Hiệp Khách Quậy Cho nên mô hình cũ (một con chip bên trong máy vi tính để bàn hay laptop nối với máy vi tính) đang dần bị thay thế bởi mô hình mới (hàng nghìn con chip phân tán bên trong mỗi vật dụng, như đồ nội thất, thiết bị điện, tranh ảnh, tường, xe hơi, quần áo, tất cả đều đang nói chuyện với nhau, và đều kết nối... Xin mời đọc tiếp.
Cho nên mô hình cũ (một con chip bên trong máy vi tính để bàn hay laptop nối với máy vi tính) đang dần bị thay thế bởi mô hình mới (hàng nghìn con chip phân tán bên trong mỗi vật dụng, như đồ nội thất, thiết bị điện, tranh ảnh, tường, xe hơi, quần áo, tất cả đều đang nói chuyện với nhau, và đều kết nối Internet.)
Khi đưa những con chip này vào thiết bị điện, thiết bị có sự chuyển biến phi thường. Khi đưa những con chip này vào máy đánh chữ, chúng trở thành bộ xử lí từ. Khi đưa vào điện thoại, chúng trở thành điện thoại di động. Khi đưa vào camera, chúng trở thành camera kĩ thuật số. Máy bắn đạn trở thành trò chơi video. Máy hát đĩa trở thành iPod. Máy bay trở thành những con mãnh thú không người lái. Mỗi lần là một nền công nghiệp đã được cách mạng hóa và tái sinh. Cuối cùng, hầu như mọi thứ xung quanh chúng ta sẽ đều trở nên thông minh. Chip sẽ thật rẻ nên chúng sẽ có giá bán thấp hơn cả giấy bọc plastic và sẽ thay thế mã vạch. Những công ti không biến những sản phẩm của họ trở nên thông minh sẽ bị các đối thủ cạnh tranh đào thải ra khỏi thị trường tiêu thụ.
Tất nhiên, xung quanh chúng ta sẽ vẫn có những màn hình máy vi tính, nhưng chúng sẽ giống như giấy dán tường, khung ảnh, hay ảnh chụp gia đình, chứ không phải máy tính. Hãy tưởng tượng toàn bộ tranh ảnh và hình chụp trang hoàng nhà cửa chúng ta hiện nay; giờ hãy tưởng tượng mỗi thứ đang sinh động, di chuyển, và kết nối Internet. Khi chúng ta đi ra khỏi nhà, ta sẽ thấy những hình ảnh chuyển động, vì ảnh chuyển động sẽ tốn ít tiền như ảnh tĩnh vậy.
Số phận của máy vi tính – giống như những công nghệ đồ sộ khác như điện, giấy, và nước chảy – trở nên vô hình, nghĩa là biến mất vào trong cơ cấu cuộc sống của chúng ta, có ở mọi nơi và chẳng có ở đâu, lặng lẽ và âm thầm thực hiện những ước muốn của chúng ta.
Ngày nay, khi chúng ta bước vào một căn phòng, ta tự động đi tìm công tắc đèn, vì ta giả định rằng tường nhà đã được kết nối điện. Trong tương lai, việc đầu tiên chúng ta sẽ làm khi đi vào một căn phòng là tìm kiếm cổng Internet, vì chúng ta sẽ giả sử căn phòng là thông minh. Như nhà viết tiểu thuyết Max Frisch từng nói “Công nghệ [là] sở trường sắp xếp thế giới để chúng ta không phải trải nghiệm nó”.
Định luật Moore còn cho phép chúng ta dự đoán sự phát triển của máy vi tính trong tương lai gần. Trong thập niên tới, những con chip sẽ được kết hợp với những bộ cảm biến siêu nhạy, nên chúng có thể phát hiện bệnh tật, tai nạn, và tình huống khẩn cấp và cảnh báo chúng ta trước khi chúng bị mất kiểm soát. Chúng sẽ, đến một mức độ nào đó, nhận dạng giọng nói và gương mặt con người và nói chuyện theo một ngôn ngữ chính thống. Chúng sẽ có thể tạo ra toàn bộ những thế giới ảo mà ngày nay chúng ta chỉ có thể mơ tới. Khoảng năm 2020, giá của một con chip cũng giảm xuống còn khoảng một đồng penny, tương đương giá của một tờ giấy nháp. Khi đó chúng ta sẽ có hàng triệu con chip phân bố ở khắp nơi trong môi trường của chúng ta, lặng lẽ thực hiện những mệnh lệnh của chúng ta.
Cuối cùng, chính cái tên computer sẽ biến mất khỏi ngôn ngữ Anh.
Để trình bày sự tiến bộ trong tương lai của khoa học và công nghệ, tôi chia mỗi chương thành ba thời kì: tương lai gần (từ nay đến năm 2030), giữa thế kỉ (từ 2030 đến 2070), và cuối cùng là tương lai xa, từ 2070 đến 2100. Những thời kì này chỉ là sự phân chia thô, nhưng chúng thể hiện khung thời gian cho những xu hướng khác nhau trình bày trong quyển sách này.
Sự phát triển nhanh chóng của công suất máy tính vào năm 2100 sẽ cho chúng ta sức mạnh tựa như sức mạnh của các vị thần trong thần thoại mà chúng ta đã từng mơ ước, cho phép chúng ta điều khiển thế giới xung quanh mình chỉ bằng suy nghĩ. Giống như những vị thần của thần thoại, những người có thể dời non lấp bể và định hình lại cuộc sống với một cái vẫy tay đơn giản hay gật đầu, chúng ta cũng sẽ có thể điều khiển thế giới xung quanh mình với sức mạnh trí tuệ của chúng ta. Chúng ta sẽ liên tục tiếp xúc tinh thần với những con chip phân tán trong môi trường xung quanh chúng ta khi đó sẽ lặng lẽ thực hiện những mệnh lệnh của chúng ta.
Tôi nhớ có lần xem một tập phim Star Trek trong đó phi hành đoàn của con tàu Enterprise đi qua một hành tinh do những vị thần Hi Lạp chiếm cứ. Đứng trước họ là vị thần Apollo cao ngất ngưởng, một nhân vật khổng lồ khiến phi hành đoàn lóa mắt và bị áp đảo bởi nỗi sợ kiểu thần thánh. Nền khoa học thế kỉ 23 bất lực không chống chọi nổi trước vị thần đã thống trị bầu trời hồi hàng nghìn năm trước ở Hi Lạp cổ đại. Nhưng một khi phi hành đoàn đã lấy lại tinh thần sau cú sốc vì chạm trán với vị thần Hi Lạp, họ sớm nhận ra rằng phải có một nguồn gốc của sức mạnh này, nghĩa là thần Apollo phải liên tục tiếp xúc tinh thần với một máy vi tính trung tâm và một nhà máy điện để thực hiện những ước muốn của ngài. Một khi phi hành đoàn đã xác định và phá hủy nguồn năng lượng đó, Apollo đã biến thành một nhân vật bình thường.
Đây chỉ là một câu chuyện Holywood. Tuy nhiên, bằng cách mở rộng những khám phá triệt để đã và đang triển khai trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học có thể hình dung ra cái ngày khi mà chúng ta cũng có thể sử dụng sự điều khiển ngoại cảm đối với máy vi tính để mang lại cho chúng ta sức mạnh của vị thần Apollo này.
Michio Kaku - Vật lí học của tương lai
Khoa học sẽ định hình số phận loài người
và cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào vào năm 2100
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>