Hiệp Khách Quậy Vào hè năm 1945, Thế chiến thứ hai đã diễn ra ác liệt trên vài lục địa trong sáu năm trời, bắt đầu khi quân Đức tiến đánh Ba Lan vào năm 1939. Xin mời đọc tiếp.
Vào hè năm 1945, Thế chiến thứ hai đã diễn ra ác liệt trên vài lục địa trong sáu năm trời, bắt đầu khi quân Đức tiến đánh Ba Lan vào năm 1939.
Trước một thế giới tang thương và tiêu điều, sự đầu hàng của phát xít Đức hôm 8 tháng 5, 1945 là tin tức được khắp nơi hân hoan chào đón. Tuy nhiên, phía nước Nhật lại thề chiến đấu cho đến phút cuối. Lời thề của họ được chứng minh trong trận Okinawa: Lúc kết thúc mặt trận này vào tháng 6, quân lực Đồng minh tổn thất hơn 14.000 lính và phía quân Nhật chết hơn 77.000 lính – cộng với ước tính 100.000 thường dân Nhật Bản thiệt mạng.
Với cơ sở này, quân đội Đồng minh đã lên kế hoạch cho một đợt xâm chiếm quy mô lớn nước Nhật. Nhưng với tổn thất của phe Đồng minh ước tính lên tới 1 triệu lính thiệt mạng – cộng với 10 triệu người Nhật thiệt mạng, kể cả thường dân – các nhà hoạch định chính sách của phe Đồng minh đã tìm một giải pháp khác để kết thúc cuộc chiến, cái họ tìm thấy trong Dự án Manhattan.
Đây là một bản sao của “Little Boy”, quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 6 tháng 8, 1945.
Dự án Manhattan
Lo ngại trước những báo cáo cho biết phát xít Đức đang phát triển một loại vũ khí mới sử dụng uranium phóng xạ, vào năm 1939 các viên chức chính quyền Mĩ bắt đầu nghiên cứu tiềm năng của uranium – nhất là đồng vị uranium-235 – để sản xuất một loại bom có sức công phá mạnh.
Trong vòng vài tháng, một liên minh các nhà khoa học Mĩ, Anh và châu Âu – nhiều người trong số họ đã trốn sang từ nước Đức, Italy và các quốc gia phát xít khác – bắt đầu hợp tác với một dự án quốc tế quy mô lớn nhằm phát triển một quả bom gốc uranium trước khi quân lực phát xít có được nó.
Do một bộ phận ban đầu của dự án đặt tại Quận Manhattan thuộc Quân đội Mĩ, nên tên gọi Dự án Manhattan có luôn từ đó, mặc dù công việc được tiến hành ở Los Alamos, New Mexico; Oak Ridge, Tennessee; Hanford, Washington; Chalk River, Ontario, và một vài địa điểm khác.
Sau vài năm nghiên cứu cật lực trong điều kiện hết sức bí mật, Dự án Manhattan đã phát triển hai quả bom khác nhau sử dụng hai vật liệu hạt nhân khác nhau: uranium-235 và plutonium-239.
Đây là một bản sao của “Fat Man”, quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki, Nhật Bản, vào ngày 9 tháng 8, 1945.
“Little Boy” và “Fat Man”
Khoảng 64 kg uranium-235 làm giàu cao được sử dụng để chế tạo “Little Boy”, một quả bom phân hạch hạt nhân hoạt động bằng cách bắn ép một khối trụ uranium lớn, rỗng vào một lõi uranium nhỏ hơn. Tên gọi thế chứ quả bom không hề nhỏ, nó cân nặng khoảng 4400 kg.
“Fat Man” còn lớn hơn nữa – khoảng 4670 kg – và sử dụng lõi plutonium-239 để tạo ra một phản ứng hạt nhân dây chuyền giải phóng năng lượng tương đương khoảng 21 kiloton thuốc nổ TNT.
Sự phức tạp của bom plutonium khiến một số kĩ sư tham gia dự án thấy lo ngại, vì thế một vụ thử bom đã diễn ra hôm 16 tháng 7, 1945. Vào ngày hôm ấy, tại Alamogordo, New Mexico, vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên mà thế giới từng chứng kiến đã xảy ra, đánh dấu Kỉ nguyên Nguyên tử.
Một trong vài công trình còn trụ vững ở Hiroshima là Mái vòm Genbaku thuộc Nhà triển lãm thương mại Hiroshima, công trình rất gần tâm chấn của vụ nổ bom nguyên tử hôm 6 tháng 8, 1945. Ngày nay, công trình này được lưu giữ làm Đài tưởng niệm hòa bình và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Hiroshima
Vào năm 1945, Hiroshima, Nhật Bản, là một thành phố gồm khoảng 350.000 dân phần lớn không bị xâm hại bởi cuộc chiến. Nằm trên một đồng bằng duyên hải, thành phố Hiroshima là một trung tâm sản xuất và quân sự quan trọng – ít nhất 40.000 quân đồn trú ở Hiroshima vào mùa hè năm 1945.
Vì thế, cùng với những lí do khác nữa, Hiroshima được chọn làm mục tiêu đầu tiên đột kích bom nguyên tử. Rạng sáng ngày 6 tháng 8, 1945, một máy bay B-29 mang tên Enola Gay (theo tên mẹ của viên phi công, Colonel Paul Tibbets) đã cất cánh từ Tinian, một hòn đảo cách Hiroshima chừng sáu giờ bay. Bên trong buồng bom của Enola Gay là “Little Boy”.
Lúc 8:15 sáng, cửa ném bom của Enola Gay mở ra và “Little Boy” được thả xuống Hiroshima. Quả bom phát nổ ở độ cao khoảng 580 m phía trên thành phố chẳng hay biết gì. Vụ nổ khủng khiếp lập tức phá hủy phần lớn thành phố và cướp đi khoảng 45.000 sinh mạng; ước tính 19.000 người khác tử vong do phơi xạ hoặc do những hiệu ứng trực tiếp khác trong vòng bốn tháng sau đó.
“Bản thân cột nấm đó là một quang cảnh ngoạn mục, một khối bọt sương màu xám-tía và bạn có thể nhìn thấy nó có một cái nhân đỏ bên trong và mọi thứ đang bùng cháy bên trong,” phát biểu của một viên sĩ quan trên máy bay Enola Gay, Robert Caron. “Khi chúng tôi bay ra xa, chúng tôi có thể nhìn thấy gốc của cột nấm và bên dưới chúng tôi có thể thấy cái trông tựa như một lớp bụi và sương dày vài trăm foot.”
Tuy nhiên, dưới mặt đất, quang cảnh trông khủng khiếp chứ không hề ngoạn mục. “Trong những đợt sóng sau đó [sau vụ nổ ban đầu] xác người bị nén ép khủng khiếp, đến mức nội tạng của họ bị đứt vỡ hết,” một phóng viên viết cho tạp chí LIFE. “Sau đó vụ nổ ném những cái xác gãy vụn ở tốc độ 500 đến 1000 dặm/giờ trong không khí đang bùng cháy và chứa đầy mảnh vụn. Trên thực tế, mọi người bên trong bán kính 6500 foot đều thiệt mạng hoặc bị thương tích nghiêm trọng và mọi công trình đều sụp đổ hoặc chỉ còn trơ giàn khung.”
Ảnh chụp cho thấy thành phố Nagasaki trước và sau vụ ném bom vào ngày 9 tháng 8, 1945
Nagasaki
Trước sự bất ngờ của quân Đồng minh, sự sụp đổ của thành phố Hiroshima không khiến nước Nhật đầu hàng. Trong số những thành phố còn lại trong danh sách mục tiêu tiềm năng của quân Đồng minh, thành phố pháo đài cổ Kokura là mục tiêu hàng đầu.
Gần 4 giờ sáng ngày 9 tháng 8, một chiếc B-29 tên gọi Bockscar (chơi chữ theo tên của cơ trưởng, Frederick C. Bock) cất cánh từ đảo Tinian, hướng tới thành phố Kokura. Bên trong buồng bom của máy bay là quả “Fat Man” nhiên liệu plutonium.
Mây che và tầm nhìn kém trên bầu trời Kokura đã cứu thành phố này, phi hành đoàn Bockscar đành hướng máy bay về phía Nagasaki. Là một thành phố cảng lớn, Nagasaki là nơi đặt xưởng của một vài nhà sản xuất quan trọng, trong đó có hãng thép Mitsubishi, và các xưởng đóng tàu, phát triển vũ khí và các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng khác.
Lần này cũng bị mây che, nhưng phi hành đoàn đã có thể lách qua mây, và không bao lâu sau lúc 11 giờ sáng, “Fat Man” được thả xuống Nagasaki.
Vụ nổ kinh hoàng phá hủy phần lớn thành phố, và ít nhất 40.000 người bị thiệt mạng ngay tức thì. Địa hình đồi núi của Nagasaki – và thực tế quả bom được thả cách mục tiêu dự tính của nó gần 3,2 km – nên hạn chế phần nào sức hủy diệt của quả bom.
Tuy nhiên, vào cuối năm 1945, khoảng 80.000 người đã chết do bom nổ ở Nagasaki. Khoảng một nửa thành phố bị vụ nổ và những ngọn lửa sau đó càn thành gạch vụn và tro bụi.
Tác động của việc ném bom nguyên tử
Giữa trưa ngày 15 tháng 8 – sáu ngày sau vụ nổ Nagasaki – Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc hoàn toàn Thế chiến thứ hai. Niềm hân hoan lan khắp địa cầu, nhưng ở nước Nhật thì chẳng có ai hân hoan.
Chẳng ai biết được chính xác có bao nhiêu người chết do bom nổ ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng ít nhất 103.000 người đã chết trực tiếp do vụ nổ hoặc những tác động do nhiễm xạ, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Đã có nhiều ca chết yểu và dị dạng khi sinh được báo cáo trong số những người còn sống sót. Tuy nhiên, không có những thiệt hại di truyền về lâu dài được báo cáo trong số con cháu của những người sống sót.
Sau khi những hân hoan ban đầu của kẻ chiến thắng hạ dần, đa số những người tham gia biểu quyết sử dụng vũ khí nguyên tử bắt đầu tìm kiến sự an ủi cho linh hồn mình. Thiệt hại do hai quả bom mang lại là chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người, và cuộc tranh luận có nên sử dụng vũ khí hạt nhân hay không vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
“Ngày hôm qua loài người đã mở xích nguyên tử để tiêu diệt loài người, và một chương nữa trong lịch sử nhân loại đã mở ra, một chương trong đó số phận, sự xa cách, cái kinh tởm trở thành sáo mòn và rành rành,” một phóng viên viết trên tờ New York Times một ngày sau vụ nổ bom Hiroshima.
Lo sợ trước việc sử dụng vũ khí nguyên tử, nhiều nhà khoa học từng tham gia Dự án Manhattan đã lập ra tổ chức Liên hiệp các nhà khoa học nguyên tử, một tổ chức hoạt động tranh đấu nhằm hạn chế sự phát triển của vũ khí hạt nhân.
Theo Marc Lallanilla (LiveScience.com)