Nhiều chuyến bay khảo sát sao chổi đã được lên kế hoạch cho tương lai. Các chất liệu thuộc sao chổi và thiên thạch mang trong nó những câu chuyện dài. Chúng sẽ cho biết hệ mặt trời của chúng ta trông như thế nào khi mới hình thành.
_________________________
Thuật ngữ
coma: đám mây khí và những hạt bụi nhỏ hình thành xung quanh lõi băng của một sao chổi khi nó tiến đến gần Mặt trời.
đuôi sao chổi: dòng chất khí và bụi dài kéo vệt phía sau nhân của sao chổi.
hệ mặt trời: Mặt trời cùng nhóm hành tinh và những vật thể khác chuyển động xung quanh nó.
hố thiên thạch: cái hố hình bát trên bề mặt hành tinh hoặc vệ tinh. Hố thiên thạch được tạo ra khi một sao chổi hoặc thiên thạch va chạm với bề mặt đó.
khí quyển: lớp chất khí bao xung quanh một hành tinh hoặc vệ tinh.
kính thiên văn: thiết bị làm cho những vật ở xa trông như gần hơn và to hơn.
lực hấp dẫn: lực làm cho các vật bị hút lại với nhau.
mưa sao băng: hàng tá hoặc hàng trăm sao băng xuất hiện cùng một lúc tại một góc của bầu trời. Mưa sao băng xảy ra vào những thời điểm thường lệ trong năm. Chúng xảy ra khi Trái đất đi qua quỹ đạo của một sao chổi.
nhân: phần lõi băng, rắn của một sao chổi.
phi thuyền vũ trụ: cỗ máy có hoặc không có con người bay từ Trái đất ra ngoài không gian vũ trụ.
quỹ đạo: đường đi của một thiên thạch, sao chổi hoặc hành tinh khi nó chuyển động xung quanh Mặt trời. Quỹ đạo còn có nghĩa là đường đi của một vệ tinh xung quanh hành tinh của nó.
sao băng: những mảnh đá hoặc bụi vũ trụ nhỏ xíu bốc cháy và tỏa sáng khi chúng rơi vào khí quyển của Trái đất.
sao chổi: những tảng băng, bụi, và đá cỡ lớn chuyển động xung quanh Mặt trời.
thiên thạch (meteorite): sao băng rơi xuống mặt đất.
thiên thạch (meteoroid): thiên thạch trước khi chúng đi vào khí quyển của Trái đất.
tiểu hành tinh: những khối đá và khối kim loại vũ trụ cỡ lớn chuyển động xung quanh Mặt trời. Bề ngang các tiểu hành tinh có thể từ 9m đến hàng trăm mét.
Sao băng và Sao chổi
Gregory L. Vogt
Trần Nghiêm dịch