Hiệp Khách Quậy Khám phá thiên văn vĩ đại nhất của thế kỉ thứ 20 có lẽ đã vinh danh không đúng người. Nhưng hóa ra sai lầm chẳng thuộc về ai, mà thuộc về chính con người đã thực hiện khám phá ban đầu ấy. Xin mời đọc tiếp.
Khám phá thiên văn vĩ đại nhất của thế kỉ thứ 20 có lẽ đã vinh danh không đúng người. Nhưng hóa ra sai lầm chẳng thuộc về ai, mà thuộc về chính con người đã thực hiện khám phá ban đầu ấy.
Viết trong số ra ngày 10 tháng 11 của tạp chí Nature, nhà thiên văn vật lí Mario Livio thuộc Viện Khoa học Kính thiên văn Vũ trụ lại mang ra phanh phui câu chuyện đang gây tranh cãi ngày một lan rộng dần về con người đáng được tôn vinh vì đã khám phá ra vũ trụ đang giãn nở.
Trong gần một thế kỉ qua, nhà thiên văn học người Mĩ Edwin P. Hubble đã mang danh là người có khám phá nổi tiếng này, khám phá đã định hình lại toàn bộ nền thiên văn học thế kỉ 20. Hubble tường thuật rằng vũ trụ đang giãn nở đồng đều theo mọi hướng. Sự giãn nở đó giải thích được nan đề của Einstein rằng tại sao vũ trụ không co lại dưới sức hút hấp dẫn của riêng nó.
Trớ trêu thay, Hubble chưa hề nhận được Giải Nobel nào cho khám phá này, mặc dù các nhà thiên văn từ hai đội độc lập nhau làm sáng tỏ bằng chứng cho một vũ trụ đang tăng tốc đã giành Giải Nobel Vật lí năm 2011. Nhưng Hubble thật sự có chiếc kính thiên văn danh vọng nhất của lịch sử hiện đại mang tên ông.
Ảnh minh họa nhà thiên văn học người Mĩ Edwin Hubble (1889-1953) ở bên phải và thầy tu và nhà vũ trụ học người Bỉ Georges Lemaître (1894-1966) ở bên trái. Dựa trên bằng chứng mới, cả hai nhà khoa học đều đáng được tôn vinh là những người độc lập khám phá ra vũ trụ đang giãn nở hồi cuối thập niên 1920. Lemaître còn được tôn vinh với việc đề xuất một lí thuyết cho nguồn gốc của vũ trụ sau này gọi là “vụ nổ lớn”. Chiếc kính thiên văn ở bên trái là Kính thiên văn Hooker 100 inch trên đỉnh Wilson ở California. Kính thiên văn vũ trụ Hubble ở phía bên phải. ẢnhNASA, ESA, và A. Feild (STScI)
Hubble công bố bài báo nổi tiếng của ông trong đó ông xác định tốc độ giãn nở của vũ trụ vào năm 1929. Bài báo này dựa trên những vận tốc lùi ra xa biểu kiến (suy ra từ độ lệch đỏ) của các thiên hà, được đo trước đó bởi nhà thiên văn học Vesto Slipher, cùng với khoảng cách đến những thiên hà đó, do Hubble xác định.
Phân tích của Hubble cho thấy thiên hà càng ở xa thì dường như càng lùi ra xa nhanh hơn. Tốc độ giãn nở của vũ trụ ngày nay được gọi là hằng số Hubble.
Nhưng hai năm trước đó, vị linh mục và nhà vũ trụ học người Bỉ, Georges Lemaître, đã công bố những kết luận rất giống như vậy, và ông đã tính ra một tốc độ giãn nở tương tự với cái Hubble sẽ công bố hai năm sau đó.
Lemaître dựa trên phân tích của ông về dữ liệu lệch đỏ của Slipher, ông kết hợp chúng với các ước tính khoảng cách thiên hà suy luận ra từ những quan sát đã công bố vào năm 1926 của Hubble.
Nhưng khám phá của Lemaître không được chú ý tới vì nó công bố bằng tiếng Pháp, trên một tạp chí khoa học Bỉ hơi ít tiếng tăm gọi là Annales de la Société Scientifique de Bruxelles (Kỉ yếu của Hội Khoa học Brussels).
Câu chuyện sẽ dừng lại ở đó, nếu công trình của Lemaître sau này không được dịch ra và đăng trên Nguyệt san của Hội Thiên văn học Hoàng gia. Khi đăng tải vào năm 1931, một số phần tính toán riêng của Lemaître từ năm 1927, về cái sau này gọi là hằng số Hubble, đã bị bỏ sót!
Thật ra thì những đoạn bị thiếu từ bài báo dịch đã được biết tới (mặc dù không rộng rãi) từ năm 1984. Đã có một sự tranh cãi gay gắt giữa các nhà thiên văn về “ai đã làm thế?” Có phải các biên tập viên tờ nguyệt san đã cắt bỏ những đoạn đó? Hay bản thân Edwin Hubble đã nhúng tay vào khâu kiểm duyệt bài báo nhằm loại trừ bất cứ sự ngờ vực nào rằng ông có phải là người đầu tiên khám phá ra vũ trụ đang giãn nở hay không?
Sau khi vùi mình trong hàng trăm tư liệu của Hội Thiên văn học Hoàng gia, cũng như tham gia nhiều cuộc họp của Hội, và hồ sơ từ Kho tư liệu Lemaître, Livio phát hiện ra rằng chính Lemaître đã bỏ sót những đoạn đó khi ông dịch bài báo sang tiếng Anh!
Ở một trong hai “bức thư khai hỏa” mà Livio phanh phui ra, Lemaître đã viết cho các biên tập viên: “Tôi thấy không nên in lại phần trình bày tạm thời về những vận tốc xuyên tâm rõ ràng không có mối quan tâm thật sự nào, và cả phần ghi chú hình học nữa, chúng có thể thay bằng một danh mục tham khảo nho nhỏ và những bài báo mới về đề tài trên”.
Câu hỏi còn lại là tại sao Lemaître về cơ bản đã xóa bỏ bằng chứng để tôn vinh ông là người đầu tiên khám phá ra vũ trụ đang giãn nở.
Livio kết luận, “Lá thư của Lemaître cũng cung cấp một cái nhìn sâu sắc về triết lí khoa học của một số nhà khoa học hồi thập niên 1920. Lemaître không hề bận tâm với quyền ưu tiên cho khám phá gốc của ông. Biết rằng các kết quả của Hubble đã công bố vào năm 1929, ông thấy không cần phải lặp lại những kết quả chưa dứt khoát cho lắm của ông một lần nữa vào năm 1931”.
Có lẽ trong một số lịch sử vũ trụ song song khác, người ta đang trầm trồ chiêm ngưỡng những bức ảnh không gian sâu chụp từ Kính thiên văn vũ trụ Lemaître.
Nguồn: ESA/Hubble Information Centre