Hiệp Khách Quậy Cho dù bạn ném thứ gì vào để thử thuyết tương đối rộng của Albert Einstein thì nó vẫn chẳng hề hấn chi. Nay một lần nữa, một va chạm của các sao lại chứng minh rằng nó đúng. Xin mời đọc tiếp.
Cho dù bạn ném thứ gì vào để thử thuyết tương đối rộng của Albert Einstein thì nó vẫn chẳng hề hấn chi. Nay một lần nữa, một va chạm của các sao lại chứng minh rằng nó đúng.
Thuyết tương đối rộng dự đoán rằng có bốn chiều, ba chiều không gian và một chiều thời gian, và rằng lực hấp dẫn lẫn ánh sáng đều tồn tại trong các chiều này. Nhưng một số người cãi rằng có thể còn có các chiều dư. Họ nghĩ rằng lực hấp dẫn, chứ không phải ánh sáng, có thể chiếm giữ chúng.
Để kiểm tra ý tưởng đó, một đội gồm hơn 1000 nhà nghiên cứu đã khảo sát tàn dư của các sao neutron va chạm nhau. Va chạm giữa các sao này khốc liệt đến mức nó gây ra các gợn sóng trong không gian và thời gian gọi là sóng hấp dẫn.
Đội nghiên cứu đã dò tìm một sự kiện như thế, sử dụng cả sóng ánh sáng lẫn sóng hấp dẫn. Họ tin rằng nếu sóng hấp dẫn truyền trong nhiều chiều hơn sóng ánh sáng, thì cường độ sóng hấp dẫn sẽ giảm so với sóng ánh sáng vào lúc chúng đi tới Trái Đất.
Thế nhưng hai phép đo ăn khớp hoàn hảo với nhau. Mặc dù đây không phải là bằng chứng rạch ròi rằng các chiều dư không tồn tại, song nó là một dấu hiệu khác cho thấy Einstein đã đúng.
Đội nghiên cứu cũng đã đo thời gian các sao neutron đó chuyển động xoắn ốc vào nhau và các sóng hấp dẫn làm co giãn không-thời gian như thế nào. Cả hai kết quả đều nghiêng về thuyết tương đối rộng (arxiv.org/abs/1811.00364).
Tuy nhiên, có một hạt sạn nhỏ. Tất cả các phép kiểm tra vừa nói đều sử dụng dữ liệu từ LIGO, cỗ máy dò sóng hấp dẫn ở Mĩ, tuy nhiên một số nhà vật lí nghi vấn không biết nó có thật sự dò thấy sóng hấp dẫn hay không nữa.
Bởi thuyết tương đối rộng không tương thích với cơ học lượng tử, thành ra người ta ngờ vực lí thuyết của Einstein sẽ phải sụp đổ. “Mỗi lần chúng ta thu được một kết quả mới lại phù hợp hoàn toàn với thuyết tương đối rộng, là mỗi lần tôi thật sự bất ngờ,” phát biểu của thành viên đội nghiên cứu, Michalis Agathos tại Đại học Cambridge.
Nguồn: New Scientist