Hiệp Khách Quậy Là người đồng sáng lập ra lí thuyết trường dây, Michio Kaku là một tác giả viết sách nổi tiếng, người dẫn chương trình truyền hình và nhà phổ biến khoa học được nhiều người biết tới. Tác phẩm mới nhất của ông Xin mời đọc tiếp.
Là người đồng sáng lập ra lí thuyết trường dây, Michio Kaku là một tác giả viết sách nổi tiếng, người dẫn chương trình truyền hình và nhà phổ biến khoa học được nhiều người biết tới. Tác phẩm mới nhất của ông: Vật lí học của Tương lai: Khoa học sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào vào năm 2100 được viết dựa trên những cuộc phỏng vấn với hơn 300 nhà khoa học thuộc tốp đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Aaron Leonard đã gặp ông tại phòng làm việc của ông ở trường Cao đẳng Thành phố New York để trao đổi về cái nhìn tương lai của ông – và làm thế nào ông lại thành đạt trong lĩnh vực khoa học và truyền thông.
Michio Kaku. (Ảnh: Andrea Brizzi)
Khoa học sẽ mang lại những lợi ích gì cho một người bình dân trong tương lai?
Ngày nay, một chiếc máy MRI bình thường chiếm một không gian chừng bằng căn phòng làm việc này, làm hạn chế nơi nó có thể được lắp đặt và sử dụng. Đây là vì cần có những cuộn dây khổng lồ sinh ra từ trường càng mạnh càng tốt để thu lấy những hình ảnh tuyệt diệu của bên trong cơ thể. Sử dụng công nghệ máy tính, cái hóa ra chính là vật lí ứng dụng, ngày nay bạn có thể bù lại cho tính không đồng nhất của từ trường đó. Máy MRI nhỏ nhất thế giới, do các nhà vật lí ở Đức chế tạo, cao chỉ cỡ một foot (cỡ 30,5 cm). Cuối cùng [trong tương lai] nó sẽ có kích cỡ của chiếc điện thoại di động và có thể sử dụng ở mọi nơi.
Chúng ta cũng sẽ hưởng lợi từ các chip ADN sử dụng công nghệ Thung lũng Silicon để định vị tế bào ung thư sớm hàng thập kỉ trước khi chúng hình thành mô. Tế bào ung thư khi đó sẽ được điều trị bằng công nghệ nano. Gần đây, tôi có ăn trưa với một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về hạt nano. Cô ấy làm việc tại Viện Y tế Quốc gia ở Washington và sử dụng các phân tử như bom thông minh để tiêu diệt các tế bào ung thư. Chúng ta đang nói tới một cuộc cách mạng trong nghiên cứu ung thư. Trong tương lai, hóa học trị liệu trông sẽ ban sơ như con đĩa hút máu vậy.
Ông viết rằng định luật Moore – lí thuyết nói rằng tốc độ máy vi tính tăng lên gấp đôi trong chừng mỗi hai năm – không còn đúng đối với các dụng cụ silicon trong bao lâu nữa, ông có thể giải thích gì không?
Chúng ta đang chứng kiến sự bắt đầu kết thúc của định luật Moore vì hai nguyên do sau. Một là nhiệt sinh ra là hệ quả của việc thực hiện quá nhiều phép tính điện tử trong một không gian quá nhỏ bé. Hai là sự rò rỉ lượng tử - nguyên lí bất định Heisenberg cuối cùng đã đuổi kịp các nhà thiết kế chip. Trong những mạch điện nhỏ xíu, nguyên lí bất định cho biết bạn không thể nào biết chính xác hạt electron đang ở đâu. Và nếu bạn thu nhỏ kích cỡ transistor xuống còn vài ba nguyên tử, thì bản thân các nguyên tử có thể rò rỉ. Các nhà vật lí chúng ta hiện đang liều lĩnh tạo ra kỉ nguyên hậu silicon: máy tính lượng tử, máy tính nguyên tử, máy tính phân tử.
Biết rằng công nghệ và tài chính là hạn chế, vậy ông nhìn nhận như thế nào về tương lai của Nền Vật lí Lớn?
Hồi năm 1993, Nền Vật lí Lớn đã chịu một đòn đau vì những kế hoạch xây dựng Siêu Máy va chạm Siêu dẫn ở Mĩ bị hủy bỏ. Hiện nay, các nước châu Âu đang hưởng lợi từ một máy va chạm nhỏ hơn nhiều, Máy Va chạm Hadron Lớn. Các nhà vật lí muốn tiến sang thế hệ tiếp theo nữa và xây dựng Máy Va chạm Thẳng Quốc tế, nhưng cuối cùng toàn thể xã hội mới có quyền đưa ra quyết định – và thật không may, các nhà vật lí lại chẳng có quan hệ với xã hội rộng lớn đó.
Khoa học đang ngày một tốn kém hơn và công chúng có thể không dễ gì tán thành. Đó là nguyên do vì sao chúng ta phải tiếp xúc với phần còn lại của xã hội. Đó là một lí do khiến tôi viết sách. Mặc dù các nhà vật lí chúng ta đã khai sinh ra kiến trúc của thế kỉ thứ 20, nhưng công chúng không biết điều đó. Công chúng chỉ nhìn nhận vấn đề theo hướng ai chiếm hữu đồng tiền. Những người mang lại sự thịnh vượng qua những thứ như transistor và laser thì đa số chẳng ai biết tới.
Làm thế nào ông nhìn thấy sự giao thoa của khoa học, chính trị và xã hội trong tương lai?
Khoa học là một thanh gươm hai lưỡi. Lưỡi tích cực có thể cắt đứt sự ngu dốt, bần cùng và bệnh tật. Lưỡi tiêu cực có thể rất nguy hại khi nằm trong tay những nền độc tài, những nền quân chủ xấu xa, những chính phủ muốn chiếm dụng tài nguyên của người khác và nô dịch họ. Hãy nhìn lại hai cuộc chiến tranh thế giới, đi cùng với đó là chất khí độc, bom ném tập trung và vũ khí hạt nhân. Các nhà khoa học tạo ra thanh gươm đó và chúng ta là những người phải giao tiếp với xã hội và giải thích cả hai lưỡi gươm – đó là cái tôi nghĩ chúng ta đã lơ đễnh quên mất. Cái tôi nghĩ đó thật sự rất buồn.
Là một nhà phổ biến khoa học không mệt mỏi đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Công việc đó ảnh hưởng đến nghiên cứu của ông ra sao?
Tôi là một nhà vật lí lí thuyết. Nếu tôi là một nhà vật lí thực nghiệm và cái bơm chân không của tôi bị hỏng, tôi sẽ phải buông xuôi mọi thứ và bay về New York để sửa nó. Phòng thí nghiệm của tôi là trí tuệ của tôi và tôi luôn có những mảng phương trình trong đầu của mình. Nếu chúng không khớp thành dạng thức thích hợp, thì tôi phải nắn chúng, làm chủ chúng, tách chúng ra và hợp chúng trở lại.
Việc đi lại không ảnh hưởng gì nhiều lắm đến quá trình này – tôi có thể làm việc trong khi tôi đang thả hồn từ cửa sổ máy bay hoặc cửa sổ khách sạn. Một người tương tự đó là người nhạc sĩ. Người nhạc sĩ có những giai điệu từng phần nhảy múa trong đầu họ. Khi các giai điệu bắt đầu hợp lại thì họ đi tới chỗ đàn piano và khẩy vài nốt, sau đó họ trở lại với giấc mơ giữa ban ngày về các giai điệu. Đa số công việc của người nhạc sĩ được làm mà không đụng chạm gì đến đàn piano hết.
Tác phẩm mới nhất của Michio Kaku.
Ông có lạc quan như vậy về tương lai không?
Tôi nghĩ chúng ta đã từng nghe nói tới nền văn minh loại I, một nền văn minh cấp hành tinh nơi con người có thể làm những thứ việc như điều khiển thời tiết và khai thác toàn bộ ánh sáng đến từ mặt trời. Nền văn minh loại II là nền văn minh cấp sao có thể điều khiển năng lượng của toàn bộ ngôi sao. Loại III là nền văn minh cấp thiên hà điều khiển công suất phát của 100 tỉ ngôi sao, chơi cùng các lỗ đen và đi lại khắp thiên hà.
Ngày nay, chúng ta là loại 0 và năng lượng của chúng ta sử dụng có nguồn gốc từ cây cỏ đã chết, dầu mỏ và than đá. Khi tôi mở báo ra đọc, tôi nhìn thấy sự day dứt ra đời của nền văn minh loại I. Thí dụ, Internet là sự khởi đầu của một hệ thống điện thoại loại I. Chúng ta được đặc quyền sinh sống để chứng kiến sự ra đời của một công nghệ loại I – một hệ thống viễn thông cấp hành tinh thông minh đích thực. Nói chung, tôi khá lạc quan. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiến sang loại I. Cái nguy hiểm là giữa loại 0 và loại I; đó là khi bạn có sức mạnh để phá hủy toàn bộ sự sống trên hành tinh của bạn.
Cuốn Vật lí học của Tương lai vừa được nhà xuất bản Doubleday phát hành ở Mĩ hôm 15 tháng 3.
Nguồn: physicsworld.com