Processing math: 100%

NASA lập bản đồ độ cao rừng toàn cầu

Hiệp Khách Quậy Xin mời đọc tiếp.

Một đội khoa học NASA vừa tạo ra tấm bản đồ chính xác, phân giải cao của độ cao rừng toàn cầu. Tấm bản đồ sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn vai trò của rừng trong sự biến đổi khí hậu và độ cao tán rừng ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sống bên trong chúng, đồng thời còn giúp học định lượng carbon dự trữ trong lá phổi thực vật của Trái đất.

Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, trường Đại học Maryland, và Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole, Falmouth, Massachusetts, tạo ra bản đồ trên từ 2,5 triệu phép đo xung laser từ trên không gian được thao tác tỉ mỉ, phân bố khắp toàn cầu. Dữ liệu thu thập vào năm 2005 bởi thiết bị Hệ Cao kế Laser Khoa học Địa cầu trên Vệ tinh Băng, Mây và Độ cao đất liền (ICESat) của NASA.

 Bản đồ độ cao rừng toàn cầu mới.

Bản đồ độ cao rừng toàn cầu mới. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

“Biết được độ cao của tán rừng trên Trái đất là cái thiết yếu để ước tính sinh khối của chúng, hay lượng carbon mà chúng chứa,” phát biểu của nhà nghiên cứu Marc Simard. “Tấm bản đồ của chúng tôi có thể dùng để cải thiện những nỗ lực toàn cầu nhằm theo dõi lượng carbon. Ngoài ra, độ cao rừng còn là một đặc điểm không thể thiếu của môi trường sống của Trái đất, nhưng nó ít được biết rõ ở quy mô toàn cầu, vì thế những kết quả của chúng tôi sẽ có lợi cho những nghiên cứu về tính đa dạng của sự sống tìm thấy ở những phần nhất định của rừng cây hay môi trường sống.”

Tấm bản đồ (có online tại http://lidarradar.jpl.nasa.gov) miêu tả những điểm cao nhất của tán rừng. Độ phân giải không gian của nó là 1 km. Tấm bản đồ được xác thực trên dữ liệu thu từ một mạng lưới gồm chừng 70 trạm mặt đất trên khắp thế giới.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy, nói chung, độ cao rừng giảm theo độ cao so với mực nước biển và là cao nhất ở những vĩ độ thấp, giảm dần độ cao khi tiến ra xa vùng nhiệt đới. Một ngoại lệ là ở khoảng 40 vĩ độ nam với những cánh rừng nhiệt đới phương nam ở Australia và New Zealand, nơi sừng sững rất nhiều cây khuynh diệp, một trong những cây có hoa cao nhất thế giới, cao tới hơn 40 m.

Các nhà nghiên cứu đã gia cố dữ liệu ICESat với những loại dữ liệu khác để bù lại cho dữ liệu dò tầm laser thưa thớt, tác dụng của địa hình và mây che phủ. Trong số này có những ước tính phần trăm bao phủ rừng toàn cầu cung cấp bởi Quang phổ kế Bức xạ Chụp ảnh Phân giải Trung bình của NASA trên vệ tinh Terra, dữ liệu độ cao từ Sứ mệnh Địa hình Radar Tàu con thoi của NASA, và bản đồ nhiệt độ và lượng mưa từ Sứ mệnh Đo Mưa Nhiệt đới của NASA và cơ sở dữ liệu WorldClim. WorldClim là một bộ cơ sở dữ liệu khí hậu toàn cầu phân giải cao, truy cập tự do, có thể dùng cho việc lập bản đồ và mô phỏng không gian.

Nói chung, những ước tính trong tấm bản đồ mới cho thấy độ cao rừng cao hơn so với một bản đồ do ICESat cung cấp trước đây, nhất là vùng rừng nhiệt đới và rừng phương bắc, và rừng cây có độ cao thấp hơn ở những vùng đồi núi. Độ chính xác của tấm bản đồ mới biến thiên theo những loại cộng đồng sinh thái chính trong rừng, và còn phụ thuộc vào những cánh rừng đó bị xáo trộn như thế nào bởi hoạt động của con người và bởi sự biến thiên độ cao tự nhiên của rừng.

“Tấm bản đồ của chúng tôi chứa một trong những mô tả tốt nhất của độ cao rừng trên Trái đất hiện nay với quy mô khu vực và toàn cầu,” Simard nói. “Nghiên cứu này chứng minh phương pháp dò tầm laser từ không gian có tiềm năng hết sức lớn trong việc làm sáng tỏ những thông tin mới về những cánh rừng trên Trái đất. Tuy nhiên, để theo dõi hiện trạng lâu dài của những cánh rừng địa cầu và những hệ sinh thái khác, chúng ta cần có những vệ tinh quan sát Trái đất mới.”

Kết quả công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research - Biogeosciences.

Trọng Nhân – thuvienvatly.com
Nguồn: JPL/NASA (web)

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm