Trung Quốc công bố bản đồ toàn Mặt trăng phân giải cao

Hiệp Khách Quậy Các nhà khoa học Trung Quốc vừa ghép xong bản đồ phân giải cao nhất từ trước đến nay của toàn bộ Mặt trăng và đã công bố một loạt ảnh toàn Mặt trăng vào hôm thứ hai, 6 tháng 2, vừa qua. Xin mời đọc tiếp.

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa ghép xong bản đồ phân giải cao nhất từ trước đến nay của toàn bộ Mặt trăng và đã công bố một loạt ảnh toàn Mặt trăng vào hôm thứ hai, 6 tháng 2, vừa qua.

Bản đồ Mặt trăng trên được tạo ra từ hơn 700 hình ảnh do phi thuyền Hằng Nga 2 của Trung Quốc chụp và được công bố bởi Ủy ban Quốc gia về Khoa học, Công nghệ, và Công nghiệp Quốc phòng (SASTIND), theo thông tin đăng tải của Tân Hoa Xã và đài truyền hình CCTV.

“Tấm bản đồ và những hình ảnh trên là những ảnh chụp phân giải cao nhất của toàn bộ mặt trăng đã được công bố tính cho đến nay,” Liu Dongkui, trưởng đại diện dự án tàu thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc phát biểu với Tân Hoa Xã.

Tất nhiên, có những ảnh chụp phân giải cao hơn nhiều của vô số vùng cục bộ trên mặt trăng đã được chụp từ trên quỹ đạo bởi phi thuyền vũ trụ của những nước khác và từ trên mặt trăng bởi các nhà du hành Apollo của NASA, cũng như những thiết bị hạ cánh và xe tự hành mặt trăng không người lái khác của Nga và Mĩ.

Bản đồ phân giải cao của Mặt trăng do phi thuyền Hằng Nga 2 của Trung Quốc lập

Bản đồ phân giải cao của Mặt trăng do phi thuyền Hằng Nga 2 của Trung Quốc lập có độ phân giải 7 mét. Ảnh: China Space Program

Hằng Nga 2 là tàu thám hiểm mặt trăng thứ hai của Trung Quốc và đã đi vào quỹ đạo quanh láng giềng gần gũi nhất của chúng ta trong vũ trụ vào tháng 10 năm 2010. Nó được phóng lên hôm 1 tháng 10, 2010 và mang tên vị nữ thần mặt trăng xinh đẹp trong thần thoại Trung Hoa.

Các bức ảnh được chụp từ tháng 10/2010 đến tháng 5/2011 bằng một stereo camera CCD trong khi phi thuyền bay phía trên trong một quỹ đạo elip dẹt với cao độ biến thiên từ 15 km đến 100 km.

Các bản đồ của Hằng Nga 2 có độ phân giải 7 mét, cao gấp 17 lần so với bản đồ của tàu quỹ đạo mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc; Hằng Nga 1, phóng lên vào năm 2007.

Trung Quốc công bố bản đồ toàn mặt trăng phân giải cao do phi thuyền mặt trăng Hằng Nga 2 chụp

Trung Quốc công bố bản đồ toàn mặt trăng phân giải cao do phi thuyền mặt trăng Hằng Nga 2 chụp. Ảnh: China Space Program

Thật vậy, các bản đồ trên đủ chi tiết nên các nhà khoa học Trung Quốc có thể tìm ra vết tích của các phi thuyền hạ cánh Apollo của Mĩ.

Hằng Nga 2 còn chụp những bức ảnh phân giải cao của khu vực “Sinus Iridum”, hay Vịnh Cầu vồng, nơi Trung Quốc dự kiến cho sứ mệnh mặt trăng tiếp theo của họ tiếp đất mặt trăng. Camera của nó có khả năng phân giải những chi tiết nhỏ cỡ 1 mét ngang ở độ cao thấp nhất.

Bản đồ toàn mặt trăng do phi thuyền mặt trăng Hằng Nga 2 lập

Bản đồ toàn mặt trăng do phi thuyền mặt trăng Hằng Nga 2 lập. Ảnh: China Space Program

Vệ tinh trên đã rời quỹ đạo mặt trăng hồi tháng 6/2011 và hiện đang quay xung quanh điểm Lagrange 2 (L2) của mặt trăng, nằm cách Trái đất hơn 1,5 triệu km.

Các viên chức thuộc chương trình vũ trụ của Trung Quốc hi vọng vào phi thuyền Hằng Nga 3 sẽ cất cánh trong năm 2013, trên đó sẽ có cỗ xe tự hành đầu tiên của Trung Quốc từng hạ cánh lên một thiên thể khác. Bước tiếp theo của Trung Quốc sau xe tự hành có lẽ là nỗ lực cho một sứ mệnh lấy mẫu mặt trăng về Trái đất trong năm 2017.

Việc chứng minh khả năng triển khai thành công một sự hạ cánh không người lái lên mặt trăng là một cột mốc quan trọng phải đạt tới trước khi Trung Quốc có thể đưa nhà du hành đặt chân lên Mặt trăng, có lẽ trong vòng thập niên tới.

Hiện nay, do thâm hụt ngân quỹ nên NASA không còn ưu tiên tài trợ cho chương trình thám hiểm mặt trăng. Trong khi đó, người Nga hi vọng đưa phi thuyền Lunar Glob của họ hạ cánh lên Mặt trăng vào khoảng năm 2015. Như vậy, rất có khả năng lá cờ tiếp theo do loài người cắm trên đất Mặt trăng sẽ là cờ Trung Quốc.

Alpha Physics – thuvienvatly.com
Theo Universe Today

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm