Điện báo: Sứ mệnh lịch sử đã hoàn tất và thời huy hoàng đã qua

Hiệp Khách Quậy Sau 167 năm kết nối thế giới, điện báo thương mại nay không còn hoạt động nữa. Việc giải thể của hãng điện báo Bharat Sanchar Nigam, Ltd. (BSNL) ở Ấn Độ hôm 15/7/2013 là một sự kiện mặc niệm để tiễn đưa ngành điện báo chính thức đi vào sử sách. Xin mời đọc tiếp.

Sau 167 năm kết nối thế giới, điện báo thương mại nay không còn hoạt động nữa. Việc giải thể của hãng điện báo Bharat Sanchar Nigam, Ltd. (BSNL) ở Ấn Độ hôm 15/7/2013 là một sự kiện mặc niệm để tiễn đưa ngành điện báo chính thức đi vào sử sách.

Vào năm 1837, Samuel Morse, cùng với người trợ lí Alfred Vail và nhà vật lí người Mĩ Joseph Henry, đã phát minh ra điện báo một-dây. Trước đó, điện báo nhiều-dây đã được phát triển, nhưng không có hệ thống nào tỏ ra thành công trên thị trường thương mại. Morse và Vail còn phát triển Mã Morse trong giai đoạn này.

Năm 1844, Morse và Vail đã chứng minh hệ thống điện báo cải tiến của họ trên tuyến đường truyền từ Washington đến Baltimore. Tuyến điện báo thương mại đầu tiên đi vào hoạt động chỉ hai năm sau đó. Tuyến đó nối Lancaster với Harrisberg, bang Pennsylvania, cự li 63 km. Thông điệp thử nghiệm gửi đi đầu tiên của Morse là “Chúa vừa làm gì thế?”, còn thông điệp gửi lúc khánh thành tuyến điện báo Pennsylvania có phần dân dã hơn, “Tại sao tụi mày không viết hả, mấy thằng quỷ?”

nh chụp máy nhận điện báo Morse-Vail

Ảnh chụp máy nhận điện báo Morse-Vail được dùng trong lần trình diễn năm 1844 của họ

Tốc độ lắp đặt dây điện báo sau đó khá nổi bật. Trong thập niên 1850, đa số các thành phố và thị trấn ở miền đông nước Mĩ đã được kết nối bởi một mạng lưới dây điện báo. Năm 1861, tuyến điện báo xuyên lục địa đầu tiên được triển khai ở Mĩ, cung cấp thông tin liên lạc tức thời giữa bờ đông và bờ tây nước này. Hai ngày sau khi tuyến điện báo đó đi vào hoạt động, hãng Pony Express đã giải thể vì nó quá lạc hậu, không cạnh tranh nổi với tốc độ gửi tin nhanh như chớp của đường dây điện báo xuyên lục địa.

Đường cáp dưới biển xuyên Đại Tây Dương nối giữa Ireland và miền đông Newfoundland, Canada, được hoàn thành vào năm 1858, chỉ 12 năm sau tuyến điện báo thương mại đầu tiên. Người ta đã không hiểu cho lắm các điều kiện khắc nghiệt dưới lòng sâu đại dương (phần lớn tuyến cáp nằm ở độ sâu 4 km) nên tuyến dây cáp xuyên đại dương đầu tiên này chỉ có tuổi thọ ngắn ngủi là ba tuần. Tuy nhiên, công nghệ cáp phát triển với tốc độ nhanh, và tuyến cáp điện báo bền vững đầu tiên đã được lắp đặt trong năm 1865-1866.

Pony Express

Một nhân viên của hãng Pony Express cưỡi ngựa qua công trường lắp đặt đường dây cáp xuyên lục địa ở Mĩ. Tranh vẽ của George M. Ottinger, năm 1873

Hãy hình dung công việc chế tạo và triển khai một đường tuyến cáp như vậy. Tại chính giữa của sợi cáp là bảy sợi dây đồng rất tinh khiết. Mỗi sợi có đường kính khoảng 1,2 mm. Những sợi này được phủ ngoài lớp chất Chatteron (một hỗn hợp nhựa gutta percha, rosin, và hắc ín). Có bốn lớp dày nhựa gutta percha, với những lớp mỏng hợp chất Chatteron ở giữa chúng. Phần lõi này của sợi cáp được bọc trong một lớp vỏ sợi gai dầu đặc biệt, sau đó quấn với 12 sợi dây thép căng đường kính 2,4 mm, bảo vệ chống ăn mòn điện hóa và bọc trong vỏ sợi gai dầu đã xử lí. Sợi cáp thu được có đường kính 25 mm, và cân nặng khoảng 1 kg/m.

Hình vẽ đương thời của dây cáp xuyên đại dương năm 1865

Hình vẽ đương thời của dây cáp xuyên đại dương năm 1865, dây cáp năm 1866 có thiết kế tương tự nhưng có thêm một số cải tiến. Ảnh: Times of London, 20/1/1865)

Cần khoảng 4.300 km dây cáp, cân nặng khoảng 4.173 tấn, để lắp đặt đường cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương. Lúc ấy, con tàu hơi nước lớn nhất thế giới là SS Great Eastern, với sức chứa 4.000 hành khách. Con tàu này bị hỏng nặng vào năm 1859, sau một vụ nổ. Và cuộc chiến về giá đã khiến con tàu này được sửa chữa lại và giong buồm ra khơi phục vụ thi công tuyến cáp ngầm.

Tuy nhiên, cái mà các công ti cáp xuyên đại dương nhìn thấy là con tàu lớn thế giới có thể mang ra bán đấu giá, chỉ với mức 38.000 USD, mặc dù chỉ riêng xác tàu thôi đã có giá trị gấp 4 lần con số đó. Sau khi được sửa chữa, SS Great Eastern đã trở thành con tàu cỡ lớn đầu tiên dành riêng cho việc thi công cáp dưới biển, cuối cùng nó có thể chở hơn 50.000 km cáp đi với tốc độ 8 km/h.

Great Eastern

Con tàu Great Eastern. Tranh vẽ của T.G. Dutton, khoảng năm 1859

Tốc độ đường truyền của hệ thống cáp xuyên đại dương năm 1866 là 8 từ/phút, vì xu hướng của những tuyến cáp buổi đầu này là làm giãn dạng sóng theo thời gian, cho nên các xung vào bị giãn ra và sẽ chồng lên nhau tại máy thu nếu được gửi đi quá nhanh. Năm 1885, nhà vật lí Oliver Heaviside đã tìm ra công thức cho phép thay đổi thiết kế của dây cáp để khắc phục vấn đề này, vì thế vào năm 1900 thì tốc độ điện báo gửi đi giữa các lục địa đã tăng lên tới 120 từ/phút.

Cước phí điện báo buổi đầu chỉ được định giá bởi giá trị của sự truyền thông tức thời. Ví dụ, năm 1860, một tin điện báo 10 từ gửi từ New York đi New Orleans có giá cước 2,70 USD (khoảng 65 USD theo mệnh giá năm 2012). Khi tuyến điện báo xuyên lục địa ở Mĩ đi vào hoạt động, cước phí là 7,40 USD cho 10 từ (khoảng 210 USD), còn một tin điện báo 10 từ gửi xuyên đại dương từ Mĩ sang Anh có cước phí là 100 USD (2.600 USD). Cước phí giảm dần theo năm tháng, nhưng tin gửi điện báo chủ yếu vẫn dành cho giới kinh doanh, nhà giàu, và cho trường hợp khẩn cấp. Bất chấp cước phí đắt đỏ, có khoảng 212 triệu tin điện báo đã được gửi ở nước Mĩ trong năm 1929, năm bội thu nhất của ngành điện báo nước này.

Băng giấy ghi lại tin điện báo đầu tiên

Băng giấy ghi lại tin điện báo đầu tiên do Samuel Morse gửi trên hệ thống Washington-Baltimore vào năm 1844

Cước phí cao của tin nhắn điện báo dẫn tới nhu cầu cắt giảm số lượng từ trong tin nhắn. Từ viết tắt không giúp ích gì, vì điện báo tính tiền theo từ (word). Một sở thích, nhất là với doanh nhân, là sử dụng mật mã riêng. Các sách mật mã có chứa danh sách những cụm từ và mã tương ứng, thường gồm khoảng 5 kí tự.

Ví dụ, tin gửi "What is the best price delivered here for axle steel? How long does the quotation hold good? Disposed to accept any reasonable offer. Anxiously awaiting your reply. Rodgers." trong mã riêng của công ti thép nước Mĩ sẽ là "QKKMA AFBEH QPXFL QRURH QSWKU Rodgers."

Máy điện báo nhiều dây năm 1837 của Cooke và Wheatstone

Máy điện báo nhiều dây năm 1837 của Cooke và Wheatstone được sử dụng một thời gian ngắn trong truyền thông thương mại ở châu Âu

Nhân tiện, tin điện báo ngắn nhất từng được gửi là giữa Oscar Wilde, một nhà thơ và nhà soạn kịch người Ireland, và nhà xuất bản của ông. Wilde sống ở Paris để tự do viết lách và muốn biết tình hình bán ra của quyển sách mới của ông ở Anh như thế nào. Ông gửi điện báo cho nhà xuất bản “?”, và câu trả lời nhanh mà ông nhận được là “!”

Khi thế kỉ 20 chuyển mình, với tầm vươn xa hơn, và cước phí rẻ hơn, truyền thông điện thoại bắt đầu làm giảm tầm quan trọng của điện báo. Vào năm 1960, cước phí của một cuộc điện thoại 3 phút và một tin điện báo 15 từ là xấp xỉ nhau ở nước Mĩ. Khi giá cước qua mặt nhau, số lượng tin điện báo được gửi trong năm 1970 bằng khoảng một nửa số lượng được gửi năm 1960, và tiếp tục trượt dốc khi những dạng truyền thông điện tử khác ồ ạt ra đời.

Máy nhận điện báo kiểu Morse sau này

Máy nhận điện báo kiểu Morse sau này

Đồng thời, trong thế kỉ 20, ở các nước phát triển, điện báo có dây đã bắt đầu bị thay thế bởi hệ thống vi ba không dây, rồi sau đó là hệ thống vệ tinh. Hệ thống điện báo do hãng BSNL điều hành ở Ấn Độ là hệ thống cuối cùng được biết sử dụng đường điện báo có dây. Nhưng với tốc độ phát triển như vũ bão của email và điện thoại di động, thì hệ thống trên đã chạy không trong nhiều năm qua rồi.

Tin điện báo cuối cùng được gửi đi ở Ấn Độ là từ Ashwani Mishra, một phóng viên của kênh truyền hình DD News ở Ấn Độ, đến người nhận là Rahul Gandhi, phó chủ tịch Quốc hội Ấn Độ. Tin điện báo chúc ngài Gandhi, cháu nội của Indira Gandhi và cháu chắt của Jawaharlal Nehru, thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, và hi vọng ông sẽ giành được đỉnh cao danh vọng như các cụ tổ ngày xưa.

Trong khi ở nhiều nước người ta vẫn có thể gửi tin điện báo, nhưng ngày nay phần lớn dữ liệu được truyền đi trên các đường truyền internet. Sứ mệnh lịch sử đã hoàn tất, thời huy hoàng đã qua, điện báo bây giờ chỉ còn là hoài niệm và là một thú vui dành cho những người thích hoài cổ.

Theo Brian Dodson (GizMag.com)

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm