Hiệp Khách Quậy Lần cuối các nhà du hành vũ trụ người Mĩ đặt chân lên Mặt Trăng là hồi những năm 1970. Xin mời đọc tiếp.
Lần cuối các nhà du hành vũ trụ người Mĩ đặt chân lên Mặt Trăng là hồi những năm 1970.
Tổng thống Mĩ Donald Trump muốn các nhà du hành vũ trụ Mĩ trở lại thăm Mặt Trăng. Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty
Tổng thống Mĩ Donald Trump vừa kí một chỉ thị hôm qua, 11 tháng 12, yêu cầu NASA đưa các nhà du hành trở lại Mặt Trăng.
Lệnh được ban ra nhưng không kèm theo khung thời gian kế hoạch nào, cũng chẳng đề cập đến nguồn tài trợ nào. Nhưng chính quyền Trump đã phát đi tín hiệu cho thấy sự quan tâm đến việc đưa con người trở lại bề mặt Mặt Trăng, làm dấy lên niềm hi vọng cho các nhà khoa học Mặt Trăng về một sự thay đổi chính thức trong chính sách khoa học của Mĩ.
“Điều này có ý nghĩa rất lớn,” phát biểu của David Kring, một nhà địa chất học tại Viện Mặt Trăng và Hành tinh học ở Houston, Texas, người đã dành những năm gần đây nghiên cứu các địa điểm thích hợp cho con người hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Không giống như các sứ mệnh Apollo hồi thập niên 1960 và 1970, chương trình Mặt Trăng mới của NASA được kì vọng sẽ có sự hợp tác quốc tế. “Nước Mĩ sẽ làm việc với các quốc gia khác và lĩnh vực công nghiệp tư nhân để đưa các nhà du hành trở lại Mặt Trăng, phát triển công nghệ và phương tiện cho chương trình thám hiểm có người lái đến sao Hỏa và những đích đến khác trong Hệ Mặt Trời,” Nhà Trắng nêu trong một thông cáo.
Chính sách không gian của cựu tổng thống Barack Obama hướng NASA đưa các nhà du hành lên một tiểu hành tinh làm bước đệm trên hành trình tiến tới sao Hỏa.
Một số công ti thương mại có khả năng được hưởng lợi từ động thái mới trên, trong đó có Moon Express of Cape Canaveral, Florida, và Astrobotic of Pittsburgh, Pennsylvania. Hai hãng này đang phát triển các phi thuyền tiếp đất Mặt Trăng.
Cơ quan không gian của 14 nước đã phác thảo chi tiết cho các sứ mệnh có con người đặt chân lên Mặt Trăng. Nhóm Hợp tác Thám hiểm Không gian Quốc tế phác họa 5 chuyến viếng thăm, mỗi chuyến gồm 4 nhà du hành, đến 5 địa điểm tiếp đất khác nhau trong tiến trình 5 năm. Ở mỗi chuyến viếng thăm, các nhà du hành sẽ trải qua 28 ngày trên bề mặt chị Hằng, lái một xe tự hành để thám hiểm mỗi vùng.
Sau khi phi hành đoàn của sứ mệnh rời đi, các nhà điều khiển sứ mệnh ở mặt đất của NASA sẽ lái từ xa xe tự hành đến địa điểm hạ cánh kế tiếp. Trên đường đi, nó có thể thu thập dữ liệu khoa học về những hiện tượng như nước đóng băng trong các hố thiên thạch. Theo kịch bản do một nhóm làm việc công bố vào năm 2015, địa điểm hạ cánh đầu tiên sẽ là Malapert Massif, một ngọn núi ở gần cực nam Mặt Trăng. Kế tiếp sẽ là hố thiên thạch Schrödinger, nơi biểu hiện các dấu hiệu của hoạt động núi lửa gần đây, và hố thiên thạch Antoniadi. Điểm dừng chân cuối cùng sẽ là một vị trí trong bồn địa Aitken Cực Nam – hố va chạm lớn nhất và lâu đời nhất trên Mặt Trăng, nơi lộ ra cấu trúc bên trong của Mặt Trăng.
“Theo tôi biết [Mặt Trăng là] nơi tốt nhất trong Hệ Mặt Trời để trả lời những câu hỏi cơ bản về nguồn gốc của Hệ Mặt Trời, sự tiến hóa của các quỹ đạo hành tinh, sự bồi tụ của hành tinh Trái Đất của chúng ta và cả chuyện gây tranh cãi là nguồn gốc của sự sống trên hành tinh chúng ta,” Kring nói. “Và nó chỉ ở xa có ba ngày đường thôi.”
NASA hiện đang phát triển một tên lửa hạng nặng và một phi thuyền sẽ đưa các nhà du hành lên Mặt Trăng. Chúng sẽ sẵn sàng không sớm hơn đầu thập niên 2020. Phần cứng quan trọng nhất mà NASA muốn phát triển để đưa các nhà du hành lên Mặt Trăng là phi thuyền tiếp đất Mặt Trăng.
Nhân vật được Trump đề cử để lãnh đạo NASA, thượng nghị sĩ bang Oklahoma Jim Bridenstine, cho đến nay vẫn chưa được Thượng viện bỏ phiếu thông qua.
Nguồn: Nature